TP.HCM mạnh tay xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BHXH
UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2024.
Trong đó, UBND Thành phố chỉ đạo BHXH TP.HCM thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, kiên quyết xử phạt các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM được giao nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra về lao động, BHXH tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH để kịp thời chấn chỉnh và kiên quyết xử lý vi phạm.
Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết chế độ BHTN; tuyên truyền, vận động người lao động đề nghị hưởng BHTN tham gia BHXH tự nguyện.
Sở Y tế chịu trách nhiệm triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, phối hợp với BHXH TP.HCM trong việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, chủ trì và phối hợp với BHXH TP.HCM tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý. Cùng với đó, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT.
UBND TP Thủ Đức, các quận huyện rà soát tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ BHXH, BHYT trên địa bàn để xây dựng các mô hình, giải pháp, thực hiện linh hoạt. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện ngoài phần hỗ trợ của Trung ương từ nguồn ngân sách địa phương, từ các nguồn viện trợ, nguồn xã hội hóa, các quỹ từ thiện...
UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH lập hồ sơ đề nghị khởi tố đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Công an TP.HCM được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị thực hiện điều tra, khởi tố các đơn vị, cá nhân vi phạm về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo thống kê mới nhất của BHXH TP.HCM, số liệu chậm đóng tính đến hết ngày 31/3, cập nhật ủy nhiệm chi đến hết ngày 8/4 thì toàn thành phố có 20.039 đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên.
Trong đó, đứng đầu danh sách chậm đóng là Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (phường Võ Thị Sáu, quận 3) với số tiền chậm đóng là gần 38,1 tỷ đồng.
Đứng thứ 2 là Công ty CP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM) với số tiền chậm đóng là gần 37,7 tỷ đồng.
Đứng thứ 3 là 2 chi nhánh của công ty CP Anh ngữ Apax đóng trên địa bàn thành phố đang chậm đóng BHXH hơn 33 tỷ đồng.
Việc doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động như chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động... Điều này khiến người lao động ít tin tưởng vào chính sách BHXH, gây khó khăn cho việc phát triển quy mô của BHXH.