Bạn đọc

Nam giới áp lực từ bản dạng giới và định kiến xã hội

Trúc Nhã 03/07/2024 - 21:20

Nằm trong chuỗi sự kiện “Người trẻ và Giới”, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nam giới: Áp lực từ bản dạng giới và định kiến xã hội”.

Hình tượng của người đàn ông được phác họa như cây tùng cây bách với thiên nhiên hùng vĩ… đã đặt vào họ các kỳ vọng cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, khi các nghiên cứu về giới ngày càng phát triển, nam giới bắt đầu được đặt lại các câu hỏi về chính họ “nam giới là ai?” và làm sao để một người nhận thức về bản thân mình là một người đàn ông, hay nói cách khác, “bản dạng của nam giới là gì?”.

z5598455850125_bb13cda84e84ffb5f81b5a13e5b69d25.jpg
Ông Đoàn Minh Chí (trái) và ông Phù Khải Hùng, tại tọa đàm "Nam giới: Áp lực từ bản dạng giới và định kiến xã hội".

Theo Ban tổ chức, buổi tọa đàm “Nam giới: Áp lực từ bản dạng giới và định kiến xã hội” với mong muốn truyền tải kiến thức về: giới, giới tính, bản dạng giới, định kiến giới, đến gần với các bạn trẻ, đặc biệt là tập trung vào các kiến tạo hình ảnh “Nam giới”, đồng thời nêu ra những áp lực và bàn luận về cách giải quyết phù hợp.

Mở đầu buổi tọa đàm, ThS. Phù Khải Hùng - Chuyên ngành Nhân học, nghiên cứu viên Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đã trình bày khái quát lý thuyết về giới. Ông cho biết, các định nghĩa về giới và giới tính vốn rất rắc rối, chúng ta thường hiểu lầm khi nhắc đến hai thuật ngữ này. Nhưng khi các bằng chứng y học ghi nhận sự tồn tại của người liên giới tính, câu hỏi về việc phân biệt và xác định giới của một người dần trở nên phức tạp, đa dạng hơn. Hai phạm trù “giới” và “giới tính” hoàn toàn khác nhau. Việc phân biệt một người là nam hay là nữ dựa vào vẻ bề ngoài thực chất xuất phát từ quan điểm xã hội nhiều hơn là dựa trên các dấu hiệu sinh học vốn dĩ không thể thấy được.

“Ngay từ khi các em sinh ra đã có những sự phân biệt nhất định về giới mà xã hội đã quy định, đó là minh chứng cho quá trình xã hội hóa về giới ở cá nhân. Bên cạnh đó, những giới hạn từ người lớn đặt để lên trẻ nhỏ từ những tiêu chuẩn phân biệt giới: nam thì không chơi búp bê, người nữ thì ngồi mâm thấp hơn trong ngày giỗ cũng là minh chứng”, ông Hùng nói.

Tại tọa đàm, ông Đoàn Minh Chí - Chuyên viên Hội đồng học sinh Trường WellSpring Sài Gòn, đưa ra những dữ liệu thực tế từ các nghiên cứu điền dã và dự án xã hội mà ông tham gia trong vấn đề can thiệp giới. Trong đó, nổi bật là dự án can thiệp giới trong lĩnh vực giao thông công cộng. Qua khảo sát dữ liệu và điền dã, nhóm nghiên cứu đã cho thấy phần lớn người sử dụng phương tiện giao thông công cộng là nữ, nhưng các vị trí quản lý và vận hành các phương tiện giao thông công cộng lại là nam. Từ đó, có những ưu tiên nhất định cho người nam trong luật pháp và chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông công cộng, tập trung vào đối tượng điều khiển và xây dựng lên hệ thống, thay vì là người thụ hưởng nó.

"Thậm chí, định kiến về giới cũng được thể hiện trong quá trình bất tuân hợp tác giữa nhóm lao động nam, đẩy các hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới sang cho nhóm công đoàn, vốn bao gồm nhiều nhân viên nữ hơn, và xem việc điều chỉnh các chính sách đảm bảo sự dung hợp và bình đẳng giới trong việc sử dụng phương tiện công cộng là điều không cần thiết..." - theo ông Đoàn Minh Chí.

Một trường hợp khác là trong quá trình triển khai chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp ba lên đại học, có những nguyện vọng mang định kiến giới được thể hiện từ nhóm phụ huynh cho đến các bạn học sinh rất rõ. Có những nhóm nghề bị xã hội mặc định chỉ dành cho nữ giới, có những nhóm nghề chỉ dành cho nam giới riêng biệt” anh Chí chia sẽ thêm.

Từ những nghiên cứu, hiểu biết và kinh nghiệm của mình, ông Đoàn Minh Chí đã có dịp tư vấn cụ thể đến các bạn học sinh, từ đó các bạn xem xét thêm các công việc mình yêu thích mà không phải áp lực về khuôn mẫu giới. Ông Chí còn đề xuất: “Cần tăng việc giáo dục về quyền con người đến rộng hơn các đối tượng học sinh, sinh viên để các em hiểu thêm về vai trò của bình đẳng giới, những định kiến giới".

Chia sẻ về việc khuôn mẫu hóa giới trong môi trường làm việc và những áp lực từ định kiến xã hội, ThS. Phù Khải Hùng cho rằng: “Mỗi người sẽ có những định kiến nhất định do quá trình xã hội hóa cá nhân. Nhưng ta có thể khắc phục được chúng bằng việc quan sát và chia sẻ một cách tôn trọng khi giao tiếp với mọi người. Nếu có nhìn nhận nhầm giới của một người, có thể cởi mở tiếp thu ý kiến, sửa chữa cũng như lan tỏa những kiến thức đúng về giới và giới tính cho những người xung quanh, giảm tải áp lực về khuôn mẫu giới, nhất là với người nam trong các môi trường công sở”.

z5598455878350_354f23d93938f485525743895b7a5c25.jpg
Sự kiện là cơ hội để mọi người được nói lên các trăn trở, băn khoăn về bản thân, gia đình và xã hội để tất cả cùng nhau tìm ra câu trả lời.

Chuỗi sự kiện “Người trẻ và giới” do NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức, bao gồm nhiều hoạt động đa dạng (có học thuật chuyên sâu lẫn phổ cập kiến thức), như bài giảng công cộng, bàn tròn thảo luận và không gian tương tác giữa các bạn trẻ, học sinh, sinh viên với chuyên gia về các vấn đề giới và nữ quyền đang được quan tâm hiện nay...

Trúc Nhã