Bạn đọc

Đôi bờ giới tuyến (1954-1967): Nơi ghi dấu khát vọng Bắc Nam sum họp một nhà

Nhã Phạm 27/07/2024 - 17:02

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Geneve (21/7/1954 – 21/7/2024), NXB Tổng hợp TP.HCM vừa giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm Đôi bờ giới tuyến (1954-1967) của PGS-TS Hoàng Chí Hiếu.

PGS.TS Hoàng Chí Hiếu hiện là Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm Huế. Ông đã dành nhiều năm nghiên cứu về khu phi quân sự ở đôi bờ giới tuyến để viết nên cuốn sách này.

Với hơn 300 trang sách, tác phẩm tái hiện lại các diễn biến nổi bật tại đôi bờ Hiền Lương - Vĩ tuyến 17 từ lúc hai miền đất nước phải chia cắt tạm thời (từ tháng 7/1954) đến lúc giải phóng hoàn toàn khu phi quân sự, chính thức xóa bỏ đường ranh giới chia cắt đất nước. Quyển sách gồm 2 phần chính gồm: Sự thiết lập giới tuyến quân sự tạm thời -khu phi quân sự tại Vĩ tuyến 17 sau Hiệp định Geneve 1954 và Đấu tranh Cách mạng ở khu phi quân sự - Vĩ tuyến 17 (1954-1967).

20240710144941-1721382415497756791150.jpg
Bìa quyển sách Đôi bờ giới tuyến (1954-1967) của PGS.TS Hoàng Chí Hiếu

Trong quyển sách này, tác giả Hoàng Chí Hiếu đã có những đóng góp bước đầu và làm sáng tỏ một số vấn đề lịch sử nổi bật diễn ra tại khu vực đôi bờ Hiền Lương - Vĩ tuyến 17 trong thời kỳ 1954-1975. Thời điểm mà bao cán bộ, đồng chí, đồng bào, tập kết ra Bắc… Bao gia đình lâm vào cảnh “chồng Bắc vợ Nam”, cách một dòng sông mà “đó thương đây nhớ”. Đôi bờ giới tuyến là nơi hội tụ của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc. Vĩ tuyến 17 trở thành nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước trong thời gian dài. Cả dân tộc phải trải qua 21 năm ròng rã với bao mất mát hy sinh để có được sự thống nhất Bắc Nam sum họp một nhà.

Tác giả Hoàng Chí Hiếu chia sẻ: “Lần mở và lắp ghép lại những mảnh vụn trong hồ sơ lưu trữ và ký ức của người thân, hiện lên trước mắt tôi là hành trình của ông bà, bố mẹ mình cũng như bao người cùng thế hệ sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh. Họ đã góp phần tạo nên những mảng màu của lịch sử mà ở đó, nỗi đau chung của dân tộc thấm sâu vào nỗi đau riêng của từng gia đình”.

Sách được in lần đầu cách đây 10 năm, ở lần tái bản này tác giả tiếp tục bổ sung thêm một số kết quả nghiên cứu mới để người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh toàn cảnh của đôi bờ giới tuyến từ sau năm 1954.

Tác giả cho rằng, có nỗ lực tập hợp bao nhiêu thông tin đi chăng nữa cũng không thể diễn tả hết hiện thực và tầm vóc lớn lao của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Vẫn còn nhiều ẩn số tiếp tục cần giải mã về tầm vóc và những sự kiện mà quân dân đôi bờ giới tuyến đã tạo ra trong thời kỳ 1954-1975…

Nhã Phạm