Ngày 27/7: Đoàn đại biểu TP.HCM tri ân các anh hùng liệt sĩ Đền Bến Dược
Ngày 27/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM tổ chức Lễ tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ tại Đền Bến Dược, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Đền Bến Dược: Nơi ghi danh hơn 45.000 liệt sĩ
Kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 là dịp thể hiện lòng tri ân và biết ơn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đây còn là dịp để phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Tham dự lễ tưởng niệm có Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tướng Trần Đơn - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, ông Nguyễn Văn Rảnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM; Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, TP.HCM; bà Văn Thị Bạch Tuyết Thành ủy viên - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Mạnh Cường, Thành ủy viên - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch MTTQVN TP.HCM, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, địa phương và đông đảo quý vị nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo; các gia đình có công với cách mạng và nhân dân huyện Củ Chi đến tham gia.
Tại Đền Bến Dược, các đại biểu đã thành kính dâng lên vòng hoa tươi thắm, nén nhang thơm và dành phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nguyện tiếp tục cống hiến, chung sức, đồng lòng xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Phát biểu mở đầu buổi lễ, ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, đồng Trưởng ban Tổ chức bày tỏ chiến tranh đã lùi xa, chứng tích chiến tranh vẫn còn nằm yên trong quá khứ nhưng hàng triệu triệu nỗi đau vẫn còn đó. Cả nước có 9,2 triệu người có công với đất nước, gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách, người có công với đất nước. Trên 3.200 nghĩa trang khắp cả đất nước, hơn 180.000 hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy trên khắp các chiến trường, chưa về được quê mẹ thân yêu của mình, vẫn còn 600.000 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin chờ bổ sung, xác định danh tính.
Ông Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh kỷ niệm ngày 27/7 hằng năm là ngày mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn ghi nhớ công ơn, tri ân sâu sắc và có trách nhiệm thiêng liêng đối với những hy sinh, mất mát to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, của mẹ Việt Nam anh hùng, của mẹ liệt sĩ, của vợ liệt sĩ, của thương binh, bệnh binh, của những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học,... những người anh hùng đã sẵn sàng chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Theo đó, nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ Việt Nam với tinh thần tri ân với các anh hùng, liệt sĩ, các mẹ Việt Nam Anh hùng, trên khắp cả nước nói chung cũng như tại TP.HCM nói riêng, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã được thực hiện. Trong đó có việc cử các đoàn đại diện đến tặng quà, thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách tại địa bàn 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Ông Nguyễn Phước Lộc bày tỏ: “Chúng ta càng phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn nữa nhằm tạo ra nguồn lực sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta lấy con người làm trung tâm, chủ thể để triển khai các mục tiêu phát triển, phấn đấu, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển văn hóa. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thành phố trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước và hội nhập quốc tế sâu rộng".
Chia sẻ tại buổi lễ, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xúc động gợi nhắc những ký ức về tinh thần quật cường, ý chí trung kiên của các thế hệ tiền bối trong kháng chiến chống ngoại xâm mà Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được biết, được chứng kiến ngay trên chính quê hương Củ Chi, nơi được mệnh danh là “đất thép thành đồng”.
“Lịch sử Việt Nam chúng ra rất hào hùng trong thời kỳ chống giặc. Đất nước phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt để giành được nền độc lập, hạnh phúc, hòa bình và an lạc như ngày hôm nay. Chúng ta hôm nay và mai sau phải luôn ghi nhớ đến những hy sinh của các anh hùng dân tộc, phải tiếp nối ngọn đuốc sáng đó giống như hướng về mặt trời, luôn hướng về ánh sáng, không sợ gian khổ như vậy mới sứng đáng là người kế kiệm của các bậc tiền nhân đi trước”, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng bày tỏ.
“Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược tọa lạc trong không gian của địa đạo Củ Chi, di tích lịch sử cách mạng gắn liền với 2 cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Đây là nơi ghi danh và tưởng nhớ hơn 45.000 liệt sĩ, lãnh đạo, Anh hùng lực lượng vũ trang, mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó, có hơn 9.300 liệt sĩ của 40 tỉnh, thành khác đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn- Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây cũng là ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ lớn nhất tại TPHCM, được xây dựng ngay giữa lòng “tam giác sắt” trên vùng đất nổi tiếng địa đạo Củ Chi.
Người trẻ tiếp bước, phát huy truyền thống anh hùng
Để có được nền độc lập, tự do và hạnh phúc như ngày hôm nay, hàngtriệu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Là người trực tiếp cầm súng chiến đấu, chứng kiến sự hi sinh đồng đội và có 4 anh em trong gia đình mất vì chiến tranh, chú Nguyễn Văn Chùm (68 tuổi - ngụ ấp Xóm Mới, xã Tân Lập Hạ, huyện Củ Chi) khẳng định, ông thấu hiểu những nỗi đau của người lính, của những cựu chiến binh và gia đình họ.
“Ngày hôm nay khi đến Đền Bến Dược thắp nén nhang tri ân các anh hùng đã ngã xuống tôi thấy rất bùi ngùi. Vốn gia đình có truyền thống cách mạng, nên khi 16 tuổi tôi đã bắt đầu ra chiến trường. May mắn là tôi vẫn trở về nhà an toàn và được sống trong thời bình như ngày hôm nay. Tuy nhiên, day dứt nhất là có những đồng đội, có những chiến sĩ vẫn còn nằm lại chiến trường, chưa thể quy tập về nghĩa trang, đưa về với quê hương, gia đình” ông Chùm bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Ảnh, Chủ tịch hội cụ chiến binh xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cho biết: “Gần 50 năm giải phóng, hiện nay các đồng chí hy sinh đã được đưa về nghĩa trang, đưa về đền thờ Bến Dược để thờ cúng trang nghiêm nhưng cũng còn một số đồng chí vẫn chưa tìm thấy được. Do đó, Đảng, Nhà nước và quân đội của chúng tôi hiện nay thường xuyên quy tập hài cốt liệt sĩ, cũng như chỉ đạo của Bộ Tư lệnh thành phố, Hội cựu chiến binh thành phố, Hội cựu chiến binh huyện Củ Chi cũng chỉ đạo cho các xã tìm kiếm liệt sĩ, những thân nhân liệt sĩ chưa tìm kiếm được. Ngoài ra, hiện chúng tôi là người còn sống nguyện sẽ tuyên truyền cho thế hệ mai sau có trách nhiệm về việc bảo vệ tổ quốc”.
Là một người trẻ sống ở thời bình, chị Trần Thu Hà, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam TP.HCM, đại diện cho thế hệ trẻ của Thành phố bày tỏ lòng tri ân đối với sự hy sinh lớn lao của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự hy sinh đó là tấm gương sáng nhắc nhở thế hệ trẻ của đất nước phải luôn phấn đấu trong học tập, lao động, xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.
“Thế hệ trẻ ngày hôm nay được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, chúng cháu được chăm lo, được tạo mọi điều kiện để học tập, lao động, phát triển bản thân. Đó là niềm hạnh phúc lớn của thế hệ trẻ hôm nay. So với sự hy sinh vô bờ bến của thế hệ cha anh, công việc của chúng cháu hôm nay thật là nhỏ bé. Nhưng mục tiêu của tuổi trẻ hôm nay chính là giữ gìn và phát huy thành quả cách mạng của thế hệ cha anh, không lùi bước trước những thách thức của thời đại, cống hiến sức trẻ của mình vì sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước”chị Trần Thu Hà chia sẻ
Các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.