Giáo dục

Đổi mới, sáng tạo trong “đào tạo kép” nhằm nâng chất nguồn nhân lực

HOÀNG NGUYỄN 12/07/2024 - 15:49

Đổi mới, sáng tạo trong hợp tác với các doanh nghiệp để “đào tạo kép” đang là xu hướng của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại TP.HCM hiện nay nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Việc gắn kết đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ quan góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, rút ngắn khoảng cách lý thuyết và thực hành tại cơ sở. Từ đó đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Vướng mắc đầu tiên chủ yếu từ phía cơ sở GDNN

Theo số liệu thống kê, TP.HCM có 121 trường trung cấp, cao đẳng với hơn 6.000 cán bộ, giảng viên và hơn 93.000 học sinh, sinh viên; là nơi tập trung các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đông nhất nước cả nước. Nhiều trường nghề đã và đang có những hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cho biết, các vướng mắc đầu tiên khi hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp chủ yếu đến từ phía chính các cơ sở GDNN. Đầu tiên là nhiều cơ sở GDNN chưa chủ động trong việc tìm kiếm doanh nghiệp, còn thụ động chờ doanh nghiệp đến đặt hàng nguồn nhân lực (sinh viên, học sinh) của trường. Kế đến là cơ sở GDNN chưa quan tâm hoạt động thực hành, thực tập của giảng viên, học sinh, sinh viên tại doanh nghiệp. Nhiều học sinh, sinh viên còn chưa hiểu đúng, cho rằng thực tập là “bưng trà”, “rót nước” và “sai vặt” ở những nơi mình đến. Từ đó, họ ít có sự cố gắng, trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp của bản thân trong quá trình thực tập.

ts-nguyen-dang-an-long-pho-hieu-truong.jpg
TS. Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM.

Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy của nhiều cơ sở GDNN chưa đổi mới, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội. Doanh nghiệp mong muốn các chương trình đào tạo cần bổ sung thêm môn học có thực hành, kết hợp lý thuyết và thực hành nhưng nhiều cơ sở GDNN chưa đáp ứng được, còn đào tạo nặng về lý thuyết.

Những vướng mắc này không được tháo gỡ thì chính cơ sở GDNN và các em học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng, chịu thiệt nhiều nhất. Nếu không đổi mới chương trình đào tạo, không phù hợp với thực tế thì nhà trường không thể phát triển được và chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực cũng không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Từ đó, nhà trường cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào, chỉ tiêu tuyển sinh chưa cao hoặc không đạt được chỉ tiêu. Ngoài ra, việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp, đưa sinh viên thực hành và thực tập tại doanh nghiệp còn là yếu tố quan trọng để các cơ sở GDNN đạt các chuẩn kiểm định cần thiết hiện nay"

TS. An Long khẳng định.

Nhà trường “gỡ vướng” thế nào?

Theo TS. Nguyễn Đặng An Long, để gỡ những vướng mắc này, các cơ sở GDNN phải nhận rõ những hạn chế tồn tại, từ đó nghiêm túc tìm cách khắc phục. Đầu tiên, nhà trường phải chủ động hợp tác theo đơn đặt hàng đào tạo đạt chuẩn đầu ra theo yêu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường không thể trông chờ các doanh nghiệp tìm đến để “đặt hàng” đào tạo mà phải chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác, lựa chọn các doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực phù hợp và thiết kế các nội dung đào tạo phù hợp với đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Từ đó tiếp cận, thuyết phục và vạch ra các nội dung hợp tác theo hướng thuận lợi cho 2 bên khi phối hợp. Cách làm này không chỉ bảo đảm đầu ra cho sinh viên mà còn góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là cơ hội cho các sinh viên vừa làm thêm tạo thu nhập trang trải học tập, cuộc sống, vừa có cơ hội tiếp cận công việc cụ thể, nhà trường cũng cần xem xét điều chỉnh lại chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của xã hội.

sinh-vien-thuc-hanh-logistics.jpg
Sinh viên ngành logistics Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM thực hành.

TS. An Long cho rằng, các cơ sở GDNN cần đổi mới hợp tác thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; hợp tác trong việc thực tập có trả lương của các doanh nghiệp với phương châm: “Doanh nghiệp cũng là trường học, hay nói cách khác, chính là nơi thực hành của nhà trường”.

Đơn cử, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM đã nắm bắt tâm lý của các đơn vị tuyển dụng và xây dựng chương trình học thực hành 70% tại doanh nghiệp. Cùng với doanh nghiệp tổ chức giảng dạy và thực tập một số môn học của các ngành đào tạo tại trường bằng cách đưa sinh viên học thực tế tại các doanh nghiệp. Qua đó, đã góp phần giải quyết được vấn đề nan giải của sinh viên hiện nay là thiếu kỹ năng và kiến thức thực tế.

Đào tạo kép giúp doanh nghiệp không phải đào tạo lại

Ông Lê Văn Bình, Giám đốc khách sạn Oscar Sài Gòn - một trong những đơn vị hợp tác với Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM - cho biết, hợp tác “đào tạo kép” với trường còn giúp doanh nghiệp chủ động và dễ tìm nguồn cung ứng nhân lực chất lượng và phù hợp hơn, không cần phải đào tạo lại. Sau 2 tháng thực hành cầm tay chỉ việc tại khách sạn, sinh viên nắm được kỹ năng và hiểu được nội quy, tuân thủ kỷ luật, tác phong làm việc,…

sinh-vien-thuc-tap.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM thực hành tại Khách sạn Oscar Sài Gòn.

Bên cạnh đó, cơ sở GDNN cần tăng cường hợp tác giữa các nhà trường và doanh nghiệp bằng cách mời người của doanh nghiệp tham gia vào quá trình giảng dạy, huấn luyện, hướng dẫn thực hành trong quá trình đào tạo. Việc liên kết với doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao sản phẩm của nhà trường cho doanh nghiệp (đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học, quy trình sản xuất thử,…) là việc cần thiết và cấp bách. Vì vậy, nhà trường cần thiết lập bộ phận chuyên trách đảm nhận.

Ngoài ra, để đạt được kiểm định chất lượng hiện nay, nhà trường phải hợp tác với các doanh nghiệp trong xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo.

HOÀNG NGUYỄN