Du lịch xanh gắn với phát triển bền vững
Hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp, chính sách, giúp giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với ngành du lịch.
Ngày 22/6, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp Trường ĐH Tài chính - Marketing và Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Du lịch xanh gắn với phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa”, tại Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Cải thiện hiệu quả quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học
Hội thảo nhằm tạo cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp và chính trị gia đưa ra các giải pháp, chính sách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với ngành du lịch.
Đồng thời là nơi để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên... đóng góp, chia sẻ ý kiến để thúc đẩy du lịch bền vững, sử dụng nang lượng tái tạo và bảo vệ các khu vực du lịch quan trọng nói chung và rừng phòng hộ huyện Cần Giờ nói riêng.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Lê Trung Đạo - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài Chính - Marketing, cho biết, các thông tin từ hội thảo sẽ giúp cải thiện hiệu quả công tác quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong ngữ cảnh địa phương. Thúc đẩy sự hợp tác giữa Trường Đại học Tài Chính - Marketing và cơ quan quản lý địa phương như Ban Quản lý Rừng phòng hộ.
"Việc chia sẻ thông tin, nghiên cứu và kinh nghiệm sẽ giúp xây dựng mối quan hệ bền vững, đồng thời hỗ trợ sinh viên hiểu rõ hơn về thực tế ngành nghề và ứng dụng kiến thức trong lĩnh vực môi trường", TS. Lê Trung Đạo cho biết.
"Hạ tầng xanh" gắn với "Kinh tế tuần hoàn"
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lê Trương Hiền Hòa, cho biết, trong các khu rừng ngập mặn ở Việt Nam, Cần Giờ là khu vực có một quần thể thực vật đa dạng sinh học bậc nhất, với hệ sinh thái tự nhiên gồm sông rạch, biển, rừng ngập mặn... vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ.
"Với tiềm năng về tự nhiên, đây là địa điểm lý tưởng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... và cả nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Cần Giờ còn có nhiều giá trị văn hóa bản địa với làng chài và các vùng nuôi trồng thủy hải sản nước lợ, nước mặn...", ông Hòa chia sẻ.
Thống kê từ Sở Du lịch TP.HCM cho thấy, năm 2023, khách đến tham quan, du lịch tại Cần Giờ đạt 3,8 triệu lượt, tăng 25,8% so với cùng kỳ 2022 và tăng 47,85% so với 2019. Đồng thời, doanh thu du lịch năm 2023 đạt 2,85 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 101,6% so với năm 2019.
Theo ông Hòa, Cần Giờ đã phát triển được nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó có loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, được nhiều đơn vị lữ hành quan tâm khai thác.
Về cơ sở hạ tầng du lịch, huyện đã có các cơ sở được đánh giá tổng thể, mặc dù còn thiếu về số lượng, chất lượng dịch vụ chưa cao so với tiềm năng của địa phương. Lượng khách du lịch chủ yếu là giới trẻ, đi về trong ngày và chưa chi tiêu nhiều cho du lịch.
Ông Hòa cũng yêu cầu địa phương đảm bảo nhu cầu phát triển du lịch gắn với bảo tồn cảnh quan tự nhiên.
Trong giai đoạn tiếp theo, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần được triển khai theo hướng "Hạ tầng xanh" gắn với "Kinh tế tuần hoàn", như: Cơ sở hạ tầng với nhiều công trình xanh; xây dựng hệ thống xử lý chất thải thông minh, hệ thống khai thác và tái sự dụng nước; phát triển "giao thông xanh", khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng; sử dụng nguyên liệu có thể tái tạo...
"Phát triển du lịch sinh thái không chỉ là phát triển du lịch mà còn là giải pháp phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, hướng đến bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, góp phần vào cân bằng sinh học tự nhiên và bảo vệ môi trường sống của con người", ông Hòa nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về "Mô hình - Giải pháp phát triển du lịch xanh, bền vững" và "Giá trị hệ sinh thái gắn với phát triển du lịch xanh".
Sau 2 tháng triển khai, ban tổ chức đã nhận được 157 bài tham luận của 333 tác giả đến từ 91 đơn vị.
Các chủ đề tham luận, gồm: Phát triển du lịch bền vững thích ứng với biển đổi khí hậu; xu hướng phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm; vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; những mô hình, giải pháp phát triển du lịch bền vững hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường… và những vấn đề liên quan khác.
Đối tượng tham dự là cán bộ, trí thức trẻ, các nhà khoa học trẻ; các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đến việc bảo vệ môi trường; sinh viên, học viên, giảng viên từ các trường Đại học, Cao đẳng và Học viện trên toàn quốc...