Y học

Bệnh lý động mạch vành có thể gây ra 100.000 ca tử vong/năm

An Quý 11/05/2024 - 18:19

Ghi nhận trong 5 năm qua, đối với tỷ lệ tử vong do bệnh lý động mạch vành, xơ vữa hẹp động mạch vành, Việt Nam thuộc vùng nguy cơ cao. Con số tử vong có thể gần 100.000 người/năm.

GS.TS.BS. Trương Quang Bình, Nguyên Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM), đã chia sẻ tại Hội nghị khoa học, chủ đề “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch năm 2024” - NTCC. NTCC do BV ĐHYD TPHCM tổ chức tại TP.HCM vào hai ngày 10 - 11/5/2024.

gs-ts-bs.-truong-quang-binh-phat-bieu-khai-mac-hoi-nghi-5-.jpg
GS.TS.BS. Trương Quang Bình phát biểu khai mạc hội nghị khoa học, chủ đề “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch năm 2024”

Ngoài ung thư, bệnh lý tim mạch vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó, bệnh tim thiếu máu cục bộ chiếm 16% và đột quỵ chiếm 11% số ca tử vong trên toàn cầu. Kể từ năm 2000, số ca tử vong do căn bệnh này gia tăng nhiều nhất, tăng hơn 2 triệu đến 8,9 triệu ca tử vong vào năm 2019.

Từ những thống kê nói trên, GS.TS.BS Trương Quang Bình nhấn mạnh, chúng ta phải tập trung vào vấn đề phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị tốt, hiệu quả.

“Việt Nam dù là một nước đang phát triển nhưng lối sống càng ngày càng hướng theo như một quốc gia phát triển. Vì vậy, chính lối sống này có thể là một trong những yếu tố nguy cơ lớn, quan trọng, gây ra những bệnh lý tim mạch và có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng,” GS.TS.BS Quang Bình nhìn nhận.

Bên cạnh đó, trước đây, những người mắc bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim thường gặp ở độ tuổi từ 60 trở lên, còn hiện nay, ở tuổi 50 thậm chí trẻ hơn ở độ tuổi 40, nhiều người đã bị nhồi máu cơ tim hay bị đột quỵ.

hoi-nghi-con-co-cac-phien-thuc-hanh-sieu-am-danh-dau-mo-co-tim-thu-hut-su-quan-tam-cua-nhieu-dai-bieu.jpg
Hội nghị còn có các phiên thực hành siêu âm đánh dấu mô cơ tim, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Trong phòng ngừa bệnh tim mạch có phòng ngừa bệnh tiên phát và phòng ngừa bệnh thứ phát. Phòng ngừa thứ phát là khi người bệnh đã bị biến cố rồi, ví dụ như nhồi máu cơ tim, nhập viện; được các bác sĩ điều trị và theo dõi phòng ngừa tái phát.

Còn phòng ngừa tiên phát là tác động vào các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý tim mạch, bệnh lý xơ vữa động mạch. Theo GS. Quang Bình, các yếu tố nguy cơ bao gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu, béo phì, hút thuốc lá…

Theo các chuyên gia, thừa cân - béo phì, tăng huyết áp, mỡ trong máu, đái tháo đường và cuối cùng là các bệnh tim mạch có thể là do hút thuốc lá; lạm dụng rượu, bia; ít vận động kèm theo chế độ ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, ít chất xơ, rối loạn bữa ăn...

Bên cạnh đó, áp lực công việc diễn ra trong thời gian dài có thể dẫn đến căng thẳng và gây ra các cơn co thắt tim ở nhóm người trẻ tuổi...

GS.TS.BS Bình nhấn mạnh thêm, hiện nay, các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tim mạch của Việt Nam đã ngang bằng với các nước trong khu vực với đầy đủ các loại thuốc điều trị, những phương tiện và kỹ thuật tiên tiến nhất. Người bệnh không cần ra nước ngoài điều trị, không phải chịu đựng các ca mổ lớn, giảm thiểu rủi ro và nhanh chóng bình phục.

nhieu-ky-thuat-moi-trong-dieu-tri-benh-tim-mach-da-duoc-cac-chuyen-gia-thuc-hien-truyen-hinh-truc-tiep-den-hoi-nghi-de-cac-dai-bieu-cung-trao-doi-kinh-nghiem.jpg
Nhiều kỹ thuật mới trong điều trị bệnh lý tim mạch đã được các chuyên gia thực hiện, truyền hình trực tiếp đến Hội nghị để các đại biểu cùng trao đổi kinh nghiệm.

NTCC, hội nghị khoa học thường niên về tim mạch của BV ĐHYD TP.HCM, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015. Đây là lần thứ 10, hội nghị được tổ chức, đánh dấu sự phát triển của một diễn đàn khoa học uy tín, một điểm hẹn thường niên dành cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước nhằm phát triển hơn nữa lĩnh vực tim mạch học của Việt Nam nói chung và của BV ĐHYD TP.HCM nói riêng.

“Thông qua mỗi kỳ hội nghị, nhiều kinh nghiệm từ chẩn đoán, điều trị và thực tế lâm sàng được chia sẻ, nhiều khuyến cáo và tài liệu hướng dẫn từ các hiệp hội, chuyên gia uy tín được đưa ra giúp việc thực hành của các bác sĩ ngày càng dễ dàng hơn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị, chăm sóc cho người bệnh tim mạch,” GS Trương Quang Bình nói.

Hội nghị với chủ đề “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch năm 2024” (NTCC) đa dạng với nhiều chuyên đề về suy tim, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, bệnh động mạch chủ, rối loạn nhịp tim, rối loạn lipid máu, tim mạch can thiệp, hồi sức tim, bệnh cơ tim, phục hồi chức năng tim mạch, phòng ngừa tiên phát bệnh tim mạch do xơ vữa, siêu âm tim trong thực hành lâm sàng, thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, gene và bệnh tim mạch…

Đặc biệt, nhiều kỹ thuật mới như thay van động mạch chủ, thay van động mạch phổi qua ống thông và các kỹ thuật can thiệp động mạch vành tiên tiến đã được các chuyên gia thực hiện, truyền hình trực tiếp đến Hội nghị.

Không chỉ tập trung điều trị cho người bệnh trong bệnh viện, các chương trình quản lý người bệnh về tới cộng đồng, đặc biệt người bệnh suy tim, cũng đã được đề cập nhằm chăm sóc toàn diện bệnh nhân tim mạch, duy trì hiệu quả điều trị cũng như phòng ngừa các biến cố nguy hiểm cho người bệnh.

An Quý