Dòng chảy

TP.HCM đã bố trí hơn 14.000 tỷ đồng đầu tư theo cơ chế đặc thù

VGP News10/08/2024 - 13:14

Sáng 10/8, tại Hội nghị Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.

ct.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, khối lượng, hiệu quả mà Thành phố hoàn thành trong 1 năm thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 tương đương 5 năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

TP.HCM hoàn thành nhiều mục tiêu

Cụ thể, về lĩnh vực quản lý đầu tư, Thành phố đã ưu tiên bố trí 2.796 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo năm 2023 và đã giải ngân đạt 100% cho gần 39.000 khách hàng. Năm 2024, Thành phố bố trí 998 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo và đã giải ngân đạt tỉ lệ 100% cho 13.658 lượt khách hàng.

Thành phố đã bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HIFC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển; bố trí 2.900 tỷ đồng cho Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc ngành văn hóa và thể thao với 23 dự án (tổng mức đầu tư 22.394 tỷ đồng).

Về lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước, đối với dự toán chi ngân sách của UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4%, Thành phố đã bố trí dự toán năm 2024 với mức tối đa là 4%, số tiền 688,6 tỷ đồng để địa phương có thêm sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.

Thành phố đã bố trí ngân sách Thành phố hỗ trợ tỉnh Điện Biên xây dựng một số công trình với số tiền 75 tỷ đồng; hỗ trợ Cuba 10 bộ máy vi tính, 500 xe đạp và 500 tấn gạo để hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ cháy tàu chở dầu ở Vịnh Matanzas.

Thành phố đã ban hành Quy định hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ; mức chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể với mức chi tối đa là 3 triệu đồng/biên chế có mặt/tháng đối với một số cơ quan Trung ương trên địa bàn Thành phố nhằm động viên đội ngũ cán bộ, công chức thêm phần an tâm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Về lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, TP.HCM đã ban hành chính sách tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ, thu hút được 10 hồ sơ đăng ký thực hiện để hình thành và phát triển Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.

Chính sách hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo đã nhận được 48 hồ sơ đăng ký hợp lệ, Hội đồng Tư vấn đã tuyển chọn được 21/48 hồ sơ và bước đầu hỗ trợ cho 15/21 hồ sơ.

Về kết quả về tổ chức bộ máy chính quyền, Thành phố thành lập và đưa vào hoạt động: Sở An toàn thực phẩm Thành phố; Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố; bố trí thêm 1 Phó Chủ tịch HĐND, 1 Phó Chủ tịch UBND và hình thành bộ máy hoàn thiện TP. Thủ Đức; 1 Phó Chủ tịch UBND cho 3 huyện (Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn) và 51/52 Phó Chủ tịch UBND đối với 51/52 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Đã giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026 với tổng số cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn là 7.037 người.

Đề cập đến phương hướng thực hiện Nghị quyết 98 trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi cho biết Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, ban hành Quyết định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên; Kế hoạch thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; ban hành Quy định về trình tự, thủ tục và kế hoạch thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các diện tích đất thuộc quỹ đất do Nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã được xác định tại hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) để thanh toán cho nhà đầu tư,…

Đồng thời, tập trung chuẩn bị một số đề án, dự án trọng điểm: Đề án phát triển Hệ thống đường sắt đô thị, Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Thành phố cũng sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư ở các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch.

Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị định số 84/NĐ-CP ngày 10/7/2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho Thành phố.

Trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết quy định các tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Tổ chức sơ kết, tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị tổng kết Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố.

Các đề xuất, kiến nghị

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư các dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát (CRUS1) và Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS2).

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án khu công nghiệp chuyên ngành y - dược tại TP.HCM vào Danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư quy định tại Quyết định số 376 ngày 17/3/2021 của Thủ tướng và ban hành các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ, Bộ Y tế để thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường.

Thành phố cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cấp vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho Khu công nghệ cao, đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao mở rộng (bổ sung chức năng Công viên Khoa học và Công nghệ Thành phố) tương tự như đã hỗ trợ cho Khu công nghệ cao trước đây với tỉ lệ vốn ngân sách Trung ương 30% và vốn ngân sách Thành phố là 70%.

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm giải quyết các vấn đề của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Vạn Thịnh Phát để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

TP.HCM cũng mong Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 2 Thành phố, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng với các cơ chế tương tự trường hợp đã thực hiện cho Dự án đường Vành đai 3.

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện sớm thông qua: Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị; Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM.

VGP News