Dòng chảy

Truyền thông bệnh viện và báo chí:“Mối quan hệ hữu ích giúp người bệnh và thầy thuốc hiểu nhau hơn”

HỒNG DUNG 21/06/2024 13:15

Truyền thông bệnh viện” không đơn thuần để quảng bá hay tiếp thị dịch vụ nhằm mang lại doanh thu, mà hơn hết, đây là cầu nối giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh viện - nơi người bệnh đã kí thác vào đó bao niềm tin và sự hy vọng của mình.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tạp chí Khoa học phổ thông - Thời sự y học đã có cuộc trò chuyện cùng một số anh chị phụ trách truyền thông bệnh viện đã nhiều năm gắn bó với báo chí để nghe họ nói về công việc của mình.

“Người bạn đồng hành đắc lực cho các nhà báo truyền thông y tế” - ThS. Đỗ Thị Nam Phương - Trưởng Trung tâm Truyền thông, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

dung.jpg
ThS. Đỗ Thị Nam Phương

Ngay từ khi học đại học, tôi đã đi làm thêm tại các công ty truyền thông và nhận thấy lĩnh vực này rất phù hợp với mình. Sau khi tốt nghiệp, tôi tiếp tục học thạc sĩ chuyên sâu về truyền thông kỹ thuật số. Với hơn 15 năm kinh nghiệm, tôi đã làm truyền thông cho nhiều công ty và hiện đang làm tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Nhớ những ngày chập chững với nghề, tôi phải đối mặt với nhiều áp lực và nhạy cảm trong môi trường y tế nhưng bằng nhiệt huyết và đam mê, không ngại khó khăn, đã giúp tôi có những bài viết truyền thông chân thực và cảm xúc.

Tôi cảm nhận được giá trị khi những bài viết của mình trở thành cầu nối giữa bác sĩ, nhà báo và cộng đồng, giúp người dân có thêm thông tin để bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Chính điều này, đã giúp tôi giữ lửa yêu nghề và gắn bó với lĩnh vực này đến tận bây giờ.

Công việc của tôi, được tiếp xúc, làm việc với nhiều nhà báo đồng nghĩa với việc phải nhanh chóng thích nghi với phong cách và yêu cầu khác nhau của từng người.

Mỗi bài viết thông cáo báo chí hay bài truyền thông đều phải đảm bảo tính chính xác và hấp dẫn, điều này không hề dễ dàng. Ban đầu, việc xây dựng mối quan hệ và hiểu rõ cách làm việc của các nhà báo là một thách thức lớn. Chính vì vậy, tôi phải cố gắng mỗi ngày, nâng cao kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và phản hồi nhanh chóng, đồng thời không ngừng học hỏi để nắm bắt xu hướng truyền thông.

Theo tôi, tạo dựng mối quan hệ tốt với các nhà báo bằng sự chuyên nghiệp và nhiệt tình, giúp tôi dần dần vượt qua những khó khăn ban đầu, và trở thành người bạn đồng hành đắc lực cho các nhà báo truyền thông y tế.

Tôi tin rằng vai trò của truyền thông và báo chí là vô cùng quan trọng đối với cả bệnh viện và người dân. Truyền thông và báo chí không chỉ giúp bệnh viện lan tỏa thông tin chính xác về các dịch vụ, phương pháp điều trị mới và những thành tựu y tế mà còn giúp xây dựng lòng tin từ cộng đồng.

Đối với người dân, truyền thông y tế là nguồn thông tin đáng tin cậy, giúp họ hiểu rõ hơn về các bệnh lý, cách phòng tránh và điều trị. Những câu chuyện về người bệnh và hành trình chữa bệnh được chia sẻ trên báo chí không chỉ mang lại hy vọng mà còn khơi dậy sự đồng cảm và hỗ trợ từ cộng đồng. Chính nhờ sự kết nối này, truyền thông và báo chí đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và cải thiện cuộc sống của nhiều người.

Trên hành trình của mình, đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhưng có lẽ xúc động nhất là lần tổ chức họp báo để tìm mạnh thường quân giúp một ca bệnh gặp khó khăn. Đó là một bé gái mắc bệnh tim bẩm sinh, gia đình em vô cùng nghèo khó, không đủ chi phí để phẫu thuật. Khi tôi cùng các đồng nghiệp báo chí truyền tải câu chuyện của em, chúng tôi nhận được sự ủng hộ không ngừng từ cộng đồng. Mạnh thường quân đã chung tay đóng góp, em đã được phẫu thuật kịp thời nhưng điều tôi ấn tượng hơn là ngay trong buổi họp báo đó, một nữ nhà báo đã vô cùng xúc động và là mạnh thường quân đầu tiên ủng hộ cho ca bệnh này.

Tôi vô cùng trân quý trước nghĩa cử cao đẹp, không chỉ giúp lan tỏa thông tin mà còn truyền cảm hứng cho sự đồng cảm của người làm báo. Nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên gương mặt em sau khi phẫu thuật thành công là khoảnh khắc tôi không bao giờ quên; những giọt nước mắt hạnh phúc của gia đình em làm tôi thêm tin tưởng vào sức mạnh của truyền thông và lòng nhân ái của con người. Chính những kỷ niệm như vậy là nguồn động lực vô giá để tôi tiếp tục con đường đầy ý nghĩa này.

Báo chí hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, báo chí phải đổi mới không ngừng để cung cấp thông tin kịp thời và chính xác. Tôi thấy tự hào về những nhà báo đã không ngại khó khăn, luôn nỗ lực để truyền tải những câu chuyện chân thật và nhân văn đến độc giả.

Nhân ngày 21/6, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến những đồng nghiệp trong nghề. Cảm ơn vì sự tận tâm và hy sinh của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên... Chính những ngòi bút tận tâm đã làm cho báo chí - không chỉ là nghề mà còn là sứ mệnh cao quý, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Hãy tiếp tục giữ vững ngọn lửa đam mê và trách nhiệm, để mỗi bài viết, hình ảnh, thước phim của chúng ta đều mang lại giá trị và ý nghĩa cho cộng đồng.

“Cầu nối giữa bệnh viện với người bệnh và thân nhân” - ThS. Trần Văn Châu – Trưởng phòng Công tác Xã hội và Truyền thông, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức, TP.HCM

ong-tran-chau-truong-phong-cong-tac-xa-hoi-benh-vien-le-van-thinh(1).jpg
ThS. Trần Văn Châu

Khi tôi nhận nhiệm vụ phụ trách Công tác Xã hội tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (trước đây là Bệnh viện Quận 2) và kiêm nhiệm công tác truyền thông bệnh viện. Thật sự, khi đó tôi cũng chưa hiểu gì về truyền thông và không biết truyền thông bệnh viện là làm công việc gì. Sau đó, tôi được đơn vị cử đi đào tạo tại Sở Y tế thông qua Hội Nhà báo TP.HCM. Từ đó, tôi nhận thấy công tác truyền thông bệnh viện đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế với người bệnh và thân nhân.

Nhớ những ngày đầu tác nghiệp, tôi còn không biết sử dụng máy ảnh, chọn góc quay hay dung lượng cần thiết cho bức ảnh báo chí… lúc đó, bị áp lực lắm nhưng được các nhà báo hỗ trợ, hướng dẫn tôi rất tận tình. Càng làm việc, tôi càng đam mê, vừa học, vừa làm, tìm hiểu, đọc nhiều sách và nghiên cứu thêm tài liệu và dần dần tôi có thể tự viết bài, phỏng vấn bác sĩ để truyền tải kiến thức y khoa của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện lên trang web bệnh viện hoặc cung cấp thông tin cho báo đài chính xác, chuyên nghiệp; các từ chuyên môn trong y khoa, tôi tìm hiểu và tra cứu, để chuyển tải đúng chuyên môn nhưng dễ hiểu nhất đến với người dân; biết chọn góc quay và cân chỉnh hình ảnh đẹp, đúng dung lượng…

Đến nay đã gần 10 năm theo nghề, hiện tôi phụ trách trang web của bệnh viện, fanpage luôn cập nhật và cung cấp thông tin đến người bệnh nhanh chóng. Chẳng hạn, cung cấp các thông tin về tình trạng hoạt động, các dịch vụ y tế của bệnh viện, kiến thức y khoa các loại bệnh thường gặp, phương pháp chăm sóc bệnh tại nhà sau khi xuất viện… để mọi người nắm bắt dễ dàng.

Đồng thời, tuyên truyền đến mọi người về công tác phòng ngừa bệnh tật và thúc đẩy lối sống lành mạnh trong cộng đồng. Ví dụ cách phòng và điều trị Covid-19, sốt xuất huyết, tiêm chủng, các bệnh có khả năng lây nhiễm… giúp người dân biết cách phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, còn gắn kết giữa báo chí và bệnh viện, cung cấp và cảnh báo kịp thời về bệnh tật dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân hay thông tin về những kỹ thuật y tế chất lượng cao để người dân được thụ hưởng; hoặc những ca bệnh có hoàn cảnh khó khăn đến cộng đồng, vận động mạnh thường quân, nhiều trường hợp được giúp đỡ và cứu chữa kịp thời; cũng như cập nhật các phản ánh của báo chí để bệnh viện nắm bắt được những tâm tư nguyện vọng của người bệnh…

Tôi cho rằng, vai trò của báo chí trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt với những trang báo chuyên về khoa học, y học như Tạp chí Khoa học phổ thông. Làm báo hay làm truyền thông bệnh viện, với thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay, đều đòi hỏi rất nhiều yếu tố, như: kỹ năng viết bài, chụp ảnh, xử lý ảnh, quay phim, xử lý bài, cách sử dụng ngôn từ phổ thông để người dân hiểu. Quan trọng nhất, là đạo đức nghề nghiệp báo chí, cũng giống như 12 lời thề Hyppocrates trong nghề y, như vậy mới có những bài báo chất lượng, sâu lắng, dễ hiểu gần dân tạo lòng tin với độc giả.

Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tôi xin gửi lời tri ân, lời cảm ơn chân thành, lời chúc tốt đẹp nhất đến Quý anh chị nhà báo, phóng viên, biên tập viên, những người làm việc trong ngành truyền thông, báo chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công, thắng lợi trong công tác và luôn giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề, càng tô thắm thêm vẻ đẹp nghĩa tình người làm báo.

"Truyền thông bệnh viện cần truyền tải thông tin dễ hiểu đến người dân" - ThS. Trần Thị Nhung - Tổ Truyền thông, Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM

ba-tran-thi-nhung-to-truyen-thong-phong-cong-tac-xa-hoi-benh-vien-binh-dan-tp.hcm.jpg
ThS. Trần Thị Nhung

Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí, ra trường tôi làm phóng viên viết về lĩnh vực y tế, nên đa phần thời gian tác nghiệp là đến bệnh viện, tìm hiểu về nhiều bệnh lý, đọc tài liệu, gặp bác sĩ và phát triển lối viết khoa học đặc thù của mảng y tế, khác với những mảng khác trong báo chí như văn hóa văn nghệ, giáo dục…

Tôi vốn thích viết bài dài, đòi hỏi tìm hiểu thông tin sâu, đầu tư thời gian hơn là viết tin. Đây là đặc điểm cá nhân, vì tôi vốn là người thích tìm hiểu thông tin, và luôn có hứng thú với các nhóm đề tài về khoa học sức khỏe. Vô hình trung, điều này giúp tích lũy kiến thức trong giai đoạn làm báo đã tạo thuận lợi khi tôi đến với nghề truyền thông bệnh viện.

Cơ duyên đầy đủ là khi Bệnh viện Bình Dân TP.HCM tuyển nhân sự cho vị trí chuyên viên truyền thông. Sau vòng xét tuyển hồ sơ và 3 vòng phỏng vấn, tôi được chọn và gắn bó với công việc này đến nay.

Tuy môi trường làm việc khác nhau, nhưng thực tế báo chí cũng là một ngành học thuộc lĩnh vực truyền thông. Làm báo hay làm truyền thông bệnh viện đều cần các kỹ năng về phát hiện đề tài, thu thập, xử lý, phân tích và truyền tải thông tin đến đại chúng.

Lợi thế của người từng làm báo khi làm truyền thông bệnh viện là có được tư duy, góc nhìn báo chí cùng các kỹ năng về viết, biên tập tin bài, dựng kịch bản, chụp hình, quay phim… Điều này giúp ích rất nhiều cho người làm truyền thông bệnh viện trong việc phát hiện đề tài và biết cách làm cho các kiến thức y khoa trở nên dễ hiểu, dễ nắm bắt hơn, kỹ năng giao tiếp, đặt câu hỏi của chuyên ngành báo chí cũng tạo thuận lợi cho người làm truyền thông bệnh viện khi phỏng vấn bác sĩ, người bệnh, thân nhân người bệnh… Nhờ đó, việc tạo nên các sản phẩm truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh nói chung để đăng tải trên các kênh truyền thông của bệnh viện hoặc cung cấp cho báo chí thuận lợi hơn.

Vì đã từng làm báo, tôi hiểu về các nguyên tắc sử dụng hình ảnh, thông tin của người bệnh, cá nhân được đề cập trong bài viết. Do đó, ngay từ đầu đã có chú ý trong góc chụp, trong cách cung cấp thông tin, hỗ trợ phóng viên hiệu quả để làm sao các phóng viên vẫn có được chất liệu tốt nhất để viết bài và đảm bảo tính bảo mật thông tin cho người bệnh. Đó là nhờ những hiểu biết về quy định, những nguyên tắc, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp được trang bị từ lúc còn làm báo.

Tuy nhiên, mỗi một ngành nghề đều có các áp lực riêng. Làm truyền thông bệnh viện, phạm vi hoạt động hẹp hơn, vì chủ yếu thời gian ở trong bệnh viện. Nếu chưa quen, người từng làm báo có thể cảm thấy như mình bị trói chân vậy, không còn được bay nhảy nhiều.

Công việc của người làm truyền thông bệnh viện cần phải có kết nối sâu hơn với các phòng ban, hiểu về tổ chức và văn hóa của tổ chức, làm việc có tính đội nhóm cao hơn. Người từng làm báo chuyển sang làm truyền thông bệnh viện phải có thời gian thích nghi vì đa số người làm báo là những người yêu thích sự tự do và thích tác nghiệp độc lập.

Bên cạnh đó, khi làm truyền thông bệnh viện, đối tượng phỏng vấn hầu hết là bác sĩ, và tại một bệnh viện chuyên về ngoại khoa tuyến cuối như Bệnh viện Bình Dân, hơn 90% bác sĩ là các bác sĩ phẫu thuật, cần truyền tải thông tin nhanh, gọn với nhiều thuật ngữ y khoa. Do đó, phải có sự chuẩn bị kỹ trước khi phỏng vấn, lưu ý nhanh để có thể tự tìm kiếm thông tin thêm, năng lực ngoại ngữ để đọc các tài liệu bác sĩ chia sẻ và diễn đạt lại theo cách dễ hiểu và đại chúng hơn cho người đọc phổ thông.

nho-su-sap-xep-cua-chuyen-vien-truyen-thong-benh-vien-phong-vien-co-the-thuan-tien-hon-trong-viec-tac-nghiep.jpg
Nhờ sự sắp xếp của chuyên viên truyền thông bệnh viện, phóng viên có thể thuận tiện hơn trong việc tác nghiệp

Một mảng quan trọng của người làm truyền thông bệnh viện mà ít được mọi người đề cập là công tác truyền thông nội bộ. Với một bệnh viện hơn 1.000 nhân viên, để tăng sự gắn kết, thể hiện sự thống nhất và chuyên nghiệp trong thông tin và tạo động lực cho nhân viên y tế, cần có hoạt động truyền thông nội bộ.

Báo chí nói chung và đặc biệt là Tạp chí Khoa học phổ thông - Thời sự y học, đã trở thành cầu nối không thể thiếu trong hoạt động truyền thông của bệnh viện với người dân. Báo chí hỗ trợ bệnh viện truyền tải thông điệp và xây dựng sự ủng hộ của người bệnh với bệnh viện. Cụ thể, là người dân biết đến bệnh viện và năng lực điều trị của bệnh viện, các kỹ thuật mới… chủ yếu qua các thông tin được đăng tải trên báo đài. Tôi cảm thấy rất vui khi được trao đổi, hỗ trợ các phóng viên y tế kết nối với bác sĩ để cung cấp thông tin, kiến thức y khoa trong điều trị, chăm sóc người bệnh.

Những kiến thức về chăm sóc sức khỏe qua các kênh truyền thông đại chúng cũng giúp nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lý, tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe, phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng… Đây đồng thời là mục đích của hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, một trong những nhiệm vụ của ngành y tế.

Báo chí hiện nay có sự năng động, được đầu tư và chăm chút hơn về hình thức trình bày, nên sản phẩm báo chí cũng sống động hơn. Trước sự bùng nổ và cạnh tranh thông tin của mạng xã hội, đòi hỏi người làm báo phải có kỹ năng tạo ra sản phẩm tích hợp cả báo viết, báo hình, báo tiếng nhanh nhất có thể. Đây thực sự là thách thức đối với người làm báo, nhưng cũng mở ra cơ hội cho nhiều bạn trẻ đam mê nghề này. Ngày nay, chúng ta có thể gặp một biên tập viên truyền hình vừa có khả năng quay dựng, vừa phỏng vấn, vừa viết kịch bản chương trình và hiện dẫn. Đó là tín hiệu đáng vui trong nghề báo mà tôi quan sát thấy.

Hiện nay mạng xã hội đang phát triển mạnh, nhiều bài viết để câu like, view… thiếu tính trung thực, vô căn cứ đã khiến nhiều người hiểu sai. Do vậy, rất cần sản phẩm báo chí chất lương, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, minh bạch.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và kính chúc các nhà báo luôn giữ được sự đam mê với nghề và cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng nhất đến với người dân.

Nhà báo Thiên Chương – Thư ký tòa soạn Tạp chí Khoa học phổ thông, phụ trách tờ Thời sự y học: “Người phụ trách truyền thông y tế phải hiểu cả công việc y khoa, lẫn công việc làm báo”

chuong(1).jpg
Nhà báo Thiên Chương

Tôi vẫn còn nhớ ngày trước, thời còn đương chức, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến các bệnh viện, thường nhắc: “Mỗi bệnh viện nên thành lập tổ truyền thông, phải phát triển truyền thông để khi có cái hay thì bên ngoài còn biết, khi gặp khó khăn thì cùng nhau ngồi lại để làm rõ mọi việc, có như thế mọi thứ mới khách quan và tạo được niềm tin với dân”. Khái niệm này lúc đó rất mơ hồ, bởi lãnh đạo bệnh viện vẫn chỉ chủ yếu tập trung chuyên môn và quản lý hành chính, nhưng sau này khi một số nơi tiên phong tuyển dụng chuyên viên phụ trách truyền thông, mọi việc mới sáng dần ra.

Không quá khó hiểu để thấy được giá trị của truyền thông bệnh viện, bởi lãnh đạo bệnh viện bận trăm công nghìn việc, thêm nữa bác sĩ không thể rõ cách xử lý khi bị bệnh nhân phàn nàn với nhà báo, hoặc không thể biết mình phải làm việc với báo chí như thế nào. Nói như vậy để thấy nghề làm truyền thông bệnh viện không hề đơn giản.

Để khai thông được các nút thắt khi nhà báo “có vấn đề cần trao đổi với bệnh viện”, người làm truyền thông bệnh viện trước tiên phải có quan hệ với các nhà báo ở mảng y tế, phải biết rõ công việc làm báo y tế là thế nào, các nhà báo đang cần gì. Tiếp đến, người làm truyền thông cũng cần nắm rõ tính chất công việc của bác sĩ, của bệnh viện, để có thể cùng bệnh viện tìm hướng giải quyết ổn thỏa các vấn đề mà báo chí cần.

Tóm lại, ngoài việc “khô cứng” là đưa thông tin từ bệnh viện đến với báo chí, một chuyên viên truyền thông giỏi còn phải “giải quyết các ách tắc” giúp bệnh viện và báo chí hiểu nhau hơn. Khi đã hiểu nhau, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng trong cách cung cấp thông tin, cách đưa tin và kể cả cách giải quyết khi có xảy ra các vụ việc cần xử lý.

khi-xay-ra-dich-benh-truyen-thong-cua-cac-benh-vien-cang-the-hien-vai-tro-cua-minh-trong-viec-tao-dieu-kien-cho-phong-vien-tac-nghiep.jpg
Khi xảy ra dịch bệnh, truyền thông của các bệnh viện càng thể hiện vai trò của mình trong việc tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp

HỒNG DUNG