Y học

Điều trị tăng tiết mồ hôi tay chân bằng y học cổ truyền

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 20/05/2024 - 13:18

Tăng tiết mồ hôi là bệnh thường gặp, tỷ lệ 3 - 5% dân số thế giới. Điều trị ra mồ hôi tay chân bằng y học cổ truyền vẫn được đánh giá cao bởi an toàn, hiệu quả, phù hợp nhiều lứa tuổi.

Bình thường, đổ mồ hôi được xem là hiện tượng sinh lý nhằm đào thải nhiệt dư thừa để duy trì cơ thể con người luôn ở 37oC, đảm bảo an toàn cho các cơ quan bên trong. Tăng tiết mồ hôi là tình trạng ra mồ hôi nhiều mà không liên quan đến nhiệt độ cao hay hoạt động thể dục. Mặc dù không đe dọa tính mạng nhưng căn bệnh này lại ảnh hưởng tới các công việc hằng ngày và khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp.

Tuy nhiên, nếu hiện tượng đổ mồ hôi quá nhiều, không liên quan đến các hoạt động lao động hoặc ở môi trường nhiệt độ cao. Theo y học hiện đại, đổ mồ hôi còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm như cường giáp, cường giao cảm, rối loạn lo âu, đái tháo đường, ung thư…

tang-tiet-mo-hoi-1.jpg
Bị đổ mồ hôi một cách bất thường, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám toàn diện, tìm hiểu căn nguyên và điều trị phối hợp nhằm mang lại kết quả tốt. Ảnh minh họa

Ngay từ thời xa xưa, y học cổ truyền cũng đã quan tâm đến vấn đề mồ hôi. Chính vì thế mà trong Tứ chẩn (bốn phương pháp khám bệnh của y học cổ truyền), phần vấn chẩn (hỏi bệnh) không thể thiếu hỏi về mồ hôi. Điều đó cho thấy ngay từ cách đây vài nghìn năm, ông cha ta đã biết vai trò của mồ hôi trong sinh lý và bệnh lý của con người.

Bệnh tăng tiết mồ hôi theo Y học hiện đại

Bệnh tăng tiết mồ hôi là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều kể cả trong những tình huống bình thường. Những vùng trên cơ thể thường tiết nhiều mồ hôi là nách, bàn tay và bàn chân. Đôi lúc, mồ hôi tiết ra nhiều đến mức người bệnh luôn có cảm giác ẩm ướt khó chịu vùng bàn tay hay nách, khó khăn trong giao tiếp (ngại bắt tay với người khác).

Đây là một chứng bệnh thường do di truyền. Đa số bắt đầu trong thời thơ ấu hay lứa tuổi vị thành niên, nam nữ đều có thể mắc bệnh kéo dài trong nhiều năm. Sau 25 tuổi, bệnh có thể được giảm một cách tự nhiên. Tay chân bị mồ hôi ẩm ướt kéo dài, sẽ dễ dàng bong tróc, nứt nẻ, viêm da, tổn thương mô do lạnh giá, mụn cóc hoặc nhiễm nấm ngoài da. Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh cũng như đáp ứng điều trị của từng cá nhân.

Nguyên nhân gây hội chứng tăng tiết mồ hôi theo y học hiện đại được chia thành 2 loại:

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát còn được gọi là chứng tăng tiết mồ hôi khu trú. Đây là tình trạng tự phát không có nguyên nhân thực thể. Trong nhóm này, người bệnh gặp tình trạng tiết ra quá nhiều mồ hôi do kích thích quá mức từ các dây thần kinh đến tuyến mồ hôi.

Theo đó, mồ hôi thường tiết nhiều ở tay, nách, mặt hay bàn chân. Tình trạng này thường phát sinh từ khi còn nhỏ và đôi khi có tính chất di truyền.

Tăng tiết mồ hôi thứ phát

Trong trường hợp này, người bệnh đổ quá nhiều mồ hôi do nguyên nhân bệnh lý hoặc thuốc như mang thai, đái tháo đường, cường giáp, mãn kinh, béo phì, Parkinson, bệnh lý nhiễm trùng, căng thẳng quá mức, lo lắng thái quá, ung thư,… hoặc thuốc như: thuốc chữa bệnh Alzheimer, chống trầm cảm, insulin và sulfonylureas, Pilocarpine (thuốc chữa bệnh tăng nhãn áp),…

Khác với tình trạng nguyên phát, tăng tiết mồ hôi thứ phát có xu hướng xảy ra trên toàn bộ hoặc một vùng cơ thể thay vì chỉ ở bàn tay, nách, mặt hoặc bàn chân. Đặc biệt, hội chứng này có nhiều khả năng khiến người bệnh tiết nhiều mồ hôi trong lúc ngủ.

Điều trị ra mồ hôi tay chân bằng Y học cổ truyền

Danh pháp y học cổ truyền gọi mồ hôi là “hãn”. Nguồn gốc của mồ hôi theo y học cổ truyền là do tác dụng của khí hóa chưng cất tân dịch thông qua dương khí theo huyền phủ (lỗ chân lông) bài xuất tiết dịch ra bên ngoài.

Sách Ôn bệnh điều biện của Ngô Cúc Thông đời nhà Thanh nói: “Mồ hôi, hợp với dương khí âm tinh trưng hóa mà bài tiết ra vậy”. Việc bài tiết mồ hôi lại dựa vào vệ khí có tác dụng đóng mở đối với tấu lý. Tấu lý mở, mồ hôi tiết ra; tấu lý đóng, không có mồ hôi.

Triệu chứng tăng tiết mồ hôi

- Tiết mồ hôi ở đối xứng hai bên cơ thể;

- Mồ hôi tiết nhiều đến mức gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày;

- Tần suất ít nhất 1 lần/tuần;

- Xuất hiện triệu chứng trước 25 tuổi;

- Có tiền sử gia đình (cha mẹ hoặc anh chị em ruột) mắc bệnh;

- Mồ hôi đổ nhiều vào ban ngày, ban đêm không đổ mồ hôi hoặc mồ hôi tiết không đáng kể.

Trên lâm sàng, chứng bệnh ra mồ hôi được chia làm hai loại là tự ra mồ hôi (tự hãn) và ra mồ hôi trộm (đạo hãn).

Tự hãn là chỉ thân thể bởi mệt nhọc, không ảnh hưởng bởi thời tiết quá nóng, mặc áo quá chật hoặc uống thuốc phát hãn mà cơ thể luôn ra mồ hôi, hơi động một chút thôi là mồ hôi ra đầm đìa. Đạo hãn là chỉ trường hợp lúc ngủ ra mồ hôi, tỉnh dậy hết mồ hôi.

Tự hãn

Thể bệnh của tự hãn có ba loại, tùy theo nguyên nhân bệnh: Doanh vệ bất hòa, dương minh nhiệt thịnh và khí hư bất cố.

Thể doanh vệ bất hòa

Bệnh nhân có biểu hiện phát sốt, đau đầu, ra mồ hôi, sợ gió, ngạt mũi, chảy nước mũi trong, đau mỏi khắp người, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoãn.

- Chẩn đoán bát cương: Biểu hư.

- Pháp điều trị: Phát hãn giải cơ, điều hòa doanh vệ.

- Phương thuốc: Quế chi thang: - Quế chi 12g; Sinh khương 4g. - Bạch thược 12g; Cam thảo 6g. - Đại táo 3 quả. Sắc uống ngày một thang.

Thể dương minh nhiệt thịnh

Biểu hiện sốt cao, người nóng, ra mồ hôi, khát nước, thích uống nước, sắc mặt đỏ, sợ nóng, phiền táo không an, chót lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch hồng đại.

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.

- Pháp điều trị: Thanh tiết lý nhiệt, sinh tân.

- Phương thuốc: Bạch hổ thang: - Thạch cao 40g; Cam thảo 6g. - Tri mẫu 12g; Gạo tẻ 20g. Cách dùng: Sắc thuốc đến khi nhừ gạo, bỏ bã uống thuốc lúc còn ấm, chia làm 3 lần.

Thể khí hư bất cố

Người bệnh ốm lâu ngày, người mệt mỏi, tự ra mồ hôi, dễ bị cảm, ngại nói, đoản hơi, sắc mặt trắng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược.

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư hàn.

- Pháp điều trị: Bổ khí cố biểu.

- Phương thuốc: Ngọc bình phong tán: - Hoàng kỳ 360g; Bạch truật 240g. - Phòng phong 80g. Các vị thuốc trên sấy khô, tán nhỏ dạng bột ngày uống 2 lần, mỗi lần 8-12g

xoa-bop-bam-huyet.jpg
Điều trị tăng tiết mồ hôi bằng Y học cổ truyền vẫn được đánh giá cao bởi sự an toàn, hiệu quả, bên cạnh đó còn phù hợp với nhiều lứa tuổi.

Đạo hãn

Thể bệnh của đạo hãn có hai loại, tùy theo nguyên nhân bệnh: Âm huyết bất túc, âm hư hỏa vượng.

Âm huyết bất túc

Ra mồ hôi trộm, hồi hộp, sắc mặt kém tươi, hoa mắt chóng mặt, hay quên, ngủ kém, chất lưỡi nhạt, mạch tế.

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư.

- Pháp điều trị: Bổ huyết, liễm hãn.

- Bài thuốc: Quy tỳ gia long cốt, mẫu lệ: - Bạch truật 12g; Hoàng kỳ 12g. - Đẳng sâm 6g; Phục thần 12g. - Mộc hương 6g; Chích thảo 4g. - Đương quy 4g; Viễn chí 4g. - Toan táo nhân 12g; Long cốt 12g. - Mẫu lệ 12g. Sắc uống ngày một thang, chia hai lần.

Âm hư hỏa vượng

Ra mồ hôi trộm, sốt về chiều, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng họng khô khát, thích uống nước mát, chất lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư nhiệt.

- Pháp điều trị: Tư âm giáng hỏa.

- Bài thuốc: Đương quy lục hoàng thang: - Đương quy 12g; Hoàng liên 8g. - Sinh địa 16g; Hoàng bá 8g. - Thục địa 16g; Hoàng kỳ 12g. - Hoàng cầm 8g. Sắc uống ngày một thang, chia hai lần.

Thuốc đông y dùng ngoài, giảm tăng tiết mồ hôi tay chân

Thuốc đông y dùng ngâm rửa bên ngoài có tác dụng trực tiếp ức chế tuyến mồ hôi tiết mồ hôi. Ngoài ra còn có tác dụng ngăn ngừa và điều trị một số bệnh kèm khác ở tay chân như bong tróc, nứt, herpes, mồ hôi, nấm da. Phương pháp này thích hợp cho tiến hành tại nhà, và được xem như là một phần của cách chăm sóc sắc đẹp hàng ngày.

- Hoàng kỳ 30g, cát căn 30g, kinh giới 10g, phòng phong 10g nấu sôi. Trước tiên là xông sau đó ngâm rửa. Thích hợp cho những người ra mồ hôi tay.

- Minh phàn (phèn chua) 30g, lục phàn (FeSO4 - 7H2O) 30g, trắc bá diệp 60g, nhi trà 30g nấu sôi. Dùng để rửa. Thích hợp cho trường hợp ra mồ hôi bàn tay, bàn chân và bị mọc mụn nước.

- Sinh hoàng kỳ 30g, cát căn 20g, phèn chua 15g nấu sôi. Trước hết là xông sau đó ngâm rửa. Thích hợp cho trường hợp ra nhiều mồ hôi tay chân khi làm việc căng thẳng.

- Lá chè 25g, muối 25g. Thích hợp để ngâm rửa trong trường hợp ra nhiều mồ hôi chân.

- Phèn chua 30g, khổ sâm 15g, đinh hương 10g, cát căn 15g, mã xỉ hiện 15g, xích thạch chi 30g, nấu sôi. Dùng ngâm chân trong trường hợp ra nhiều mồ hôi chân và có mùi hôi ở chân.

- Thương nhĩ tử 60g, khổ sâm 30g, xà sàng tử 30g, hoàng bá 30g, phèn chua 30g, sáp ong 15g, nấu sôi. Dùng để ngâm. Có tác dụng khử trùng, giảm tiết mồ hôi, chống ngứa, phòng ngừa nấm da.

- Địa phu tử 20g, thương nhĩ tử 60g, khổ sâm 30, bạch tiên bì 20g rêu, Hoàng bá 30g, nấu sôi. Ngâm rửa. Có tác dụng làm mềm da, chống ngứa, khử trùng.

Các bài thuốc nêu trên có thể được sử dụng để ngâm rửa hoặc xoa xát. Khi dùng để ngâm rửa, nhiệt độ chất lỏng nên được duy trì ở mức tốt nhất từ 50-600C, ngâm trong 20 phút. Trong khi đó nên cọ xát bàn tay hoặc chân qua lại, để loại bỏ da chết. Sau đó rửa sạch bằng nước trong, dùng khăn lau khô, rồi thoa kem dưỡng da hay kem chống nấm (nếu cần thiết).

Châm cứu điều trị tăng tiết mồ hôi chân

Châm cứu có thể điều trị hỗ trợ chứng tăng tiết mồ hôi tay chân. Nó có thể tăng cường sự ổn định thần kinh, điều tiết nội tiết, nhằm đạt được mục đích ức chế sự tiết mồ hôi.

Đông Y cho rằng tăng tiết mồ hôi lòng tay chân chủ yếu do bệnh lý ở tỳ vị hoặc can kinh uất nhiệt làm ảnh hưởng đến Tỳ, dẫn đến sự điều hòa tân dịch trong cơ thể bị rối loạn làm cho mồ hôi tăng tiết ở tứ chi.

Bấm huyệt để giảm tăng tiết mồ hôi

Tinh thần căng thẳng, cảm xúc thay đổi cũng là nguyên nhân thường gây đổ mồ hôi. Bệnh nhân càng lo lắng càng đổ mồ hôi nhiều đã tạo ra một vòng luẩn quẩn. Đông y gọi là tâm thần bất an, biểu hiện tâm hỏa động.

Xoa bóp các huyệt vị thích hợp trên các đường kinh tâm, tâm bào lạc, thận sẽ hỗ trợ bình ổn tinh thần và giảm bớt tình trạng tăng tiết mồ hôi.

Phương pháp phòng chống hôi chân

Ra nhiều mồ hôi chân cần có thói quen tự vệ sinh. Mang giày và tất thường xuyên làm cho môi trường không thông thoáng và ẩm ướt thúc đẩy vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Chúng phân hủy các chất tiết trong mồ hôi, sự tích tụ của da chết… tạo nên mùi hôi.

Do đó cần có thói quen vệ sinh đúng cách bàn chân, đặc biệt khi chân bị ra nhiều mồ hôi.

- Rửa sạch bàn chân và các ngón chân, sau đó dùng khăn mềm, sạch lau khô;

- Chọn giày và tất có chất lượng, đảm bảo thông thoáng khí, kích thước phù hợp;

- Đừng lúc nào cũng chỉ mang một đôi giày và tất, mà nên chuẩn bị sẵn giày và tất để thay thế nhiều lần trong mỗi ngày, để đảm bảo luôn luôn được mang giày khô;

- Nên để đôi chân của bạn được thông thoáng, thường xuyên cởi giày, và đi chân không lúc ở nhà;

- Xịt thuốc khử trùng, bột talc, dùng miếng thấm và khử mùi để lót giày…

- Tiệt trùng bằng cách sử dụng xà phòng để rửa chân;

- Trước khi đi ngủ mỗi ngày, ngâm chân trong nước nóng khoảng 15 phút;

- Thường xuyên làm sạch giày hoặc miếng lót, đảm bảo khô trước khi tái sử dụng;

- Nên điều trị sớm và tích cực bệnh nhiễm nấm ở chân và các bệnh lý khác của bàn chân.

Thực phẩm giúp giảm tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi tay chân nên ăn nhiều thức ăn có tác dụng thanh nhiệt, kiện tỳ như củ sen, măng, cải bắp, rau bina, rau muống, mướp đắng, dưa chuột, bầu, cà chua, dưa, cần tây, nấm trắng, đậu xanh, đậu váng, đậu phụ, hạt ý dĩ, sơn tra, chuối, hạt sen, sữa chua…, sẽ giúp loại bỏ nhiệt cho cơ thể. Uống nhiều nước sẽ giúp ổn định hệ thống thần kinh. Hạn chế ăn các thực phẩm kích thích tăng tiết mồ hôi.

Chứng bệnh đổ mồ hôi có rất nhiều nguyên nhân bệnh lý theo y học hiện đại và y học cổ truyền. Vì vậy, khi bị đổ mồ hôi một cách bất thường, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám toàn diện, tìm hiểu căn nguyên và điều trị phối hợp nhằm mang lại kết quả tốt.

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3