Sống xanh

Thực hành ESG - Chìa khóa phát triển xanh và bền vững

Nhã Trúc 21/06/2024 - 07:31

Tại Việt Nam, những năm gần đây, ESG được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Thực hành theo tiêu chuẩn của ESG giúp doanh nghiệp phát triển xanh và bền vững hơn.

Ngày 20/6, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức hội thảo “ESG - Chìa khóa cho phát triển bền vững: Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG hiệu quả”.

ESG là cụm từ viết tắt bởi Environmental (Môi trường); Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.

doanh-nghiep-viet-nam.jpg
Tại Việt Nam, những năm gần đây, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp) được các doanh nghiệp quan tâm và thực hiện. Ảnh tư liệu

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, phát triển bền vững gắn với kinh tế tuần hoàn hiện đang là xu hướng toàn cầu. Để thực hành ESG, doanh nghiệp cần có lộ trình và sự đầu tư nghiêm túc ở từng tiêu chuẩn: Môi trường, Xã hội và Quản trị; đặc biệt chú trọng yếu tố quản trị, nhất là quản trị rủi ro.

Theo TS. Trần Du Lịch, rủi ro ESG hiện nay là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt khi bước vào thực hành. Để nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức có liên quan cần nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

"Việc xây dựng khung pháp lý, chính sách giúp chính quyền và doanh nghiệp ứng dụng các tiêu chuẩn mới hiệu quả, bắt kịp xu hướng quốc tế một cách nhanh chóng và an toàn," TS Trần Du Lịch chia sẻ.

Hiện, các quốc gia trên thế giới đã và đang ban hành nhiều quy định hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn trở nên khắt khe hơn, việc thẩm định ESG cũng cần có tiêu chí rõ ràng hơn.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện Trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế xanh không chỉ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực với môi trường mà còn đem đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới trong mở rộng thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh trong hoạt động thương mại, đầu tư.

Mỗi doanh nghiệp cần kiến tạo một lộ trình phù hợp để tiếp cận tiêu chuẩn ESG một cách khoa học, có hiệu quả và phù hợp với mục tiêu đề ra.”

Hiện nay, theo chia sẻ của các chuyên gia và doanh nghiệp trong hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức và đánh giá cao tầm quan trọng của việc thực hành ESG, trong đó đến 80% doanh nghiệp được hỏi đã cam kết hoặc lên kế hoạch thực hành ESG.

Việc doanh nghiệp thực hiện ESG ngày càng được cải thiện là một tín hiệu tốt cho sự phát triển kinh tế bền vững và hướng đến việc chuyển đổi xanh và phát triển bền vững - giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu Net-Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ.

Để thực hiện điều này, các doanh nghiệp cần phải hành động một cách đồng bộ, lần lượt từ nhỏ tới lớn, từ thấp tới cao trong việc chuyển đổi thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và thực hành ESG tại Việt Nam.

Nhã Trúc