Khoa học

Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1 - năm 2024: Chip cảm biến, ứng dụng trong IoT đạt giải Nhất

Duy Thư 27/05/2024 - 14:30

Chip Analog Front-end nhiễu thấp tái cấu hình ứng dụng thu nhận tín hiệu từ cảm biến, ứng dụng iOT của sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG-HCM, đã thắng giải Thiết kế vi mạch TP.HCM lần thứ 1.

Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHPT) vừa phối hợp với Thành đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức vòng chung kết và trao giải cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1 - năm 2024 (ngày 18/5).

3-16.03.13.png
PGS Nguyễn Anh Thi phát biểu tại cuộc thi.

Ứng dụng trong các lĩnh vực đô thị thông minh

Kết quả chung cuộc, thí sinh Phạm Thế Hùng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG-HCM) đoạt giải Nhất cuộc thi với dự án “Thiết kế chip Analog Front-end nhiễu thấp tái cấu hình ứng dụng thu nhận tín hiệu từ cảm biến trên công nghệ CMOS 180nm”.

Giải Nhì được trao cho nhóm tác giả Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Nguyễn Hoàng Hải, Phan Minh Nhật, Trần Tuấn Kiệt (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) với dự án “Thiết kế phần cứng khử sương mù trong hình ảnh của camera thông minh”. Giải Ba được trao cho thí sinh Nguyễn Mai Minh Kha (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM) với dự án “Thiết kế mạch SAR ADC hiệu suất cao ứng dụng chuyển đổi số tín hiệu từ cảm biến cho hệ thống IoT”.

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 4 giải Khuyến khích, 6 giải Ấn tượng, 4 giải có poster đẹp nhất và 2 giải dự án được trình bày ấn tượng nhất cho các thí sinh và nhóm thí sinh đoạt thành tích tại cuộc thi.

Tổng giải thưởng cho các dự án đạt giải hơn 100 triệu đồng và có cơ hội tiếp tục tham gia chương trình ươm tạo vi mạch tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

anh-them.png
PGS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, trao giải cho các đội chiến thắng tại cuộc thi.

Theo Ban tổ chức, Hội thi thu hút 29 nhóm dự án tham gia tranh tài với các sản phẩm hướng đến 2 nhóm lĩnh vực chính gồm: Sản phẩm dự án hướng ứng dụng số và sản phẩm dự án theo hướng đề xuất một lõi vi mạch được tích hợp trong một ứng dụng lớn hơn.

Top 5 dự án thiết kế vi mạch tại vòng chung kết đều có ý tưởng chỉn chu, có tính mới, sáng tạo, được trình bày rất tốt thông qua các thiết kế poster, video demo, thể hiện sự am hiểu về kỹ thuật qua việc trả lời chất vấn của hội đồng chuyên môn.

Những dự án này tập trung vào thiết kế chip ứng dụng trong các lĩnh vực đô thị thông minh, có tính ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa cao như: nâng cao hiệu suất chuyển đổi số giữa các thiết bị thu thập dữ liệu cảm biến IoT; thiết kế chip tích hợp thuật toán nhận dạng vật thể trong điều kiện sương mù, xử lý dữ liệu giao thông; thiết kế hệ thống bảo mật mã hóa tăng cường tính bảo mật dữ liệu trong hệ thống IoT; y tế thông minh; xe tự lái với độ an toàn, định vị chính xác cao…

Đồng hành cùng cuộc thi, bà Sharon LiXu - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách dịch vụ tập trung, Techtronic Industries Việt Nam (TTI) chia sẻ, việc đóng góp cho sự phát triển xã hội luôn là một phần quan trọng trong chiến lược ESG (môi trường - xã hội - quản trị) của tập đoàn, đặc biệt trong việc tạo nên những sân chơi bổ ích để tuổi trẻ TP.HCM được tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ trong sáng tạo và đổi mới công nghệ.

“Sự hợp tác này nhấn mạnh cam kết và đóng góp của Techtronic Industries Việt Nam trên hành trình hướng đến mục tiêu phát triển đô thị thông minh, tăng trưởng bền vững của TP.HCM và Việt Nam”, bà Sharon LiXu nói thêm.

Giải pháp có tiềm năng ứng dụng cho cảm biến trong lĩnh vực IoT

Đoạt giải Nhất tại cuộc thi, thí sinh Phạm Thế Hùng cho biết, dự án là dạng mạch xử lý tín hiệu analog thu thập tín hiệu liên tục từ cảm biến, có khả năng xử lý nhiễu và khuếch đại tín hiệu giúp việc truyền dữ liệu tốt hơn. Chip khi hoàn thiện có thể ứng dụng trong việc thu nhận tín hiệu từ cảm biến môi trường, cảm biến đặt xung quanh ôtô, cảm biến trong nhà thông minh, robot...

Theo Thế Hùng, sản phẩm mới ở dạng thiết kế mô phỏng máy tính, nên cần thực hiện tiếp giai đoạn sản xuất để kiểm tra trên các cảm biến thực tế. Với công nghệ 180nm, sản phẩm sẽ bị hạn chế về mặt hiệu suất, tốc độ của chip nhưng nhờ vậy mà giảm được chi phí sản xuất. Đồng thời, tác giả sẽ tối ưu hóa để đạt hiệu suất tốt nhất với công nghệ 180nm này.

“Cuộc thi không chỉ là cơ hội tốt trong học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm mà còn khơi dậy niềm đam mê về hoạt động thiết kế vi mạch, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và công nghệ trong cộng đồng trí thức trẻ. Hy vọng, các dự án, sản phẩm từ cuộc thi sẽ có lối ra và được đầu tư mạnh mẽ để góp phần giải quyết những vấn đề được đặt ra trong bối cảnh Thành phố đang tập trung đầu tư phát triển và đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh”, sinh viên Phạm Thế Hùng chia sẻ.

anh-man-hinh-2024-05-21-luc-13.23.22.png
Hội đồng ban giám khảo nhận xét tại vòng chung kết cuộc thi.

ThS Trương Hữu Lý, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, giải pháp được hội đồng chuyên môn đánh giá cao vì tiềm năng ứng dụng cho các loại cảm biến trong lĩnh vực IoT. “Sản phẩm của sinh viên cơ bản hoàn thiện thiết kế nhưng để đi đến khâu sản xuất cần tối ưu hóa về tính năng và cần nguồn kinh phí khá lớn”, ThS Trương Hữu Lý nói.

Phó Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM Lê Quốc Cường (Trưởng Ban tổ chức cuộc thi), chia sẻ: Các dự án sau khi dự thi cần sự hỗ trợ của nhà trường, vườn ươm về cơ sở hạ tầng nghiên cứu, chuyên gia để sản phẩm tiếp tục phát triển. Những dự án đạt giải cao sẽ tiếp tục được Khu Công nghệ cao TP.HCM hỗ trợ ươm tạo, tiến tới phát triển và chuyển giao sản phẩm cho sản xuất.

Theo PGS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại TPHCM được định hướng trở thành nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố. Công nghệ này giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)…

“Thành phố sẽ phát triển trung tâm vi mạch bán dẫn trở thành trung tâm công nghệ đổi mới sáng tạo, không chỉ trong quốc gia mà còn phát triển ở khu vực và quốc tế”, PGS Nguyễn Anh Thi cho biết.

Duy Thư