Y học

Điều trị viêm xoang, bảo vệ mũi - ngõ vào hệ hô hấp

An Quý 18/06/2024 14:48

Bạn đang bị đau đầu đột ngột, đau mặt, sổ mũi và nghẹt mũi? Mặc dù đó có thể là bị cảm cúm, nhưng có thể bạn đang bị viêm xoang. Theo số liệu của Việt Nam, tỷ lệ viêm mũi xoang từ 2-5% dân số.

101 nguyên nhân gây viêm xoang

TS.BS Trần Trọng Uyên Minh, Trưởng Khoa khám Tai Mũi Họng - Bệnh viện Sante, cho biết, xoang mũi gồm 8 xoang, là hệ thống khoảng trống trong xương sọ, được chia đều ở hai má, hai bên sống mũi, trán. Bao gồm xoang hàm, xoang sàng, xoang trán và xoang bướm.

ts-bs-uyen-minh.jpg
TS.BS Trần Trọng Uyên Minh, Trưởng Khoa khám Tai Mũi Họng - Bệnh viện Sante

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm xoang. Tuy nhiên, một số tình trạng sức khỏe và các yếu tố nguy cơ cao có thể gây ra viêm xoang bao gồm: hệ thống miễn dịch suy yếu; tiền sử dị ứng; hút thuốc lá; nhiễm trùng răng…

Theo TS.BS Uyên Minh, đa số trường hợp viêm xoang thường đi ngay sau viêm mũi hay cảm lạnh.

“Nguyên tắc chung, bất kỳ trận cảm nào kéo dài hơn hai tuần đều dẫn đến viêm xoang. Thuốc kháng sinh thường được dùng khi bị viêm xoang bội nhiễm, khi cơn đau xoang khởi phát đột ngột kèm theo sốt. Viêm xoang cấp tính, ví dụ như nhiễm virus cúm, có thời gian tồn tại, kéo dài đến 4 - 6 tuần. Ngược lại, viêm xoang mạn tính xảy ra âm ỉ hơn, trong nhiều tuần và nhiều tháng, với tình trạng nghẹt mũi và các triệu chứng chung như mệt mỏi và ho,” TS.BS Uyên Minh cho biết.

Có hàng triệu vi khuẩn đi qua mũi của chúng ta và hầu hết chúng được xử lý qua hệ thống tự bảo vệ của cơ thể. Tuy nhiên, khi các xoang có sự thoát dịch kém do lớp niêm mạc mũi bị phù nề, sưng quá mức vì lý do nào đó gây tắc nghẽn các lỗ thông xoang.

Dần dần các khí sát khuẩn trong xoang như NO bị hấp thu hết, trong khi dịch tiết ứ đọng lâu ngày sẽ bội nhiễm, trở thành môi trường nuôi cấy lý tưởng đối với các vi khuẩn hay các mầm bệnh khác, dẫn đến viêm xoang trở nặng. Tình trạng sưng tấy này có thể được kích hoạt bởi dị ứng.

Một nguyên nhân khác gây viêm xoang có thể là do nấm xoang. Triệu chứng thường sẽ có nước mũi đặc kèm máu, và có thể xảy ra ở một bên mũi.

Ngoài ra, hệ thống xoang cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số thay đổi trong giải phẫu mũi; ví dụ, vách ngăn (vách ngăn ở giữa mũi) bị vẹo lệch sang một bên do chấn thương hoặc do bẩm sinh.

Một nguyên nhân khác gây viêm xoang là polyp mũi - đây là những khối u lành tính thường là kết quả của một phản ứng dị ứng. Nhiễm trùng khiến polyp sưng thêm và ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

so-mui.png
Theo TS.BS Trần Trọng Uyên Minh, Trưởng Khoa khám Tai Mũi Họng - Bệnh viện Sante, đa số trường hợp viêm xoang thường đi ngay sau viêm mũi hay cảm lạnh.

Một nguyên nhân khác là polyp mũi - đây là những khối u lành tính thường là kết quả của một phản ứng dị ứng. Nhiễm trùng khiến polyp sưng thêm và ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

“Đôi khi một chiếc răng mọc lạc chỗ, dị vật lạc vào xoang do chấn thương hay tai nạn giao thông cũng có thể dẫn đến viêm xoang, gây ê buốt hoặc các cơn đau ở răng hàm trên. Những cơn đau này có thể khiến người bệnh nhằm với đau răng và đi chữa răng,” TS.BS Uyên Minh khuyến cáo.

Hơn thế nữa, nhức đầu là một triệu chứng thường gặp của bệnh xoang, nhưng nhiều bệnh nhân thường đi khám Nội thần kinh do nhầm lẫn giữa đau đầu do viêm xoang và chứng đau nửa đầu.

Người mắc viêm xoang mạn tính thường bị trầm cảm, lo âu

Theo TS.BS Uyên Minh, viêm mũi xoang mạn tính (chronic rhinosinusitis - CRS) là một trong những bệnh về mũi xoang phổ biến và mặc dù được điều trị một cách tối ưu, một số bệnh nhân mắc CRS vẫn có các triệu chứng dai dẳng, lặp đi lặp lại, khiến tình trạng viêm xoang trở nên khó kiểm soát.

Anh Nguyễn H. T. (40 tuổi, Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi bị viêm xoang hơn một năm nay, nặng đến nỗi tôi cảm giác có một khối trọng lượng đè lên mắt. Tôi cũng bị mờ mắt và nhìn đôi. Tôi đã phải uống nhiều nước trong ngày để giúp làm loãng dịch nhầy và xịt nước muối sinh lý tới 6 lần/ngày. Hiện nay, tôi dùng thuốc kháng sinh cũng như thuốc xịt mũi, nhưng hầu như không có tác dụng gì mấy.”

Hay chị Trần Thị T. N. (37 tuổi, Quận 1) nói rằng: “Tôi thường xuyên bị sụt sịt mũi mỗi khi thời tiết thay đổi hay hôm nào đi đường bị bụi. Nghẹt mũi khiến tôi không thở nổi, nhiều khi tôi rơi vào trầm cảm. Nhiều người nghĩ bệnh viêm xoang không phải là vấn đề lớn… cho đến khi chính bản thân cần phải kiểm soát bệnh hằng ngày.”

Theo TS.BS Trần Trọng Uyên Minh, Trưởng Khoa khám Tai Mũi Họng - Bệnh viện Sante, nghiên cứu cho thấy viêm xoang mạn tính NHÂN ĐÔI nguy cơ trầm cảm hoặc rối loạn lo âu của một người. Những người thường xuyên mắc các bệnh do nhiễm trùng mạn tính thường sẽ có sức khỏe tâm thần kém.

“Một nghiên cứu của Hàn Quốc được công bố trên tạp chí JAMA Otolaryngology - Head & Neck Surgery, cho thấy cứ 1 trên 10 người lớn trưởng thành sẽ mắc viêm mũi xoang mạn tính dẫn đến khó thở hoặc đau nhức, đặc biệt là vùng mặt. Theo đó, tỷ lệ trầm cảm tổng thể trong thời gian theo dõi 11 năm ở những người mắc bệnh CRS cao hơn 1,51 lần. Tỷ lệ lo lắng cao hơn 1,57 lần,” TS.BS Uyên Minh nói

Điều trị viêm xoang như thế nào?

“Công việc của hệ thống xoang là lọc, làm ấm và làm ẩm không khí mà chúng ta hít vào. Tất cả xoang đều kết nối với đường mũi – cửa ngõ của hệ hô hấp. Hệ thống xoang cũng hoạt động như một tuyến phòng thủ chống lại virus và vi khuẩn từ ngoài vào. Vì vậy, nếu viêm xoang mạn tính (Chronic rhinosinusitis - CRS) không được điều trị một cách phù hợp đều có thể khiến hệ thống hô hấp chịu ảnh hưởng, thậm chí còn có thể gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng,” BS Uyên Minh khuyến cáo.

TS.BS TRẦN TRỌNG UYÊN MINH

NGUYÊN PHÓ TRƯỞNG KHOA MŨI XOANG

BỆNH VIỆN TAI MŨI HỌNG TP. HCM.

VỚI HƠN 30 NĂM KINH NGHIỆM

VỀ CHUYÊN KHOA TAI MŨI HỌNG,

TS.BS TRẦN TRỌNG UYÊN MINH

ĐƯỢC XEM LÀ CHUYÊN GIA CAO CẤP VỀ

BỆNH LÝ VÀ PHẪU THUẬT NỘI SOI MŨI XOANG.

Hai triệu chứng chính của viêm mũi xoang mạn tính là chảy nước mũi và ho kéo dài. Viêm mũi xoang mạn tính nếu không được điều trị có thể sẽ gây ra nhiều biến chứng: mắt, tai giữa và hệ thống đường hô hấp dưới như khí quản, phế quản, phổi.

“Tôi năm nay 47 tuổi và bị viêm xoang đã lâu. Tôi thường bị đau đầu dữ dội, buộc phải nghỉ làm, thậm chí có lúc phải nằm trên giường và không ra khỏi nhà vài ngày. Ngoài thuốc kháng sinh và thuốc xịt mũi, tôi còn có cách nào điều trị viêm xoang không?” Chị Nguyễn Thị H. O. (Quận 10) hỏi.

tsbs-tran-trong-uyen-minh.jpg
Theo TS.BS Trần Trọng Uyên Minh, điều quan trọng, người bệnh viêm xoang phải được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thăm khám sớm để tìm ra nguyên nhân.

Theo TS.BS Trần Trọng Uyên Minh, điều quan trọng, người bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thăm khám sớm để tìm ra nguyên nhân. Bao gồm xét nghiệm kháng nguyên gây dị ứng, chụp CTscan để kiểm tra giải phẫu và đôi khi các xét nghiệm phức tạp khác bao gồm kiểm tra chức năng miễn dịch…

Theo TS.BS Uyên Minh, sau khi có kết quả cận lâm sàng và xác định nguyên nhân gây viêm xoang, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định điều trị nội khoa theo phác đồ, có thể kéo dài khoảng 2 - 3 tháng.

“Nếu không đáp ứng điều trị bằng thuốc, một số bệnh nhân có thể cần một cuộc phẫu thuật nội soi xoang giúp làm thông thoáng các lỗ thông ở các các xoang. Phẫu thuật nội soi hiện nay được xem là phương pháp điều trị hiệu quả và ít xâm lấn,” TS.BS Uyên Minh chia sẻ.

Một số trường hợp khác, BS Uyên Minh cho biết thêm, chỉ định phẫu thuật nội soi xoang có thể được chỉ định khi tình trạng tắc nghẽn xoang nặng; xuất hiện thoái hóa niêm mạc nghiêm trọng ở các xoang; polyp mũi có kích thước lớn; hoặc cuống mũi cong vẹo, tiếp cận vào vách ngăn mũi…

Phòng ngừa viêm xoang bằng cách nào?

Vì viêm xoang có thể phát triển sau khi bị viêm mũi do cảm cúm hoặc phản ứng dị ứng nên việc áp dụng lối sống lành mạnh giúp tăng cường sức khỏe và giảm tiếp xúc với vi trùng cũng như các chất gây dị ứng, nhất là một số loại hải sản, bò, trứng, có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm này.

kiem-tra-mui-hong.jpg
Nếu không đáp ứng điều trị bằng thuốc, một số bệnh nhân có thể cần một cuộc phẫu thuật nội soi xoang giúp làm thông thoáng các lỗ thông ở các các xoang.

Để giảm thiểu rủi ro, TS.BS Uyên Minh khuyến nghị, chúng ta nên đi tiêm phòng cúm hằng năm; rửa tay thường xuyên; rửa mũi hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với khói, hóa chất, phấn hoa và các chất gây dị ứng hoặc kích thích khác; dùng thuốc kháng histamine để điều trị dị ứng và cảm lạnh; tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm.

“Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết, nguyên nhân phần lớn của viêm xoang cấp tính là đến sau viêm mũi hoặc cảm cúm, do vậy chúng ta cần một chế độ dinh dưỡng đa dạng tăng cường như miễn dịch. Các loại rau và trái cây có màu sắc tươi sáng như quả mọng, kiwi, bí ngô, đu đủ, khoai lang và dứa đều giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất, bảo vệ chất nhầy trong mũi, giảm tình trạng viêm,” TS.BS Uyên Minh cho biết.

Ngoài ra, thực phẩm giàu omega-3 như một số loại cá, chẳng hạn như cá hồi, cá ngừ và cá mòi, chứa hàm lượng axit béo omega-3 cao. Omega-3 có thể làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể, giúp giảm bớt các triệu chứng dị ứng. Chúng ta cũng có thể hấp thu omega-3 từ các nguồn khác như các loại hạt.

Đặc biệt phải uống đủ nước có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng. Theo TS.BS Uyên Minh, khi bị mất nước, cơ thể có thể sẽ sản sinh ra histamine, nguyên nhân gây ra các triệu chứng dị ứng khó chịu. Nước uống có thể giúp thanh lọc cơ thể và giảm sản xuất histamine, giúp bạn giảm bớt chứng triệu chứng khó chịu của viêm mũi hoặc dị ứng.

Phân biệt viêm xoang, Covid-19, cảm lạnh hay dị ứng?

Cảm cúm, Covid-19, dị ứng và viêm xoang đều có những triệu chứng tương tự và có thể khó phân biệt.

Cảm cúm thường xuất hiện, tiến triển và từ từ biến mất kéo dài vài ngày đến một tuần. Dị ứng mũi gây hắt hơi, ngứa mũi và mắt, nghẹt mũi, chảy nước mũi và chảy nước mắt. Chúng thường không gây đau mặt như viêm xoang. Covid-19 có thể gây ra các triệu chứng khác như sốt và khó thở.

Tuy nhiên, cảm cúm, Covid-19 hoặc dị ứng đều có thể gây ra tình trạng viêm xoang.

An Quý