Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”: Trở lại huyện Bình Chánh và thăm hỏi gia đình liệt sĩ Huỳnh Văn Bánh
Trở lại huyện Bình Chánh, TP.HCM, chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” tiếp tục đồng hành và tiếp sức cho sức khỏe của phụ nữ tại địa phương này.
Sáng 3/8, tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM, chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” do Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh tổ chức, thu hút hơn 300 hội viên tham gia.
Tiếp nối sự thành công của chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” tháng 7/2024, Chương trình lần này có chủ đề “Chăm sóc hệ cơ xương khớp, hô hấp, tiết niệu cho phụ nữ và thăm hỏi tặng quà đến Mẹ Việt Nam Anh hùng và vợ gia đình chính sách”.
Tham dự chương trình, về phía chính quyền huyện Bình Chánh và xã Vĩnh Lộc A có: bà Trịnh Thị Huỳnh Nga - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Chánh; bà Tô Thị Kim Anh – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh; ông Thái Thành Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A; ông Đoàn Văn Thảo - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A.
Chương trình cũng có sự đồng hành của bà Trần Hạnh Nguyên - Đại diện Hệ thống bệnh viện Sài Gòn ITO; ông Đặng Tấn Phú - Đại diện Công ty Sao Sáng tỉnh Bình Dương; bà Nguyễn Thị Thu Hương - Thành viên Ban Giám đốc trung tâm UNESCO Văn hóa và Thông tin truyền thông; ông Phù Minh Khánh - Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu và ứng dụng Văn hóa ẩm thực Đông Nam Á; ThS.BS. Nguyễn Văn Huy - Phó Khoa Điều trị - Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận (thuộc Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO); ThS.BS.CKII. Nguyễn Năng Viên - Chuyên gia Hô hấp; ThS.BS.CKI. Lê Hoàng Mỹ Hạnh - chuyên khoa Niệu nữ-Niệu chức năng Bệnh viện Bình Dân...
Tiếp tục mang đến giá trị cộng đồng
Phát biểu khai mạc chương trình, nhà báo Hoàng Công Chương - Thư ký tòa soạn, phụ trách Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” của Tạp chí Khoa học phổ thông cho biết, chương trình lần này tiếp tục mang đến giá trị cộng đồng nhằm trang bị cho người dân kiến thức về phòng tránh các bệnh lý thường gặp. Bên cạnh đó, chương trình lần này cũng chia sẻ những phần quà yêu thương của những người làm báo đến với hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, vợ các thương binh, liệt sĩ của 4 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân...
Chia sẻ về sự kiện, bà Tô Thị Kim Anh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh - ghi nhận và cảm ơn Tạp chí Khoa học phổ thông đã chọn huyện Bình Chánh là nơi tổ chức chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”.
“Các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh rất vui mừng, phấn khởi khi được các bác sĩ chia sẻ về các vấn đề sức khỏe cũng như cách phòng tránh các bệnh về cơ xương khớp, hô hấp, tiết niệu. Không chỉ vậy, đây cũng là dịp để mọi người nhớ ơn đến những người đã hy sinh cho dân tộc khi có cơ hội đến thăm những gia đình có công”, bà Tô Thị Kim Anh chia sẻ.
Trang bị kiến thức phòng tránh bệnh cho người dân
Tại chương trình, các bác sĩ đã chia sẻ các vấn đề xoay quanh việc chăm sóc hệ cơ xương khớp, hô hấp và đường tiết niệu cho phụ nữ.
Với các bệnh lý về cơ xương khớp, ThS.BS Nguyễn Văn Huy - Phó Khoa Điều trị - Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận (thuộc Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO) cho biết, việc nhận biết và hiểu rõ bệnh lý cơ xương khớp ở người là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, bệnh lý cơ xương khớp có thể gặp ở bất kì ai, lứa tuổi nào.
Theo một số nghiên cứu, tần suất phụ nữ gặp bệnh lý mắc viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn trung niên, và nguy cơ loãng xương tăng mạnh sau mãn kinh do giảm hormone estrogen. Estrogen ở phụ nữ có tác dụng bảo vệ xương, nhưng sau mãn kinh, nồng độ estrogen giảm mạnh dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương. Ngược lại, với nam giới, nồng độ này giảm dần theo tuổi mà không xảy ra đột ngột như ở phụ nữ.
Với nữ giới, tần suất ảnh hưởng bởi các bệnh lý xương khớp thường ở các khớp nhỏ như tay và cổ tay. Còn với nam giới, tần suất ảnh hưởng ở các khớp lớn hơn như đầu gối và hông.
Ở giới nữ, có nhiều yếu tố dễ dẫn đến bệnh lý về cơ xương khớp như mang thai, sinh con và mãn kinh. Đặc biệt, thiếu hụt estrogen sau mãn kinh là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến loãng xương. Các biểu hiện thường gặp là triệu chứng đau và sưng ở các khớp nhỏ, cứng khớp buổi sáng kéo dài.
Theo ThS.BSCKI Lê Hoàng Mỹ Hạnh - Chuyên Khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân, tiểu không kiểm soát là tình trạng chảy nước tiểu không chủ ý. Nhiều người nghĩ rằng bệnh lý này không thể chữa được. Mỗi loại tiểu không kiểm soát sẽ có mức độ điều trị phục hồi khác nhau từ giảm nhẹ đến phục hồi hoàn toàn.
Tiểu không kiểm soát có thể gặp ở nam lẫn nữ, ở bất kì độ tuổi nào, không chỉ là trẻ em, người trẻ mà có thể người lớn tuổi. Tiểu không kiểm soát ở nam, cứ 10 người thì sẽ có 1 người bị mắc bệnh, ở nữ thì tỉ lệ này cao hơn, khoảng 30%.
“Tỉ lệ mắc bệnh tiểu không kiểm soát ở nữ còn tăng theo tuổi, ở tuổi trẻ tăng 20 - 30%, tuổi trung niên từ 30 - 40%, tuổi lớn hơn có thể lên tới 50%”, ThS BSCKI Lê Hoàng Mỹ Hạnh nói.
ThS.BSCKI Lê Hoàng Mỹ Hạnh cho biết, phụ nữ sau quá trình mang thai, sinh đẻ nhiều, tăng cân, mãn kinh,... dễ mắc bệnh tiểu không kiểm soát. Ngoài ra, tiểu không kiểm soát còn đến từ những nguyên nhân như nhiễm trùng đường tiết niệu, những người đã trải qua các phẫu thuật vùng chậu, các tình trạng bệnh lý thần kinh, Mắc các bệnh lý như đái tháo đường, đột quỵ và do thuốc.
Làm sao để nhận biết được bệnh tiểu không kiểm soát? Theo ThS.BSCKI Lê Hoàng Mỹ Hạnh, chúng ta nên trả lời các câu hỏi để nhận biết được bệnh, như: Đôi khi bạn cảm thấy mình đi tiểu chưa hết không? Bạn có vội vàng để phải đi vệ sinh không? Bạn có thường xuyên lo lắng vì nghĩ rằng mình có thể mất kiểm soát việc đi tiểu không? Đôi khi bạn có bị rỉ trước khi vào nhà vệ sinh không? Đôi khi bạn có bị rỉ khi nâng vật nặng, hắt hơi, ho hoặc cười không?
Tại chương trình, ThS.BS Nguyễn Văn Huy - Phó Khoa Điều trị - Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, thuộc Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO; ThS.BSCKII Nguyễn Năng Viện - Chuyên gia Hô hấp; ThS.BSCKI Lê Hoàng Mỹ Hạnh - Chuyên khoa Niệu nữ - niệu chức năng bệnh viện Bình Dân và Nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông đã có phần giao lưu, giải đáp thắc mắc và đưa ra lưu ý cho đông đảo người dân xoay quanh các vấn đề về cơ xương khớp, hô hấp, tiết niệu,…
Chia sẻ yêu thương và tri ân
Tại chương trình lần này, Ban tổ chức đã trao 20 phần quà (mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng) đến vợ các thương binh, liệt sĩ của 4 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai và Lê Minh Xuân và tặng quà cho 300 hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh cùng các ấn phẩm của Tạp chí Khoa học phổ thông…
Trong khuôn khổ của Chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" lần này, Ban tổ chức đã đi thăm, tặng quà 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng tại xã Vĩnh Lộc A là mẹ Nguyễn Thị Á và mẹ Phan Thị Phởi, cùng gia đình liệt sĩ Huỳnh Văn Bánh. Đồng thời, Ban tổ chức trao tặng mỗi gia đình 2,5 triệu đồng tiền mặt và một phần quà trị giá gần 3 triệu đồng.
Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” tháng 8/2024 đã diễn ra thành công với sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Tạp chí Khoa học phổ thông cảm ơn sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh, Đảng ủy/UBND xã Vĩnh Lộc A, Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn - ITO, Bệnh viện Bình Dân, Công ty Cổ phần Dược phẩm BN.PHARMA, Công ty TNHH XNK Thương mại Dịch vụ Sao Sáng tỉnh Bình Dương; Ngân Hàng VIB - Phòng giao dịch Tân Phú; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Phát triển An Khoa, TS.BS Nguyễn Thành Nhơn.....