Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm huyết và đề cao nền khoa học – công nghệ nước nhà
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà; tâm huyết xây dựng đội ngũ trí thức, tư duy của Tổng Bí thư về khoa học – công nghệ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong các chuyến viếng thăm của các đơn vị, Tổng Bí thư luôn đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết đội ngũ trí thức, đồng thời chia sẻ khó khăn trong cuộc sống cũng như trong công việc của các nhà khoa học.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà - nguyên khí của quốc gia, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Cũng theo Tổng Bí thư, khi đất nước tiến hành đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng phát triển khoa học – công nghệ (KHCN), coi đây là quốc sách hàng đầu, là yếu tố quyết định trí tuệ và sức mạnh của một dân tộc, là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đầu tư cho KHCN cũng như giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.
Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023), Tổng Bí thư phát biểu: “Tầng lớp trí thức là hiền tài, nguyên khí của quốc gia, những người làm hưng thịnh cho đất nước; làm rạng rỡ cho dân tộc và vẻ vang cho giống nòi. Trách nhiệm của trí thức Việt Nam là lực lượng chính đưa khoa học và công nghệ, trí thức sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước… Trong thời đại Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức của nước nhà đã không ngừng phấn đấu hy sinh, hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Qua đây có thể thấy, Tổng Bí thư đặc biệt chú trọng đến phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST). Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập toàn diện, sâu sắc vai trò của KHCN & ĐMST thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu phát triển đất nước của Đảng. Theo đó, KHCN & ĐMST là công cụ then chốt trong phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Trong chuyến thăm và làm việc với Bộ KHCN nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào ngày 12/9/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng, mục tiêu cao nhất và cuối cùng của Đảng, Nhà nước là bảo vệ vững chắc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. Do đó, cũng như mọi ngành nghề, lĩnh vực khác, KHCN phải phục vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh 7 nội dung trọng điểm mà ngành KHCN cần tập trung thực hiện đó là:
- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhận thức, tư duy về KHCN trong điều kiện mới.
- Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế chính sách (bao gồm chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, giao kế hoạch, đặt hàng, khoán sản phẩm … để phát triển KHCN). Trong đó, đổi mới cơ chế tài chính sao cho tập trung được mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài.
- Đổi mới hệ thống tổ chức làm công tác nghiên cứu triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN, bao gồm mạng lưới các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp làm KHCN cho phù hợp điều kiện kinh tế thị trường.
- Đổi mới công tác quản lý, làm sao để phát huy thế mạnh nguồn nhân lực, khuyến khích người tài, tạo môi trường dân chủ và thuận lợi cho cán bộ KHCN yên tâm công tác. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Bộ KHCN.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác KHCN, sử dụng cán bộ KHCN hiện có và có chính sách trọng dụng người tài. Đào tạo nhân lực một số ngành mũi nhọn, lĩnh vực trọng điểm và có chính sách tôn vinh cán bộ KHCN.
- Phối hợp với các cơ quan, các ngành, các cấp kịp thời và nhịp nhàng hơn.
- Cần quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người, tổ chức, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, coi đây là nhân tố hết sức then chốt để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của KHCN đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đồng thời có những bổ sung, phát triển quan trọng, nhấn mạnh rõ hơn KHCN thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đặc biệt, vai trò của KHCN & ĐMST lại tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.