Y học

Những kiến thức vàng để phòng ngừa tim mạch, đột tử

An Nhi 05/08/2024 15:11

Đột tử có thể do chơi thể thao, suy tim, nhồi máu cơ tim... Phần lớn đột tử do tim liên quan đến bệnh mạch vành, chiếm 50 - 60% trường hợp. Ở người trẻ, đột tử xảy ra do bệnh tim cấu trúc, rối loạn nhịp, tim bẩm sinh, di truyền.

Ngừng thở, ngưng tim khi đang uống cà phê sáng

Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận một nam bệnh nhân (46 tuổi) đột ngột ngã và ngừng thở, ngưng tim khi đang uống cà phê sáng.

benh-nhan-nam-39-tuoi-tim-tai-khi-dang-choi-bong-da.png
Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã cứu sống một trường hợp bệnh nhân nam (39 tuổi) đột ngột tự ngã gục, tím tái khi đang chơi đá bóng.

Theo ThS.BS Giang Minh Nhật, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng suy tim nặng, phù phổi cấp. Bác sĩ can thiệp hạ thân nhiệt trung tâm để bảo vệ não không bị tổn thương nặng hơn. Bệnh nhân được oxy hóa máu màng ngoài cơ thể phương thức lai ghép (V-AV ECMO) và lọc máu liên tục điều chỉnh suy chức năng thận đi kèm.

Người bệnh được ngừng can thiệp V-AV ECMO sau 10 ngày. Chức năng não bắt đầu có tín hiệu hồi phục. Chức năng co bóp cơ tim của bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, tổn thương phổi cải thiện. Bệnh nhân được cấy máy phá rung trong tim để ngăn ngừa đột tử do rối loạn nhịp thất trong tương lai. Ba con ruột của anh cũng được các bác sĩ tham vấn di truyền và đưa ra chiến lược theo tim mạch theo dõi dài hạn ngừa đột tử gia đình.

Nguyên nhân ngừng tim của bệnh nhân được khảo sát bằng xét nghiệm sinh hóa tầm soát yếu tố nguy cơ tim mạch, theo dõi điện tim, chụp cắt lớp vi tính động mạch vành, cộng hưởng từ tim, khảo sát tính di truyền đột tử trong phả hệ, tầm soát đột biến gene liên quan đột tử…

ts.bs-hoang-hai.jpg
Theo TS.BS Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đột tử do tim liên quan luyện tập thể thao dù ít gặp, nhưng tỷ lệ tử vong rất cao.

Kết quả bệnh nhân có đột biến gene mã hóa một loại protein quan trọng cấu thành cơ tim và hoạt động của chúng. Đột biến gene này gần đây được quan tâm nhiều trong y văn, là nguyên nhân gây đột tử trong các bệnh cơ tim.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam (39 tuổi) trước đó chưa ghi nhận bệnh tim mạch; đột ngột tự ngã gục, tím tái khi đang chơi đá bóng. Ngay sau đó, bệnh nhân lập tức được người chứng kiến đưa đến cơ sở y tế. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ bị cơ tim giãn nở và kết quả khảo sát gene cho thấy bệnh nhân có đột biến gene.

Có tiền sử gia đình bị đột tử, người còn lại cần tầm soát các bệnh lý tim mạch

Tại Hội nghị khoa học thường niên của Bệnh viện Nhân dân Gia Định ngày 3/8 vừa qua, ThS.BS Giang Minh Nhật, Phó trưởng Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đã có báo cáo liên quan đến đột tử.

Ông cho biết rằng: “Đột tử ngoại viện chiếm 50% trường hợp tử vong tim mạch, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ở những nước phát triển cũng chỉ khoảng 10%. Đột tử hay ngưng tim đột ngột ngoại viện là biến cố nguy kịch, nhiều thách thức trong điều trị hồi sức. Thời gian ngưng tim kéo dài, bệnh nhân khó có thể giữ được tính mạng. Kỹ thuật hồi sức chuyên sâu đòi hỏi phải đảm bảo não và tim không tổn thương nhiều hơn.”

Chia sẻ thêm trong hội nghị khoa học thường niên của bệnh viện, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết “Gia đình có người bị biến cố tim mạch sớm như đột tử không rõ nguyên nhân, nhồi máu cơ tim người trẻ, nhồi máu não người trẻ..., người nhà còn lại nên khám và đánh giá tim mạch chuyên sâu.

Người trên 30 tuổi cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ để tầm soát và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ. Kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, đường huyết; ăn uống khoa học, thường xuyên tập thể dục thể thao.”

Phòng ngừa đột tử khi đang chơi thể thao như thế nào?

Tập luyện thể thao giúp giảm nguy cơ ung thư (20 - 30% ung thư mới mắc), trạng thái tinh thần thoải mái, cải thiện giấc ngủ, duy trì chức năng cơ - xương, duy trì cân nặng lý tưởng, giảm nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2, kiểm soát huyết áp - đường huyết - mỡ máu…

ths-nhat.jpg
ThS.BS Giang Minh Nhật, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết: "Đột tử ngoại viện chiếm 50% trường hợp tử vong tim mạch, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ở những nước phát triển cũng chỉ khoảng 10%."

Nhưng, theo TS.BS Hoàng Hải, đột tử do tim liên quan luyện tập thể thao ít gặp, tuy nhiên tỷ lệ tử vong rất cao.

“Tần suất đột tử do tim liên quan thể thao theo ghi nhận dao động khoảng 4,6 trên 1.000.000 người/năm. Trong đó, vận động viên trẻ chiếm 6%; vận động viên thi đấu có nguy cơ tăng 4,5 lần. 90% đột tử thường xảy ra ở nam vận động viên. 92% xảy ra trong lúc chơi thể thao, 7,4% xảy ra ngay sau luyện tập,” TS.BS Hoàng Hải cho biết.

Tuy vậy, đột tử do tim có thể dự phòng bằng các chương trình tầm soát, đặc biệt là ở nhóm đối tượng từ 35 tuổi trở lên. Từ đó có những lựa chọn mức độ luyện tập phù hợp, tránh đột tử, cũng đồng thời kiểm soát yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch.

BS Hải khuyến cáo, theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), tầm soát tim mạch trước luyện tập cho vận động viên thi đấu khi có tiền căn cá nhân (đau ngực/tức ngực/nặng ngực khi gắng sức; ngất/tiền ngất không rõ nguyên nhân; khó thở/mệt hay hồi hộp quá mức, không có lý do, liên quan gắng sức; tăng huyết áp tâm thu; bị giới hạn tham gia thể thao trước đây; được bác sĩ yêu cầu kiểm tra vấn đề tim trước đây).

Ngoài ra, người có tiền căn gia đình cũng cần tầm soát chuyên sâu các bệnh lý tim mạch: tử vong (đột tử, không rõ nguyên nhân) khi trẻ tuổi (< 50 tuổi) ở từ một thành viên gia đình trở lên do bệnh tim mạch; mất chức năng do bệnh tim mạch ở họ hàng gần <50 tuổi; bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim dãn nở, rối loạn nhịp, có bệnh tim di truyền trong gia đình…

“Tránh luyện tập thể thao cường độ cao ở bệnh nhân có bệnh tim mạch “chưa ổn định,” TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, khuyến nghị. Ông cho biết thêm: “Bao gồm nhóm đối tượng bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành mạn tính, bất thường mạch vành bẩm sinh, suy tim, bệnh van tim, bệnh cơ tim…”

An Nhi