Giáo dục

PGS.TS. Bùi Mai Hương: “Có ước mơ, bạn trẻ sẽ tự biết cách cố gắng và học hỏi để chạm tới”

Như Quỳnh - Nguyên Cát (thực hiện) 07/07/2024 - 21:39

Với PGS.TS. Bùi Mai Hương - giảng viên bộ môn Kỹ thuật Dệt May, khoa Cơ khí, Trưởng phòng Quản trị Thương hiệu - Truyền thông Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, việc mang tâm hồn lãng mạn theo đuổi vẻ đẹp khô khan của kỹ thuật đã cho phép nhà khoa học nữ sống hết mình với sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực Dệt - May từ lúc còn là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tới khi rong ruổi tại trời Âu và đến công việc hiện tại.

Dù đã đạt được những thành tựu nhất định, song PGS.TS. Bùi Mai Hương đơn thuần coi đó là những dấu mốc đáng nhớ trên con đường sự nghiệp của mình. Chị đã có những chia sẻ khá thú vị về con đường nghề nghiệp của mình với Tạp chí Khoa học phổ thông.

pgs.ts.bui-mai-huong-ok.jpg
PGS.TS. Bùi Mai Hương.

Yêu xơ, sợi, vải từ khi còn bé

Cơ duyên nào đưa PGS.TS. Bùi Mai Hương đến với ngành Kỹ thuật Dệt May hiện tại?

PGS.TS. Bùi Mai Hương: Tình yêu của tôi với xơ, sợi, vải chớm nở từ những ngày còn bé khi tôi theo chân mẹ vào xưởng dệt thí nghiệm và đi cùng bố đến nhà máy sợi. Mẹ tôi lúc bấy giờ đang công tác tại bộ môn Công nghệ dệt của Đại học Bách khoa Hà Nội, còn bố tôi là cán bộ nhà máy sợi Hà Nội - Hanosimex. Sinh ra và lớn lên trong khu tập thể Bách khoa Hà Nội, xung quanh tôi có nhiều cô chú là đồng nghiệp trong ngành của bố mẹ. Môi trường đó giúp cho tôi có sự thân thuộc và hình dung nhất định về các ngành kỹ thuật nói chung và ngành kỹ thuật dệt nói riêng. Tình yêu lớn dần lên khi tôi bắt đầu có sự tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về lĩnh vực Dệt May và nhận thấy đây là một ngành kỹ thuật độc đáo với nhiều tiềm năng phát triển.

Dù gia đình chưa từng yêu cầu tôi tiếp nối truyền thống nghề nghiệp, thậm chí lúc đó có nhiều lời khuyên tôi đi học ngoại giao hay ngoại thương với tố chất xã hội của tôi, nhưng tôi đã chọn các ngành kỹ thuật dựa trên tình cảm và hiểu biết được nuôi dưỡng từ nhỏ. Hết giai đoạn đại cương, tôi cũng từng băn khoăn. Với mức điểm đó, tôi hoàn toàn có thể chọn các ngành khác “hot” hơn, nhưng tôi đã kiên định với lựa chọn của mình.

Đối với tôi, bất kì ngành kỹ thuật nào cũng đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển của kỹ thuật công nghệ và nền sản xuất của đất nước và Dệt May - một trong những ngành trọng điểm của nền công nghiệp Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng vậy. Điều cốt lõi là tự bản thân mỗi người phấn đấu trau dồi chuyên môn cho thật vững vàng thì chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội và lựa chọn sự nghiệp trong ngành. Đây cũng chính là lời nhắn nhủ đầu tiên tôi muốn gửi đến với các sĩ tử đang trong giai đoạn nước rút chọn ngành, chọn nghề.

Tôi lần lượt tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành Công nghệ Dệt may, Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 2001 và 2004. Nhận thấy mình có thể đi theo con đường giảng dạy, tôi bắt đầu tìm hiểu các điều kiện ở lại trường làm giảng viên, đi học tiếng Anh và mơ đến những chân trời xa hơn bằng cách săn học bổng để du học nước ngoài.

Có ước mơ, đứa trẻ hồi đó sẽ tự biết cách cố gắng và học hỏi để làm sao chạm tới. Và đến năm 2005, tôi nhận học bổng Tiến sĩ tại Trường Đại học tổng hợp Leopold-Franzens-Universität Innsbruck, Áo. Sau khi về nước, tôi có hơn 20 năm giảng dạy trong ngành Dệt May tại Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG-HCM.

"PGS. TS. Bùi Mai Hương có nhiều đóng góp trong các dự án quốc tế về Dệt May, nổi bật là dự án Trung tâm Công nghệ Dệt Ý- Việt đang vận hành hiệu quả tại Trường Đại học Bách khoa. Đến nay, PGS. TS. Hương có hơn 50 công bố khoa học, 21 công bố quốc tế, 22 công bố tạp chí trong nước và các hội nghị quốc tế, hướng dẫn 03 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công và đang tiếp tục hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học khác".

Mọi thành công đều cần sự nỗ lực và kiên trì

Điều chị thấy ấn tượng ở lĩnh vực mình đang theo đuổi?

Tôi tin rằng mỗi giai đoạn cuộc đời của con người sẽ có những lợi thế nhất định mà nếu biết cách khai thác, các bạn sẽ thuận lợi hơn trên con đường sự nghiệp. Những năm tháng còn đôi mươi 20-30 tuổi, các bạn mang trong mình năng lượng tuổi trẻ và khả năng tiếp thu nhanh nhạy nhất, hãy tận dụng nó để học tập và trải nghiệm văn hóa, xã hội. Năm 30-40 tuổi là thời điểm bắt tay vào làm thực tế, nâng cao chuyên môn dựa trên nền tảng kiến thức đã xây dựng lúc trẻ để đến lúc 40-50 tuổi, các bạn có thể mang kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được chia sẻ, hướng dẫn và nâng tầm kiến thức lên tầm tư duy mới.

Tôi cũng đã đặt ra mục tiêu riêng cho mỗi giai đoạn rằng đến trước 30 tuổi xong Tiến sĩ, trước 40 tuổi xong một bước học hàm (Phó Giáo sư), thế rồi loanh quanh thế nào cũng thực hiện được. Sau tất cả, tôi không coi những gì mình đạt được là thành tựu mà chỉ là những dấu mốc, việc mình phải làm khi ở một vị trí nào đó trong một giai đoạn tương ứng. Nhìn lại, trong mỗi giai đoạn, kim chỉ nam của tôi luôn là mọi thành công đều cần sự nỗ lực và kiên trì, may mắn chỉ là yếu tố xúc tác.

Hơn 20 năm công tác trong ngành, hướng nghiên cứu chính của tôi là về Vật liệu dệt bền vững có nguồn gốc tự nhiên (cellulose, protein) ứng dụng trong dệt sinh thái, dệt y tế, phát triển vật liệu mới, thuốc nhuộm tự nhiên, công nghệ nhuộm và hoàn tất chức năng vật liệu dệt hiện đại, vật liệu dệt nano và công nghệ nano trong biến đổi chức năng vật liệu dệt... Đến nay, tôi đã có hơn 50 công bố khoa học, 21 công bố quốc tế, 22 công bố tạp chí trong nước và các hội nghị quốc tế, hướng dẫn 03 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công và đang tiếp tục hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học khác.

Song song với giảng dạy và nghiên cứu, tôi còn tham gia với vai trò chuyên gia kỹ thuật độc lập cho Văn phòng Công nhận Chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ, tham gia kết nối với các hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội bông sợi, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Máy dệt Đức - Ý...

Bên cạnh công tác giảng dạy, tôi cũng có cơ hội thử sức với vị trí quản lý lần lượt ở các mảng như Hành chính, Quản trị thương hiệu - Truyền thông tại đơn vị mình công tác. Những lĩnh vực tưởng chừng không liên quan đến chuyên môn này lại mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm đáng nhớ, giúp tôi vững vàng và dày dạn hơn, có thêm kinh nghiệm để thực hiện quản lý chuyên môn nhóm nghiên cứu và tạo dựng mạng lưới kết nối tốt hơn cho bản thân và bộ môn.

pgs.-ts.-bui-mai-huong-cung-03-nu-sinh-khoa-co-khi-nhan-hoc-bong-cung-chuyen-tham-quan-tai-milan-y.jpg
PGS.TS. Bùi Mai Hương (thứ 2 từ phải qua) cùng 3 sinh viên Bộ môn Kỹ thuật Dệt May nhận học bổng cùng chuyến tham quan tại Milan, Ý.

Hướng phát triển hiện tại của TS. Hương so với lúc mới tốt nghiệp có gì thay đổi không?

Bách khoa sâu trong tôi không chỉ là Trường đại học, mà chính là gia đình, là tuổi thơ, tuổi trẻ và một trời kỷ niệm. Tôi luôn biết ơn Bách khoa cả hai miền đất nước đã tạo điều kiện để tôi thực hiện ước mơ giảng viên như tôi mong đợi thuở đầu. Và giờ là lúc tôi cặm cụi gieo ước mơ cho sinh viên của mình, giống như những gì tôi đã được nhận ngày xưa: tri thức, tình thương và khao khát.

Giai đoạn này là thời điểm thích hợp hơn cả để tôi có thể chia sẻ, tư vấn cho người khác sau khi đã tích lũy cho mình khối lượng kiến thức và kinh nghiệm nhất định. Song, tôi vẫn cố gắng giữ mình ở trạng thái luôn luôn cập nhật kiến thức mới để không tụt hậu và truyền đạt đến sinh viên tốt hơn. Ngoài ra, tôi muốn khám phá bản thân ở khía cạnh khác ngoài kĩ thuật.

Lấn sân sang văn chương

Không những thành công trong lĩnh vực chuyên môn là giảng viên ngành Dệt May, TS. Bùi Mai Hương còn lấn sân sang con đường văn chương với cuốn sách mang tên “Hẹn hò với châu Âu” và đã được xuất bản. Chị có thể chia sẻ thêm về con đường này không ạ?

Các trang viết “Hẹn hò với châu Âu” ra đời trong nỗi nhớ da diết về những tháng ngày tôi làm nghiên cứu sinh ở Áo, lang thang giữa ruộng nho trên những triền đồi của Tuscany mùa thu, đắm chìm trong những cung đường văn hóa châu Âu. Sau này, tôi vẫn có dịp ghé qua vài nơi trong những chốn cũ đó với cảm xúc nguyên vẹn của một thời trẻ đam mê xê dịch và khám phá.

bui-mai-huong-hen-ho-voi-chau-au.jpg
Bìa sách “Hẹn hò với châu Âu” của PGS.TS. Bùi Mai Hương.

Khi đi du học, trái tim tuổi trẻ của tôi còn chỗ để phải lòng những miền đất mới, không cần lên một kế hoạch cụ thể nào mà vẫn thoải mái phiêu du với những người bạn phương xa. Khi sắp xếp lại những ký ức của mình bằng những con chữ, tôi muốn lưu giữ cho tôi, cho người thân, bạn bè, cho cả những ai mang trong mình giấc mơ được trải nghiệm trên nhiều vùng đất và nhiều nền văn hóa khác nhau sống hết mình với lý tưởng tuổi trẻ dám nghĩ dám làm, vừa học vừa chơi.

Văn chương với tôi là một yếu tố cân bằng cảm xúc và tình cảm của mình, nhất là khi tôi dành hầu hết thời gian cho những con số, những nghiên cứu đòi hỏi tính chính xác cao của kỹ thuật. Việc dung hòa chúng làm cho tôi trở nên bớt cứng nhắc hơn khi đưa ra các quyết định.

Vào giai đoạn mùa tuyển sinh đại học đang cao điểm này, chị có thể gửi vài lời nhắn nhủ đến các bạn thí sinh?

Tôi may mắn có điều kiện tiếp xúc với ngành từ sớm, song tôi cũng đã phải tìm hiểu rất nhiều để thấy được cơ hội về nghề nghiệp, hướng nghiên cứu và hướng phát triển trong ngành. Do đó, bước đầu tiên, các bạn cần “tìm để hiểu” ngành đó. Mọi sự phân tích kỹ lưỡng sẽ giúp các bạn đưa ra quyết định sáng suốt hơn.

Trong quá trình tìm hiểu ngành, các bạn nên đồng thời tự suy nghĩ về bản thân và xác định tố chất con người mình có phù hợp với đặc thù ngành nghề đó hay không.

Tiếp theo, các bạn nên có mục tiêu rõ ràng cho con đường mình theo đuổi. Nếu chỉ đặt mục tiêu là “ra trường có việc làm” thì có chút đơn giản với giai đoạn tuổi trẻ nồng nhiệt này. Các bạn cần thấy là trong ngành này mình sẽ học được gì, có những cơ hội phát triển như thế nào, đã làm được điều đó thì chắc chắn kiếm được việc làm. Việc đặt mục tiêu cả dài hạn và ngắn hạn không chỉ giúp các bạn vững vàng và kiên định với lựa chọn của mình, mà còn là cách để giữ cân bằng cho bản thân, không để bị ảnh hưởng bởi những tâm trạng, cảm xúc xung quanh. Đây cũng chính là lời khuyên ở đầu bài mà tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn.

Ngoài ra, tôi muốn nhắn nhủ rằng trong mọi công việc, chúng ta cần có phần trăm giữa trách nhiệm và đam mê. Đam mê dẫn bạn đến sự lựa chọn, còn trách nhiệm quyết định bạn có thành công chinh phục đam mê và lựa chọn đó hay không. Tôi mong rằng trong quá trình học, các bạn dù thích hay không cũng cần cố gắng học cho tốt, đặt vào đó trách nhiệm để học nghiêm túc hơn. Các bạn hay nói “chọn ngành mình yêu”, nhưng tôi cũng muốn nói thêm “hãy yêu ngành mình chọn”. Giả sử bạn không đậu nguyện vọng A và phải vào ngành B thì có thể cho nó một cơ hội, thử học ngành B một cách nghiêm túc. Sau thời gian học tâm huyết và nhận thấy cơ hội phát triển thì hãy tiếp tục với nó; còn nếu không, có thể lựa chọn bỏ qua và tập trung ôn thi lại ngành A. Tận tâm trong mọi công việc luôn mang đến những trải nghiệm tốt hơn.

Xin cám ơn chị.

Như Quỳnh - Nguyên Cát (thực hiện)