Khôi phục và đưa Lan kim tuyến, thảo dược quý trong Sách đỏ Việt Nam, ra thị trường
Hợp tác thành công giữa Viện Sinh học Nhiệt đới và Công ty Tân Khai đã lần đầu tiên đưa Lan kim tuyến - loại thảo dược quý hiếm được mệnh danh là “vua thảo dược” chính thức xuất hiện trên thị trường.
Theo đó, tại “Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu Quốc tế TP.HCM năm 2024” vừa diễn ra trên trục đường Lê Lợi (Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM), loại thảo được mệnh danh là “vua thảo dược” có tên trong Sách đỏ Việt Nam này chính là Lan kim tuyến (hay còn gọi là Lan gấm, cỏ nhung, cây kim cương, giải thùy tơ).
Thảo dược trong Sách đỏ Việt Nam từ năm 2007
Trong khu vực gian hàng TP.HCM tại lễ hội, gian hàng Tân Khai (TP.HCM) thu hút sự tò mò của khách tham quan khi giới thiệu loại thảo dược quý hiếm Lan kim tuyến ở dạng cây tươi và sản phẩm ngâm rượu. Lan kim tuyến cũng được đơn vị này đem ra làm món giò heo hầm Lan kim tuyến tại cuộc thi giao lưu quốc tế “món ngon có nguyên liệu từ sâm và hương liệu, dược liệu” tại lễ hội.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông, ông Ngô Văn Luận - Tổng Giám đốc Công ty Tân Khai xác nhận, thảo dược được đem ra trưng bày tại đây chính xác là Lan kim tuyến. Nói về lý do vì sao Lan Kim Tuyến (cây thảo dược rất quý, đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007 theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, xếp hạng EN A1a,c,d và bị cấm khai thác sử dụng mục đích thương mại) hiện diện tại lễ hội, ông Ngô Văn Luận cho biết, đơn vị đã phối hợp với Viện Sinh Học Nhiệt Đới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu thành công quy trình sản xuất sinh khối và được chuyển giao phát triển phục vụ cộng đồng.
“Chúng tôi đã hợp tác với Viện Sinh Học Nhiệt Đới triển khai và ứng dụng kết quả nghiên cứu ‘Quy trình sản xuất sinh khối cây Lan gấm (Anoectochilus Formosanus) sử dụng hợp chất hữu cơ bằng kỹ thuật bioreactor’ để phát triển đại trà (nhân giống, nuôi trồng trong môi trường nhà kính và tại các trang trại chuyên canh) nhằm phổ biến cây thảo dược quý này đến rộng rãi công chúng. Từ đó, giúp người tiêu dùng giảm gánh nặng về bệnh tật với chi phí thấp và chất lượng tương đương từ cây Lan kim tuyến này. Đồng thời, cây được nhân giống vô tính và nuôi trồng đại trà sẽ làm giảm sự khan hiếm, giảm giá thành, và từ đó cũng giảm việc săn lùng tận diệt cây Lan kim tuyến trong tự nhiên”, ông Luận nói.
Ông Luận cũng đưa ra Giấy chứng nhận “Đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước”, số đăng ký 2019-665 (chủ nhiệm nhiệm vụ là TS. Đỗ Đăng Giáp, Giám đốc Trung tâm triển khai ứng dụng, Viện Sinh Học Nhiệt Đới) được Trung tâm Thông tin và thống kê Khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp. Theo đó, nghiệm thu chính thức kết quả thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng quy trình sản xuất sinh khối cây lan gấm (Anoectochilus Formosanus) sử dụng hợp chất hữu cơ bằng kỹ thuật bioreactor”. Ông Luận cho biết thêm, Lan Kim tuyến chưa được đơn vị đưa ra bán đại trà bởi sản lượng nuôi trồng hiện chưa nhiều.
Theo các nghiên cứu, Lan kim tuyến (Anoectochilus sp.) là cây dược liệu rất quý và lâu năm, có nơi còn gọi là “vua thảo dược”, được phân bố rộng khắp vùng nhiệt đới từ Ấn Độ qua dãy Himalaya, Sri Lanka, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, quần đảo Nam Thái Bình Dương, Đông Nam Á cho đến quần đảo Hawaii. Tại Việt Nam, theo thống kê, hiện có khoảng 15 loài Lan Kim tuyến, trong đó thường gặp nhất, có giá trị dược liệu và giá trị thương mại cao nhất là họ Anoectochilus Roxburghii. Lan Kim tuyến phân bố rộng nhưng số lượng cá thể ngoài tự nhiên không nhiều do khả năng tái sinh chậm, đòi hỏi điều kiện sống khắt khe.
Nhiều nghiên cứu từ quốc tế và Việt Nam chỉ ra, Lan kim tuyến có các nhóm hoạt chất quan trọng, có khả năng kháng viêm, điều trị các bệnh về gan, bệnh ung thư, tăng cường sức đề kháng, điều trị các khối u ác tính (ung thư),… Vì vậy, cây Lan kim tuyến có giá trị kinh tế cao, bị khai thác quá mức, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Do đó, tại Nghị định số 32/2006/CP, Lan kim tuyến đã được đưa vào danh mục các loài nguy cấp thuộc nhóm IA, nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại và được xếp vào nhóm thực vật rừng đang nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Hiện công nghệ nuôi cấy Lan kim tuyến thành công đã giúp loại thảo dược quý hiếm này có mặt trên thị trường
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá 1kg Lan Kim tuyến tươi trên thị trường hiện lên đến 10 triệu đồng/kg và 100 triệu đồng cho 1 kg khô.
“Quốc bảo” sâm Ngọc Linh gây ấn tượng tại lễ hội
Tại “Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu Quốc tế TP.HCM năm 2024”, sâm Ngọc Linh được mệnh danh là “quốc bảo” của Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh với người dân TP.HCM và du khách. Điểm nhấn tại lễ hội là tái hiện không gian khu rừng nguyên sinh sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 thu nhỏ. Nơi đây có thảm cỏ thực vật, rừng núi, thác nước, suối và đặc biệt là những cây sâm Ngọc Linh từ 2-17 tuổi đầy sức sống. Nhiệt độ tại khu rừng sâm này là 12 độ để phù hợp nhất cho sâm Ngọc Linh sinh trưởng.
Khám phá khu rừng thu nhỏ này, nhiều người dân và du khách đã rất ấn tượng khi được tận mắt chứng kiến và tìm hiểu về loại sâm quý báu được mệnh danh là “quốc bảo” của Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số gian hàng của Việt Nam cũng gây ấn tượng với sản phẩm sâm Ngọc Linh. Tại gian hàng Sâm Ngọc Linh Tu-Mơ-Rông Kon Tum, bình Sâm Ngọc Linh cao nhất Việt Nam (chiều cao từ đế lên 2,4m, ngâm từ 10kg sâm Ngọc Linh) do tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận được đem ra trưng bày đã gây ấn tượng với người xem.
Đặc biệt, tại gian hàng Tân Khai, những bình rượu sâm Ngọc Linh tự nhiên có tuổi đời trên 30 năm, trong đó có bình rượu với củ sâm Ngọc Linh quý hiếm nặng 1,1 kg trị giá khoảng 1,3 tỷ đồng được cấp giấy chứng nhận của Viện Sinh Học Nhiệt Đới với hàm lượng saponin tổng số lên đến 17,44% đã khiến nhiều người xem phải trầm trồ.
Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông tại lễ hội, bên cạnh không gian trưng bày sản phẩm, nhiều gian hàng có bán các loại sâm Ngọc Linh với nhiều mức giá khác nhau tùy theo số năm tuổi, trong lượng, hình dáng,… và đặc biệt là sâm tự nhiên sẽ có giá cao hơn nhiều so với sâm nuôi trồng. Củ sâm Ngọc Linh tươi từ 10-15 năm được doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam giới thiệu có giá 150-200 triệu đồng/kg; củ sâm Ngọc Linh 14 năm tỉnh Kon Tum giới thiệu cũng có giá 180 triệu đồng/kg; củ sâm Ngọc Linh tự nhiên trên 30 năm với trọng lượng 0,8 kg được ngâm rượu tại gian hàng một doanh nghiệp TP.HCM giới thiệu với giá 1,5 tỷ đồng,…
Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu Quốc tế TP.HCM diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 24 đến hết ngày 26/5 tại trục đường Lê Lợi (Quận 1, TP.HCM). Sự kiện có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ với 14 đoàn lãnh đạo địa phương, bộ ngành quốc tế; 20 tỉnh thành của Việt Nam, 160 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, mô hình trải nghiệm sâm và hương liệu, dược liệu, 40 gian hàng trải nghiệm ẩm thực,…
Tại Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu Quốc tế TP.HCM lần đầu tiên tổ chức, bên cạnh trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng, tại không gian lễ hội còn diễn ra chuỗi chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, giao lưu ẩm thực với những món ngon từ sâm và hương liệu.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu Quốc tế TP.HCM năm 2024 sẽ là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của ngành sâm, hương liệu, dược liệu, tạo cơ hội cho Thành phố cùng các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, qua đó nâng cao giá trị, hình ảnh sâm của Việt Nam; đưa các sản phẩm sâm, hương liệu, dược liệu Việt Nam nói chung, “Quốc bảo Việt Nam” – Sâm Ngọc Linh nói riêng vươn tầm thế giới.