Kinh doanh

TP.HCM sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy 4 trụ cột kinh tế số

Thanh Huy03/08/2024 - 14:05

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM đến hết năm 2025.

laodong.jpg

TP.HCM sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước

Theo đó, đến năm 2025, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND TP theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 20/2/2024 và Công văn số 173/TTg-ĐMDN ngày 13/3/2024.

Mặt khác, hoàn thành thẩm định, trình UBND TP phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025” theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2916/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của UBND TP.

Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện cổ phần hóa và đảm bảo đến hết năm 2025 hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp đối với 10 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND TP theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 20/2/2024 và đảm bảo thực hiện theo đúng quy trình cổ phần hóa của Chính phủ quy định, quy định phân công thực hiện quy trình chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần do UBND TP ban hành; và các quy định pháp luật có liên quan.

Sau năm 2025, nghiên cứu sắp xếp lại toàn bộ DNNN trên địa bàn theo các nhóm ngành động lực quan trọng trong cơ cấu kinh tế TP, hình thành những tập đoàn có đầy đủ tiềm lực, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ thông minh tạo sự đột phá, sức lan tỏa cao, góp phần chính trong tạo lập, định hướng, dẫn dắt thị trường, đóng vai trò, thành phần trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội TP như: Thương mại - Dịch vụ, Đầu tư tài chính, Xây dựng - Địa ốc, Công nghệ thông tin - chuyển đổi số, Du lịch, Dịch vụ công ích, môi trường…

TP.HCM thúc đẩy phát triển kinh tế số với 4 trụ cột

UBND TP.HCM cũng vừa có kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” năm 2024 - 2025.

Theo đó, về phát triển các mô hình kinh tế mới, TP đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và các loại hình kinh tế sáng tạo khác theo đà phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0; định hướng những giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế mới; nâng cao trình độ và năng lực đổi mới sáng tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các mô hình kinh tế mới, ứng dụng triển khai các mô hình kinh doanh mới.

Đối với việc phát triển kinh tế số, TP thúc đẩy phát triển kinh tế số với 4 trụ cột – công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số và giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế số.

Về phát triển kinh tế chia sẻ và thương mại điện tử, TP nắm bắt xu hướng phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, góp phần phát triển nền kinh tế số; đề xuất chính sách cụ thể, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống trên địa bàn TP, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hoạt động kinh tế chia sẻ, góp phần chuyển dịch kinh tế TP theo hướng hiện đại và bền vững.

Đối với phát triển kinh tế tuần hoàn, TP đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, năng lượng; khuyến khích phát triển và sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn theo các cấp độ - TP, khu công nghiệp, ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp, người tiêu dùng, người dân. Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và huy động các nguồn lực hiệu quả nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.

Thanh Huy