Y học

Lần đầu tiên, Bệnh viện Nhi đồng 2 ghép gan cho bệnh nhi 3 tuổi có bất thường mạch máu

An Quý 10/07/2024 - 21:47

Sau khi được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện tự chủ ghép tạng tháng 4/2024, trong 3 ca được ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2, lần đầu tiên có một ca bất thường mạch máu hiếm gặp.

Lần đầu tiên, ghép gan cho một bệnh nhi mắc hội chứng hiếm gặp

Chị Huỳnh Thị T. T. (22 tuổi, Bình Thuận), mẹ của bệnh nhi mắc căn bệnh gan đặc biệt này, chia sẻ: “Đây là con đầu lòng của gia đình. 14 tháng tuổi, bụng bé đột nhiên to ra, bụng báng. Dù được điều trị nội khoa bảo tồn chức năng gan nhưng bệnh của bé ngày càng diễn tiến ngày càng nặng, kháng trị. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ chẩn đoán con tôi bị bất thường mạch máu dẫn đến xơ gan và cần phải ghép gan.”

benh-nhi-bi-hoi-chung-budd-chiari.jpg
Bệnh nhi lúc 14 tháng tuổi mắc hội chứng bất thường mạch máu (Budd Chiari) hiếm gặp vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ghép gan vào ngày 1/7/2024.

ThS.BS. Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó khoa Khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết thêm: “Đây là một bệnh nhi nữ, 3 tuổi 9 tháng. Bệnh nhi lúc 14 tháng tuổi được chẩn đoán hội chứng Budd Chiari, dẫn đến rối loạn trong đó các tĩnh mạch dẫn máu ra khỏi gan bị hẹp và /hoặc bị tắc do cục máu đông. Bệnh nhi bị báng bụng, suy dinh dưỡng nặng, đặc biệt bị xuất huyết tiêu hóa ồ ạt 3 lần, cần truyền máu khối lượng lớn và phải nhập viện nhiều lần.”

Từ các kết quả chẩn đoán hình ảnh như CTscan không thấy tĩnh mạch chủ dưới sau gan; kết quả thông tim cho thấy bệnh nhi bị tắc hoàn toàn tĩnh mạch chủ dưới đoạn dài 3cm. Kết quả nội soi, bệnh nhi bị giãn tĩnh mạch thực quản. Kết quả sinh thiết gan, bệnh nhi bị suy gan, xơ gan, nhu mô gan thoái hóa, xuất huyết. Nếu không được điều trị sớm, chất lượng cuộc sống của bệnh nhi bị suy giảm thậm chí có thể tử vong.

Ngày 1/7 các bác sĩ của Khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, đã thực hiện cuộc phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi với phần gan hiến từ người mẹ. Đây là lần đầu tiên thại Việt Nam thực hiện việc ghép gan trên bệnh nhi bị hội chứng Budd Chiari.

bs-pham-ngoc-thach.jpg
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ về các ca ghép gan được thực hiện sau khi Bộ Y tế công nhận bệnh viện đủ điều kiện tự chủ ghép tạng

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, sau hơn 3 tháng được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện tự chủ ghép tạng, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 3 ca ghép gan liên tiếp, gồm 2 ca teo đường mật bẩm sinh, 1 ca bất thường hệ thống mạch máu hiếm gặp do hội chứng Budd Chiari. Trong hàng triệu người mới có một người mắc phải hội chứng này.

“Hiện tại, tình trạng sau ghép của bệnh nhi mắc hội chứng Budd Chiari tương đối ổn định và được tiếp tục theo dõi tại khoa,” TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan, đánh giá về ca ghép gan.

“Tính từ năm 2005 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 36 ca ghép gan và 30 ca ghép thận. Trong thời gian tới, chỉ định ghép gan sẽ được mở rộng hơn như các ca bất thường mạch máu, ung thư gan, suy gan cấp. Dự kiến, đầu tháng 8 tới, chúng tôi sẽ thực hiện ghép gan cho bệnh nhi bị ung thư gan," TS.BS Ngọc Thạch cho biết.

Tăng tốc vì nhiều việc phải làm trong hành trình ghép tạng, đặc biệt cho bệnh nhi

TS.BS Phạm Ngọc Thạch cho biết tại bệnh viện, danh sách chờ ghép gan là 200 ca, khoảng 20 bệnh nhi đã có nguồn hiến phù hợp và đang chờ được ghép gan. Bên cạnh đó, bệnh viện còn quản lý 40 - 50 ca suy thận mạn. Con số này tương tự ở hai bệnh viện nhi còn lại là Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Vì vậy, số ca có nhu cầu ghép tạng cứ tích lũy nhiều dần lên. Nếu như bệnh nhân suy thận có nhiều lựa chọn điều trị hơn như chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận, bệnh nhân suy gan chỉ có thể chờ đợi để ghép gan.

“Cho đến nay, nguồn tạng hiến từ người cho chết não còn rất hạn chế, đặc biệt là nguồn tạng cho các bệnh nhi. Chúng tôi hy vọng thời gian tới Quốc hội có thể thông qua một số sửa đổi, bổ sung trong “Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” cho phép trẻ chết não có thể hiến tạng thông qua cha mẹ hay người giám hộ.

img_6981.jpg
36 ca ghép gan và 30 ca ghép thận đã được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Như vậy, chúng ta sẽ mở ra cơ hội điều trị cho càng nhiều bệnh nhân hơn. Trong 36 ca ghép gan và 30 ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chỉ có 2 ca ghép thận từ người cho chết não, còn lại nguồn tạng ghép đều từ người cho sống. Phần lớn từ cha mẹ, ông bà hoặc cô, chú ruột,” TS.BS Ngọc Thạch cho biết.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, tổng chi phí một ca ghép gan tại bệnh viện là khoảng 600 triệu đồng, trong đó Bảo hiểm Y tế hỗ trợ chi trả 200 triệu đồng. Trong khi ở một số trung tâm ghép tạng, con số này có thể lên đến 1,5 tỷ đồng.

Biến chứng ghép tạng ở bệnh nhi rất thấp

Một điều đáng lưu ý, BSCKII Bùi Hải Trung, Phó trưởng khoa Khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan, chia sẻ, ca ghép gan trên bệnh nhi mắc hội chứng bất thường mạch máu nói trên không chỉ hiếm gặp ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

img_6907.jpg
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã nghiên cứu, áp dụng nhiều kỹ thuật mới để giảm các biến chứng trong phẫu thuật ghép tạng xuống thấp, đảm bảo thành công lâu dài, chất lượng sống của bệnh nhi sau ghép tốt hơn.

“Trong trường hợp này, việc nối động mạch gan rất quan trọng, vì tắc sẽ gây hoại tử tế bào gan, tổn thương đường mật. Ở các nước khác, các bác sĩ có thể thực hiện ghép gan lại với tỷ lệ cứu sống em bé là 50%. Còn ở Việt Nam, do phần lớn là gan hiến từ người sống nên nếu gặp phải biến chứng này, chúng ta có thể gặp nguy cơ cao mất cả phần gan hiến và mạng sống của đứa trẻ.

Tùy theo báo cáo, trẻ bị biến chứng huyết khối động mạch sau ghép gan có thể lên tới 20% - 30%. Trong những năm qua, để giảm tỷ lệ biến chứng này, chúng tôi đã áp dụng vi phẫu trong nối động mạch gan. Dưới kính vi phẫu, động mạch gan ở trẻ em rất nhỏ (1-2mm), được phóng đại lên tới 15 lần, kết quả nối chính xác, tỷ lệ bị biến chứng huyết khối giảm xuống còn 1,7 - 2%. Chỉ một ca ghép gan đầu tiên vào năm 2005 gặp phải biến chứng này,” BSCKII Hải Trung cho biết.

Theo TS.BS Trần Thanh Trí, Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện khoảng hơn 50 ca ghép tạng, coi như ngành ghép tạng nhi thật sự mới bắt đầu. Trước mắt còn rất nhiều khó khăn, nhiều đích để chạm tới để tăng số ca được ghép nhiều hơn, mở rộng chỉ định ghép cho các bệnh nhi có nhu cầu, thực hiện nhiều kỹ thuật khó hơn để cứu được nhiều người bệnh.

ghep-tang-tai-bv-nhi-dong-2.jpg
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 hy vọng tăng số ca được ghép nhiều hơn, mở rộng chỉ định ghép cho các bệnh nhi có nhu cầu, thực hiện nhiều kỹ thuật khó hơn để cứu được nhiều người bệnh.

Sắp tới khi Trung tâm Ghép tạng của Bệnh viện Nhi đồng 2 đi vào hoạt động, dự kiến là 30/4/2025. Mục tiêu của Bệnh viện Nhi đồng 2 từ giờ tới thời điểm đó là thực hiện được 50 ca ghép gan, nghĩa là phải ghép 14 ca nữa trong khoảng chưa đầy 10 tháng tới. Ngoài ghép gan, thận, bệnh viện hướng tới triển khai những kỹ thuật khác như ghép tim.

Ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 là vào năm 2004 và ghép gan từ năm 2005; ghép tế bào gốc được triển khai vào cuối tháng 12/2020.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2014 mới có 265 người đăng ký hiến tạng, tính đến 20/6/2023, con số này là 73.213 người; và đã có 7.498 ca ghép tạng thành công. Số ca ghép tạng tại Việt Nam cũng đã gia tăng đáng kể từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca vào năm 2022. Tuy nhiên, số lượng các ca ghép nhận tạng ghép từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 90%.

An Quý