Hoa hậu Môi trường Thế giới Nguyễn Thanh Hà viết về sông Mê Kông
Ngày 5/6 được chọn là ngày Môi trường Thế Giới. Nhân dịp này, Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023 - Đại sứ Thiện chí Trẻ Liên Hiệp Quốc Nguyễn Thanh Hà đã gửi bài viết "Khi dòng Mê Kông gồng mình qua hạn hán" cho Tạp chí Khoa học phổ thông.
Miền Nam đang vào mùa nắng nóng. Khi liên tục đọc những thông tin về tình hình hạn mặn xâm nhập sâu, đe doạ những cánh đồng, ao cá, vườn cây ăn trái và gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, là người con của quê hương Bến Tre, tôi phần nào thấu hiểu sự cơ cực của người dân sống ở hạ nguồn sông Mê Kông vào mùa hạn hán.
Trong suốt nhiệm kỳ của một Hoa hậu Môi trường, tôi khá may mắn khi có cơ hội tham gia các chương trình, hoạt động vì môi trường ý nghĩa, đúng với sứ mệnh chiếc vương miện mà mình được trao. Trong đó, các hoạt động gắn liền với việc kêu gọi hành động bảo vệ nguồn nước, hạn chế rác thải gây ô nhiễm các dòng sông, kênh rạch cũng như việc giúp người dân sống ở các vùng hạn mặn có thể tiếp cận với nguồn nước ngọt, chuyển đổi nghề nghiệp thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu là những hoạt động mà tôi luôn dành nhiều tâm sức.
Kể từ khi đăng quang, tôi cũng có nhiều dịp trở về quê hương Bến Tre đồng hành cùng các cơ quan, cấp chính quyền địa phương tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Những lần trở về này bao giờ cũng cho tôi những cảm xúc đặc biệt.
Như bao cư dân ở lưu vực đồng bằng Sông Cửu Long, người dân Bến Tre bao đời sống nhờ sông. Sông Mê Kông mang phù sa từ thượng nguồn Tây Tạng, Trung Quốc, qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đến Việt Nam. Ở hạ nguồn, Mê Kông là nguồn sống dồi dào bồi đắp phù sa cho đất, giúp cây trái sinh sôi, cá tôm dồi dào. Sông Bến Tre với các nhánh chính: Mỹ Tho, Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai cũng được sinh từ sông mẹ Mê Kông. Người dân Bến Tre nói riêng và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, dù trực tiếp hay gián tiếp đều hưởng lợi và biết ơn những đặc ân mà dòng sông mang lại.
Đó là cội nguồn sự sống, nuôi đất, nuôi người, là đường thuỷ thông thương, nối liền Bến Tre với các tỉnh thành khác ở Nam Bộ, đặc biệt là nối với trung tâm kinh tế lớn thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng có một nghịch lý là vào mùa khô, nước rút, sông cạn, mặn ngập sâu khiến ruộng đồng vườn tược khô cháy, sông dường như cũng “bất lực” nhìn những phận người nương nhờ dòng chảy của mình giờ chật vật chống chọi với cái hạn khủng khiếp. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hạn mặn ngày càng trở nên ám ảnh hơn.
Cuối năm 2023, tôi có dịp tham dự chương trình tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Bến Tre trước dự báo hạn mặn xâm nhập sớm 2023 -2024. Thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, thông tin cho thấy, hàng loạt nhà máy nước ở Bến Tre đã nhiễm mặn, các huyện giáp biển nước mặn đã xâm nhập sâu, nhiều gia đình phải trữ nước ngọt từ sớm.
Ở vùng mà đa phần bà con sống nhờ nông nghiệp: trồng lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thuỷ sản thì hạn mặn là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Nhìn vườn cây mà người nông dân dày công chăm sóc trụi lá khô cằn, nhìn đồng lúa nứt nẻ trơ toàn rơm rạ, nhìn ao tôm cá vừa thả chưa kịp lớn phải thu vội do chết nhiều… mới thấu hết cái khó, cái nhọc nhằn của người dân. Rồi những bà, những cô, những chị, những em bé nhỏ…đời sống ngày thường vốn đã thiếu thốn nhiều bề, cũng phải tìm cách xoay kinh tế gia đình bằng đủ nghề làm thuê làm mướn…
Càng có cơ hội đến với con người, vùng đất lúc khó khăn ấy, tôi càng ấp ủ mong muốn được thực hiện nhiều dự án ý nghĩa cho quê nhà, giúp người dân đối phó với hạn mặn và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng. Trước mắt và lâu dài, phải giúp người dân làm chủ kiến thức, chủ động tìm kiếm các giải pháp, cơ hội nghề nghiệp mới, chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp khi các dòng sông tạm thời khiến cuộc sống người đồng bằng có phần khó khăn, khắc nghiệt.
Hiện nay, giữa những cuộc hạn hán nghiêm trọng, tôi hi vọng rằng các quốc gia thượng và hạ nguồn sông Mekong sẽ nhìn về dòng sông với góc độ cùng bảo tồn con sông, giữ gìn sự thông suốt của dòng chảy, chia sẻ sự sống còn của dòng nước ban tặng cho các quốc gia dọc theo dòng sông. Làm được điều đó, thì sự đa dạng sinh học cũng như an ninh nguồn nước mới có thể đảm bảo với hàng chục triệu người dân sống dọc theo con sông.