Đời sống

Khai mạc Triển lãm tranh "99" của những người làm báo

HOÀNG NGUYỄN 18/06/2024 - 16:40

Triển lãm tranh "99" với hơn 130 bức tranh đa dạng chủ đề, chất liệu do những người làm báo vẽ đã gây ấn tượng cho người xem.

Sáng 18/6, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm tranh “99” của nhóm sáng tác là những người làm báo nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024).

Đến dự triển lãm, về phía lãnh đạo TP.HCM có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM;... Về phía Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; về phía Hội Nhà báo TP.HCM có đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Đại diện Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực phía Nam tại TP.HCM có sự tham dự của ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc TTXVN khu vực phía Nam...

khai-mac-trien-lam-tranh-99_ttxvn_photo-hoang-nguyen-3-.jpg
Lãnh đạo TP.HCM, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TP.HCM và đông đảo các nhà báo tham dự khai mạc triển lãm. Ảnh: Hoàng Nguyễn
khai-mac-trien-lam-tranh-99_photo-hieu-nguyen-1-.jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Hiếu Nguyễn.

Triển lãm hơn 130 bức tranh của nhóm 99

Triển lãm hội hoạ "99" giới thiệu các tác phẩm của “Nhóm 99” gồm 8 tác giả là những người làm báo và là hoạ sĩ: Ngô Thành Nhân, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Tiến Lễ, Vũ Kim Sơn, Đỗ Hương, Nguyễn Hồng Nga, Huỳnh Dũng Nhân, Tiểu Tân. Ngoại trừ những hoạ sĩ chuyên nghiệp, phần lớn các tác giả đến với hội họa khá muộn. Có những nhà báo chỉ mới sáng tác từ hai, ba năm trở lại đây khi đã nghỉ hưu. Là những người gắn bó với hoạt động báo chí, tranh của các tác giả không chỉ mang tính thế sự mà còn thể hiện các đề tài chân dung, phong cảnh, tĩnh vật...

Triển lãm diễn ra từ ngày 18/6 đến 26/6 tại Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (116 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, TP.HCM), trưng bày hơn 130 tác phẩm với nhiều chủ đề khác nhau như: tĩnh vật, phong cảnh, chân dung, trừu tượng, sinh hoạt đời thường... với các chất liệu sơn dầu, acrylic, màu nước, lụa, bút sắt.

Phát biểu tại triển lãm, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, các bức tranh của các nhà báo tham gia triển lãm gây được ấn tượng và có giá trị chiều sâu về nghệ thuật. Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đại diện cho Thành ủy, đồng chí Nguyễn Hồ Hải gửi lời chúc mừng và tri ân đến các nhà báo đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

khai-mac-trien-lam-tranh-99_ttxvn_photo-hoang-nguyen-6-.jpg
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM phát biểu tại triển lãm.

Đại diện ban tổ chức, đồng chí Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam cho biết, đây là triển lãm tranh đặc biệt của những nhà báo, cộng tác viên có đam mê cầm cọ vẽ. Những nhà báo và những cộng tác viên của các báo đó, ngoài việc cầm bút cầm máy ảnh còn có cùng một sở thích, một đam mê cháy bỏng là cầm cọ vẽ. Hầu hết họ đến với hội họa khá muộn màng, có những nhà báo chỉ mới thật sự sáng tác hai, ba năm trở lại đây khi đã nghỉ hưu hoặc khi được bạn bè động viên, khuyến khích. Hai người cao tuổi nhất đã 75 tuổi và nghỉ hưu hơn 10 năm nay. Người trẻ nhất mới 30 tuổi là nữ phóng viên Tiểu Tân của báo Sài Gòn Giải Phóng vừa hoàn thành chuyến đi công tác từ Trường Sa trở về và chuẩn bị ra mắt bộ ảnh về Trường Sa.

khai-mac-trien-lam-tranh-99_ttxvn_photo-hoang-nguyen-2-.jpg
Đồng chí Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại triển lãm.

“Là những người gắn bó với hoạt động báo chí, tranh của các cây cọ từng cầm bút viết bảo này cũng ít nhiều mang hơi thở cuộc sống, họ vẽ về đồng nghiệp, về biển đảo, về các phong trào xã hội, song vẫn say mê sáng tác về chân dung, phong cảnh và tĩnh vật... Nhiều người trong số các tác giả còn chưa dám nhận mình là họa sĩ mà chỉ là người có duyên nợ với hội họa , yêu thích thế giới sắc màu, muốn nhờ ngôn ngữ thẩm mỹ nói lên những gì mà con chữ chưa thể nói hết. Nhưng cũng chính nhờ vậy, có thể nói hơn 130 bức tranh của nhóm 99 được trưng bày tại triển lãm vừa có phần nào chất chuyên nghiệp, vừa đa dạng, phong phú và hồn hậu rất đời”, đồng chí Trần Trọng Dũng chia sẻ.

khai-mac-trien-lam-tranh-99_ttxvn_photo-hoang-nguyen-5-.jpg
Đại diện Thành ủy TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM tặng hoa chúc mừng ban tổ chức triển lãm.

Những nhà báo đam mê vẽ, chưa dám nhận mình là họa sĩ

Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, nguyên Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, thành viên nhóm 99 cho biết, các tác phẩm trưng bày tại triển lãm được sử dụng nhiều chất liệu khác nhau nhưng đều có chung mục đích là thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước. Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ mong rằng cảm hứng sáng tạo trong mỗi nhà báo sẽ tiếp tục được bộc lộ và phát triển hơn nữa.

khai-mac-trien-lam-tranh-99_ttxvn_photo-hoang-nguyen-4-.jpg
Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, nguyên Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam chia sẻ tại triển lãm.

Tại triển lãm, nhà báo Nguyễn Tiến Lễ đem đến 20 bức tranh phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật với các chất liệu acrylic, màu nước trên giấy dó,... Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông, nhà báo Nguyễn Tiến Lễ cho biết, ông bắt đầu đến với hội họa cách đây 8 năm (năm 2016) khi đã nghỉ hưu (ông từng công tác tại Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, từ năm 1977 đến năm 2016 qua nhiều cương vị).

“Tôi tự học vẽ và vẽ dựa trên những ý tưởng bất chợt đến trong đầu, mang nhiều tính cảm xúc. Những lúc rảnh tôi đều ngồi trước giá vẽ và vẽ, có thể vẽ trên bất kỳ chất liệu nào và không hề chuẩn bị trước. Tranh của tôi là kết quả của những cảm xúc và hứng khởi chợt đến bất ngờ, ngẫu nhiên chứ không chủ định trước sẽ vẽ gì. Khi mới đầu vẽ, tôi có thể vẽ lại những giấc mơ của mình vào sáng hôm sau. Sau này, tôi vẽ khi có những ý tưởng lóe sáng từ trong tiềm thức và dựa trên sự trải nghiệm. Quan trọng nhất, tôi yêu thích hội họa và có niềm đam mê để tự học và vẽ tranh dựa trên những cảm xúc rất thật. Tôi vẽ nhiều tranh để tặng những người bạn, người thân và đến nay đã vẽ được hơn 100 bức tranh”, nhà báo Nguyễn Tiến Lễ chia sẻ. Đến nay, nhà báo Nguyễn Tiến Lễ đã tham gia 3 triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.

khai-mac-trien-lam-tranh-99_photo-hieu-nguyen-3-.jpg
Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, nguyên Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam cùng đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM chụp hình lưu niệm bên tác phẩm.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, đem đến triển lãm tranh “99” bộ tranh chân dung “Người tôi yêu mến”, là chân dung của các nhà báo nhiều thế hệ, văn nghệ sĩ - những người gắn bó thân thiết hoặc để lại ấn tượng sâu sắc cho ông.

Chia sẻ với phóng viên tại triển lãm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết, bộ tranh chân dung này được ông vẽ trong 3 năm. Hơn 40 năm làm báo (nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một cây viết “phóng sự” có tên tuổi trong làng báo, nguyên Ủy viên Ban chấp hành, Phó Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo) cho đến ngày về hưu, và phục hồi sau một lần bạo bệnh, ông mới cầm bút vẽ trở lại như để hồi sinh năng lượng.

“Tôi chỉ vẽ chân dung được thôi. Vẽ chân dung bạn bè, nhà báo và nghệ sĩ thân tình cho ấm áp, cho vui. Vẽ chân dung thì mọi người đều thông cảm vì tôi bị tai biến, không có chê. Đến nay, tôi đã vẽ khoảng 3.000 tấm và chất lượng tranh cũng vừa thôi. Hơn 40 năm làm báo, tôi dùng ngôn ngữ văn chương, báo chí. Và 3 năm nay, tôi dùng ngôn ngữ của nghệ thuật sắc mầu để nói những gì mà ngôn ngữ chữ nghĩa chưa nói được. Như thế là niềm vui của tôi. Thứ nữa, tôi dùng cọ để giải quyết thời gian khi nghỉ hưu và bị bệnh. Tôi chỉ là họa sĩ nghiệp dư”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân dí dỏm chia sẻ.

khai-mac-trien-lam-tranh-99_ttxvn_photo-hoang-nguyen-1-.jpg
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (bên trái) giới thiệu tác phẩm với nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn tại triển lãm.

Tham dự triển lãm của các đồng nghiệp, nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn cho biết: “Triển lãm rất có ý nghĩa, nói lên sự hoạt động phong phú của nghề báo: nghề báo không chỉ có cầm bút, cầm máy ảnh mà còn cầm cọ nữa. Nhưng cầm cọ ở đây không phải đơn giản, các nhà báo đã thổi hồn được vào tác phẩm của mình. Các anh, các chị đều thể hiện được nét cọ tài hoa, tâm hồn thoáng đãng của người cầm bút. Những tác phẩm mà tôi được xem tại triển lãm làm tôi cảm thấy thanh thản, vui tươi, yêu đời hơn. Những bức tranh này hòa vào cuộc sống rất thiết thực và nhân bản, gắn với đời sống và từng suy nghĩ, tâm hồn của mỗi người”.

khai-mac-trien-lam-tranh-99_photo-hieu-nguyen-4-.jpg
khai-mac-trien-lam-tranh-99_photo-hieu-nguyen-2-.jpg
Nhiều người đến thưởng lãm tranh tại Triển lãm tranh 99.

Thông tin 8 tác giả tham gia triển lãm tranh 99:

  1. Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ - nguyên giám đốc TTXVN khu vực phía Nam, sau khi nghỉ hưu (năm 2016) bắt đầu tự học và vẽ tranh. Ông đã tham gia 3 triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM và tại triển lãm có 20 bức tranh.
  2. Họa sĩ Ngô Thành Nhân là một trong những họa sĩ sơn mài truyền thống nổi bật với 50 năm hoạt động nghệ thuật, từng công tác tại Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật và là cộng tác viên của nhiều tờ báo. Ông tham gia 5 bức tranh sơn dầu, acrylic... tại triển lãm.
  3. Họa sĩ Nguyễn Nghiêm từng là phóng viên Đài phát thanh quận Tân Bình, giảng viên mỹ thuật công nghiệp Trường đại học quốc tế Hồng Bàng, mang đến triển lãm 15 bức tranh chủ đề phong cảnh.
  4. Nhà báo Vũ Kim Sơn - nguyên phóng viên chiến trường của Thông Tấn Xã Giải Phóng, đã tham gia và tạo ấn tượng tốt trong 3 triển lãm nhóm.
  5. Nhà báo Đỗ Hương - phóng viên ảnh tạp chí Kiến Trúc, trưởng văn phòng báo Thể Thao Ngày Nay tại TP.HCM, chủ Gallerry Huong Art Life tại TP.HCM, đã triển lãm tranh nhóm 2 lần cùng các nhà báo.
  6. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nga - phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, từng là phóng viên ảnh báo Sân Khấu TP.HCM và tạp chí Thế Giới Ảnh. Tại triển lãm, bà mang đến 7 bức tranh tĩnh vật, phụ nữ, phong cảnh.
  7. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - từng là phóng viên báo Lao Động, nguyên tổng biên tập tạp chí Nghề báo (Hội Nhà báo TP.HCM), mang đến triển lãm bộ tranh chân dung “Người tôi yêu mến”.
  8. Nhà báo Tiểu Tân - nhà báo trẻ nhất trong nhóm tác giả (sinh năm 1988), là phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng, đã tham gia 9 triển lãm do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức, 1 triển lãm Tranh Màu nước Quốc tế Mùa thu 2021. Tiểu Tân mang đến 20 tác phẩm, cả tranh lụa và màu nước, chủ đề phong cảnh, tĩnh vật, chân dung,...

HOÀNG NGUYỄN