Giáo dục

Cải cách hành chính, thúc đẩy sinh viên tham gia BHYT

Ngọc Duy 05/07/2024 - 14:13

Ngày 4/7, Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Đại học, Cao Đẳng TP.HCM và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM tổ chức hội thảo “Vai trò cấp ủy trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) trong các trường đại học” và tổng kết, đánh giá Hội thi tìm hiểu về chính sách pháp luật BHYT cho sinh viên.

Tiếp tục mục tiêu 100% sinh viên tham gia BHYT

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM Nguyễn Thị Mỹ Dung, cho biết BHYT đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu rủi ro tài chính do chi phí y tế gây ra đối với người dân nói chung, đồng thời mang lại sự an tâm và hỗ trợ cho các bạn học sinh sinh viên (HSSV) trong quá trình học tập.

a1.jpg
Phó Giám đốc BHXH TP.HCM Nguyễn Thị Mỹ Dung phát biểu tại hội thảo.

Theo thống kê của BHXH TP.HCM, đến hết tháng 6 năm 2024, toàn thành phố có 1.954.831 HSSV tham gia BHYT (chưa bao gồm trẻ mầm non), đạt 95,74% HSSV tham gia BHYT. Trong đó có 130.504 người được cấp thẻ BHYT theo các nhóm đối tượng khác (chiếm 6,68% tổng số HSSV) và 1.827.327 người tham gia BHYT theo diện HSSV, chiếm 93,32%.

Dù công tác BHYT cho HSSV hiện đang rất được quan tâm, nhưng trong quá trình thực hiện còn tồn tại những hạn chế nhất định. Còn nhiều trường học có tỷ lệ tham gia BHYT thấp.

Tính đến ngày 30/6/2023, vẫn còn 87.038 HSSV chưa tham gia BHYT, tập trung chủ yếu ở nhóm sinh viên năm 2, 3, 4 đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề… Một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố chưa lập hồ sơ đề nghị trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu để thực hiện chăm lo sức khỏe cho HSSV nên ảnh hưởng đến quyền lợi của HSSV.

Nhiều sinh viên vẫn chưa hiểu hết vai trò, ý nghĩa của BHYT và trách nhiệm của sinh viên trong thực hiện pháp luật về BHYT. Một số cho rằng thuốc và dịch vụ của BHYT chất lượng không cao nên không muốn tham gia. Hay công tác khám, chữa bệnh BHYT tuyến xã chưa đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như HSSV...

“Để tiếp tục duy trì mục tiêu 100% HSSV toàn thành phố tham gia BHYT, ngoài nỗ lực của ngành BHXH thành phố, cần có sự vào cuộc phối hợp của các ngành liên quan, như Đảng ủy các trường đại học, cao đẳng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT cho HSSV”, bà Dung chia sẻ.

Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Ngoài ra, ngành BHXH Việt Nam cũng chú trọng cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT tạo thuận lợi cho HSSV, như: sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” hoặc thẻ căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ BHYT giấy để đi KCB BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh. Qua đó, giúp HSSV tiết kiệm thời gian khi đi KCB, không còn lo thủ tục khám chữa bệnh gặp khó khăn khi mất, hay hỏng thẻ BHYT giấy.

Tại hội thảo, đại diện các trường: ĐH Luật TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Tài chính-Marketing… đã có tham luận chia sẻ về vai trò của Đảng ủy trường trong chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách BHYT trong sinh viên. Đồng thời, nhiều đơn vị cũng nêu một số kiến nghị cần tháo gỡ trong việc thực hiện các chính sách về BHYT đối với sinh viên. Trong đó, cần đẩy mạnh việc truyền thông theo nhiều kênh khác với nhận thức “mưa dầm thấm đất” để sinh viên hiểu và thực hiện.

Các đề xuất phù hợp, có khả năng áp dụng thực tế

Hội thi tìm hiểu về chính sách pháp luật BHYT cho sinh viên do Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Đại học, Cao Đẳng TP.HCM và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM phối hợp tổ chức.

Bà Đặng Thùy Khánh Vân - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Đại học, Cao Đẳng TP.HCM phát biểu tại sự kiện.

Theo bà Đặng Thùy Khánh Vân - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Đại học, Cao Đẳng TP.HCM, hội thi tìm hiểu về chính sách pháp luật BHYT cho sinh viên đã thu hút 4.803 thí sinh đến từ 26 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tham gia. Trong đó, 93 thí sinh đạt điểm từ 45 trở lên (chiếm 2%) và 3318 thí sinh đạt từ 25 - 44 điểm (chiếm 69%). Còn lại là các thí sinh dưới 25 điểm.

Tại phần thi viết, có 28 thí sinh tham gia. Từ đó, ban tổ chức đã chọn được 8 thí sinh có bài viết chất lượng, đề xuất phù hợp và có khả năng áp dụng vào thực tế trong công tác truyền thông chính sách BHYT HSSV tại địa bàn TP.HCM.

“Các bài thi đã thể hiện được suy nghĩ của thí sinh về chính sách BHYT HSSV. Đa phần đều đánh giá cao việc tham gia thực hiện BHYT và các lợi ích khi tham gia. Đã có nhiều giải pháp trong tuyên truyền để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới như sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong triển khai thực hiện, đặc biệt là đề xuất giải pháp tối ưu về quyền lợi khi tham gia BHYT…”, bà Đặng Thùy Khánh Vân chia sẻ.

a2.jpg
Bà Nguyễn Thị Là (Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TP.HCM) và ông Trần Dũng Hà (Phó Giám đốc BHXH TP.HCM) trao thưởng cho các cá nhân đạt giải nhất, nhì, ba của hội thi.

Tổng kết hội thi, ban tổ chức đã trao 28 giải cá nhân đạt điểm cao vòng thi trực tuyến, 5 giải tập thể cho trường có tỷ lệ tham gia thi đông nhất và trả lời đúng nhiều nhất ở vòng thi trực tuyến; 1 Giải nhất, 1 Giải nhì, 1 Giải ba và 5 Giải khuyến khích ở vòng thi viết.

Được biết, hội thi là sân chơi học thuật, phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách, pháp luật BHYT đến số lượng lớn sinh viên trên địa bàn thành phố. Từ đó nâng cao nhận thức của sinh viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT và các lợi ích khi tham gia. Mỗi sinh viên sẽ là một tuyên truyền viên để lan tỏa chính sách BHYT HSSV đến người thân trong gia đình, bạn bè và xã hội.

a3.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Đây cũng là dịp để cơ quan BHXH TP.HCM lắng nghe đóng góp ý kiến, đề xuất của sinh viên. Như giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách BHYT HSSV. Hay giải pháp để thay đổi nhận thức về chính sách BHYT của phụ huynh, học sinh, sinh viên; quyền, lợi ích thiết thực, giá trị nhân văn của chính sách BHYT; những rủi ro khi không tham gia BHYT…

Ngọc Duy