Giáo dục

Nhiều ý kiến về cấp thẻ hành nghề cho nhà giáo

Hoàng Nguyễn 16/07/2024 21:12

Nhiều ý kiến băn khoăn có cần thiết phải cấp thẻ hành nghề cho nhà giáo hay không khi thực hiện Luật Nhà giáo.

Chiều ngày 16/7, Đoàn khảo sát Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Sở GD&ĐT TP.HCM).

Chủ trì buổi làm việc là bà Nguyễn Thị Mai Hoa, phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội, Trưởng đoàn. Cùng chủ trì còn có ông Đinh Công Sỹ, phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội và ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM tham dự buổi làm việc là bà Lê Thuỵ Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở. Cùng tham dự còn có đại diện Sở nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND quận 1, quận 7 và huyện Củ Chi,…

Nhiều bất cập, cần phải xây dựng Luật Nhà giáo

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội cho biết, nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo đã được đặt ra từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Luật Giáo dục 2009 được thực hiện đến nay đã 15 năm và bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp.

doan-giam-sat-uy-ban-van-hoa-giao-duc.jpg
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội phát biểu.

“ Từ khi có luật Viên chức, nhà giáo được xác định là viên chức và được điều chỉnh bởi luật này. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục, hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển. Kéo theo đó, vấn đề đặt ra là nhà giáo trong khối ngoài công lập không phải là viên chức mà chịu sự chi phối của Bộ luật lao động và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi thực hiện hội nhập thì các trường có liên kết, hợp tác quốc tế có mời các giáo viên, giảng viên nước ngoài về dạy nhưng họ không phải là viên chức và không chịu sự chi phối của Luật giáo dục và Luật lao động. Vì thế, nhiều trường gặp nhiều khó khăn và nhiều vấn đề mới đặt ra. Đó là lý do vì sao cần phải xây dựng Luật Nhà giáo”, bà Mai Hoa cho biết.

Mục đích của buổi làm việc là lắng nghe những ý kiến, tham vấn chính sách của các đại biểu khi xây dựng Luật Nhà giáo, tránh chồng chéo các văn bản luật khác (Luật viên chức, Luật lao động,…) để tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển và cống hiến gắn với quyền và trách nhiệm của nhà giáo.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ, mặc dù trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Luật Nhà giáo mới chính thức được đưa vào chương trình nhưng công tác chuẩn bị đã triển khai từ năm ngoái và lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT. Đến thời điểm này có gần 60 tỉnh thành đã gửi báo cáo về và nhiều trường đại học, cao đẳng cũng đã gửi ý kiến về dự thảo 2 Luật Nhà giáo. Đoàn khảo sát Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cũng đã đi đến làm việc tại nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM để lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo.

TP.HCM đã lấy ý kiến của hơn 60.000 người

Tại buổi làm việc, bà Lê Thuỵ Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, TP.HCM là địa phương đầu tiên được Bộ GD&ĐT chọn để lấy ý kiến trực tiếp và trực tuyến về dự thảo Luật Nhà giáo. Thực hiện công văn của UBND TP.HCM về việc xin ý kiến đối với dự thảo hồ sơ dự án Luật Nhà giáo và công văn của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo dự án Luật Nhà giáo gửi các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn và tổ chức hội thảo.

so-giao-duc-va-dao-tao-tp.hcm.jpg
Bà Lê Thuỵ Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM (đứng) báo cáo tại buổi làm việc.

Báo cáo cụ thể tại buổi làm việc, ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở đã tổng hợp ý kiến của 60.679 người được lấy ý kiến góp ý về dự thảo 2 Luật Nhà giáo và Tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó, nội dung nổi bật được nhiều người quan tâm đặt ra là xác định chức danh ai là nhà giáo, vấn đề giấy phép hành nghề của giáo viên, độ tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo, chính sách đãi ngộ,…

Đây cũng là những vấn đề được các đại biểu quan tâm và có ý kiến tại buổi làm việc. Đặc biệt, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn có cần thiết phải cấp thẻ hành nghề cho nhà giáo hay không và nếu thực hiện thì quản lý như thế nào, môi trường làm việc của giáo viên có tốt hơn không,…

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, các ý kiến về vấn đề giấy phép hành nghề của giáo viên cho rằng đây là một nội dung mới và có ý nghĩa quan trọng đối với việc hành nghề của giáo viên, giúp giáo viên thuận lợi trong quá trình công tác. Nhưng hiện nay, tiêu chuẩn của nhà giáo ngoài văn bằng, chứng chỉ trình độ đào tạo quy định, còn yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, chưa kể đến các chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ khác phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp. Luật Nhà giáo cần thống nhất về vấn đề này, để tránh trường hợp mỗi địa phương hiểu và làm khác nhau, thiếu tính đồng bộ giữa các địa phương. Cần xem xét việc chuyển tiếp, đổi các trường hợp được miễn cấp giấy phép hành nghề theo đề xuất nêu trên để giảm tải các thủ tục hành chính không cần thiết. Cần nêu rõ thủ tục sát hạch, quy định để cấp giấy phép hành nghề. Việc cấp, thu hồi giấy phép hành nghề nên theo phân cấp quản lý để đảm bảo giảm tải cho cơ quan cấp trên, không nên tập trung cho Sở GD&ĐT; như vậy sẽ gây quá tải, trong khi số lượng người làm việc bị hạn chế.

Kết luận buổi làm việc sau khi nghe ý kiến đóng góp, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, khi xây dựng Luật Nhà giáo thì vị trí của nhà giáo, các chế độ… phải tốt hơn trên quan điểm nhà giáo là viên chức nhưng là viên chức đặc biệt. Nếu xác định nhà giáo công lập là viên chức như mọi viên chức khác, nhà giáo ngoài công lập là người lao động như mọi người lao động bình thường khác thì không thể hiện được sự cao quý của nghề giáo, sự tôn vinh cần dành cho nhà giáo. Càng không thể tạo động lực để nhà giáo cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Những ý kiến đóng góp tại buổi khảo sát sẽ được đưa vào báo cáo khảo sát của đoàn, là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thẩm tra dự thảo Luật Nhà giáo.

Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông nhất trong tổng số công chức, viên chức, chiếm 70% số lượng biên chế viên chức trên cả nước. Theo thống kê đến cuối năm học 2021-2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập ở các cấp học và trình độ đào tạo; trong đó, 1.191.777 nhà giáo trong biên chế. Bên cạnh đó, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu nhưng vẫn có nhiều đóng góp cho giáo dục, gần 115 nghìn sinh viên đang học đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước sẽ bổ sung cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Hoàng Nguyễn