Dòng chảy

Viết cho ngày 21/6: Lửa nghề của người làm báo!

An Quý 21/06/2024 06:40

Với tuổi thơ của nhà báo Huỳnh Bích Phương, người tạo ra các chương trình truyền hình rất tuyệt vời. Khi trưởng thành, cô thuộc thế hệ người làm báo trẻ của Đài Truyền hình TP.HCM...

Trong cuộc trò chuyện với Tạp chí Khoa học phổ thông - Sống Xanh nhân Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), Nhà báo Huỳnh Bích Phương, Trung tâm Tin tức - Đài Truyền hình TP.HCM, chia sẻ những hạnh phúc khi sự dấn thân và nỗ lực trong nghề báo được ghi nhận bằng sự quan tâm, dõi theo của khán giả mỗi ngày.

nha-bao-huynh-bich-phuong.jpg
Nhà báo Huỳnh Bích Phương, Trung tâm Tin tức - Đài Truyền hình TP.HCM

Năm 2023, chị là một trong những nhà báo đạt được nhiều giải thưởng báo chí. Chị có thể kể rõ hơn về những giải thưởng báo chí ấy?

Nhà báo Huỳnh Bích Phương

Năm 2023, Đài truyền hình TP.HCM vinh dự được xướng tên tại lễ trao giải của nhiều Giải thưởng báo chí danh giá. Những khoảnh khắc đó để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng ekip chúng tôi, khi tôi cùng các đồng nghiệp của mình có cơ hội được tham gia, sáng tạo các tác phẩm để lại dấu ấn không chỉ trong lòng khán giả truyền hình mà cả các anh chị đồng nghiệp, các hội đồng chuyên môn.

Giải A - Giải Báo chí Quốc gia, Giải B - Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (Búa Liềm Vàng), Giải C - Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Giải Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc cùng các giải thưởng Báo chí TP.HCM, Báo chí chất lượng cao.

Đó là những sự ghi nhận cho rất nhiều nỗ lực của êkip HTV chúng tôi trong việc ngày càng làm mới mình, sáng tạo các tác phẩm truyền hình mang hơi thở của báo chí thời đại mới với sức lan tỏa lớn đến đông đảo khán giả.

Chương trình truyền hình nào để lại trong chị nhiều ấn tượng khó phai? Cụ thể điều gì mang lại cho chị ấn tượng đó?

Tôi thuộc thế hệ làm báo trẻ của Đài Truyền hình TP.HCM, may mắn được tạo rất nhiều điều kiện để có thể thử thách bản thân và cùng ekip “thai nghén” nhiều ý tưởng trong công tác đổi mới hình thức thể hiện sản phẩm truyền hình.

bich-phuong-1.jpg
Nhà báo Huỳnh Bích Phương và các đồng nghiệp của mình không phải là người tạo ra thế giới sau màn ảnh, chúng tôi là những người ghi chép chân thực và phản ánh hơi thở cuộc sống, kết nối và đồng hành cùng mọi người...

Trong đó, tọa đàm “Nơi kết thúc là nơi bắt đầu” (tác phẩm Đạt Giải A Giải báo chí Quốc gia năm 2021 của Đài Truyền hình TP.HCM) là tác phẩm ghi dấu cho sự đột phá của các các đồng nghiệp và tôi. Chúng tôi đã phá bỏ mọi rào cản trong công tác sáng tạo nội dung khi thực hiện tọa đàm ghi hình trực tiếp tại Trung tâm Cụm Bệnh viện Dã chiến lớn nhất Việt Nam với hàng trăm khán giả là F0.

Cần nhấn mạnh rằng đây không phải một sự mạo hiểm, liều lĩnh, mà là kết quả của sự chuẩn bị chu toàn và được xây dựng từ tâm huyết của rất nhiều người làm báo thời điểm bấy giờ.

Chúng tôi đã kể câu chuyện của những đêm trắng, câu chuyện về sự chiến đấu với những vùng sáng - tối và sứ mệnh dẫn đường trong “cuộc chiến” chưa từng có tiền lệ với kẻ thù vô hình tại TP.HCM, những con người đã đến và đi vì sứ mệnh tận hiến…từng khoảnh khắc, từng cảm xúc trong đêm ghi hình vẫn luôn thổn thức trong tôi mỗi khi nhớ về…

Chị thực sự là ai? Và ý nghĩa cuộc sống sau những bản tin truyền hình của chị?

Tôi muốn kể một câu chuyện về tuổi thơ. Thế hệ 8x, 9x có lẽ không xa lạ khi nói đến 2 chữ tivi. Những điều thú vị, háo hức trong thế giới của chúng tôi ngày còn nhỏ gần như được phản chiếu qua lăng kính đó. Với tuổi thơ tôi, những người tạo ra các chương trình và mang nó lên tivi là những người rất tuyệt!

Khi con người bị giới hạn trong việc di chuyển, bị ngăn cách với thế giới bên ngoài, “chiếc tivi”, gọi nôm na chứ bây giờ chúng ta có thể xem bản tin truyền hình bằng rất nhiều thiết bị (cười), cũng chính là khung cửa phản chiếu diễn biến của cuộc sống, để họ nắm bắt, để họ được hướng dẫn, được chia sẻ. Điều này chúng ta thấy rất rõ trong giai đoạn giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19.

nha-bao-bich-phuong.jpg
Mỗi người làm báo đều cảm thấy hạnh phúc khi sự dấn thân và nỗ lực được ghi nhận bằng sự quan tâm, dõi theo của khán giả mỗi ngày qua từng bản tin, chương trình phóng sự.

Tôi và các đồng nghiệp của mình không phải là người tạo ra thế giới sau màn ảnh, chúng tôi là những người ghi chép chân thực và phản ánh hơi thở cuộc sống, mang đến thông tin, kết nối và đồng hành cùng mọi người thông qua những bản tin truyền hình, ngay trong cả những thời điểm khó khăn nhất.

Chúng tôi hạnh phúc khi sự dấn thân và nỗ lực được ghi nhận bằng sự quan tâm, dõi theo của khán giả mỗi ngày qua từng bản tin, chương trình phóng sự.

Stephen Anthony Smith, một nhà báo, một biên tập viên truyền hình chuyên mục thể thao Mỹ, từng nói rằng “Công việc của tôi với tư cách là một phóng viên không phải là công việc kết bạn hay kết thù mà chỉ theo đuổi sự thật không mệt mỏi.” Chị nghĩ sao về điều đó?

Trong nghề báo đôi khi không chỉ có trắng và đen, có đúng và sai, là bạn hay thù mà có những lúc chỉ là “nên” hay “không nên”. Điều này phụ thuộc vào tâm sáng và lựa chọn của người làm báo. Và dù theo đuổi mục tiêu nào đi chăng nữa, tôi tin rằng đích đến cuối cùng của những người làm báo chân chính không phải là cảm giác chiến thắng khi “bóc trần” được sự thật mà là những tác động tích cực, lan tỏa được đến xã hội phía sau mặt báo.

Nếu được chọn lại và yêu lại từ đầu, chị sẽ chọn nghề gì? Tại sao?

Những năm 2008, đứng trước cánh cửa đại học, trong khi bạn bè xung quanh tôi có thể kể được nguyện vong 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, trên tay tôi chỉ có một bộ hồ sơ, một nguyện vọng duy nhất đăng ký thi vào Khoa Báo chí - Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Đó là thời điểm tôi sẵn sàng mở cánh cửa đầu tiên để bước đến nghề báo của mình. Và nếu phải chọn lại từ đầu, chắn chắn tôi cũng chỉ sẽ nộp một bộ hồ sơ ấy. Người ta thường nói “nghề chọn người” nhưng may mắn quá tôi được chọn nghề.

Chị sẽ nói gì để chia sẻ về nghề làm báo?

Chúng ta hay nói nôm na, nghề nghiệp là sự phân công lao động trong xã hội, đảm nhận một khía cạnh, một nhiệm vụ riêng nhưng nghề báo với cá nhân tôi thì gần như đòi hỏi sự bao quát và cần thấu hiểu về rất nhiều ngành nghề, khía cạnh trong đời sống xã hội.

Để có thể phản ánh được hơi thở cuộc sống nhà báo đôi khi phải “sắm vai”, trải nghiệm, đồng hành trong rất nhiều vai trò, lĩnh vực… Thật khó chia sẻ cụ thể nhưng thật sự phải có “yêu” mới đến được và trụ lại được với nhau. Nghề báo là một nghề vất vả nếu thật sự sống đúng với nghề và nỗ lực vì “bút sáng, lòng trong”.

‘Làm sao chị giữ lửa cho một cuộc hôn nhân khi người phụ nữ trong nhà làm phóng viên truyền hình?’

Bản thân câu hỏi cũng đã khẳng định tính đặc thù, khó khăn của nghề báo và nhất là với những nhà báo nữ phải không ạ!

bich-phuong.jpg

Người ta thường nhìn vào áp lực công việc và sự hào nhoáng của nghề truyền hình để lo lắng cho sự rạn nứt của các mối quan hệ gia đình. Nhưng đây không phải là vấn đề của nghề nghiệp mà là sự lựa chọn của mỗi cá nhân, dù công tác trong lĩnh vực gì. Ngày nay, nữ giới hay nam giới đều phải đứng giữa cán cân gia đình - công việc, và chúng ta có những giới hạn.

Thật sự, tôi may mắn khi được gia đình thấu hiểu về đặc thù nghề nghiệp và tạo nhiều điều kiện, bù lại, tôi cũng đặt ra cho mình những giới hạn giữa thời gian dành cho đam mê công việc và dành cho việc làm mẹ, làm vợ.

Rất nhiều đồng nghiệp nữ của tôi cũng đều làm rất tốt cả 2 vai trò nhờ vào sự tự tin, sự mạnh mẽ và quan trọng là hãy chia sẻ. Phụ nữ đừng bao giờ chỉ im lặng và chịu đựng áp lực, hãy mạnh dạn sẻ chia, tìm sự đồng cảm từ gia đình.

An Quý