Giáo dục

Tinh thần vượt khó của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị với sinh viên hôm nay

Công Chương 05/05/2024 - 13:26

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”, ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ đã được đút kết thành nhiều bài học, trong đó có bài học lớn dành cho sinh viên hôm nay là tinh thần nỗ lực vượt khó.

Ngày 4/5, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM và Ban Giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại” tại HCMUTE.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Đoàn, Trưởng Phòng Khoa giáo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; PGS.TS Lê Hiếu Giang, Phó Bí thư Đảng ủy, Quyền Hiệu trưởng HCMUTE, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM...

hoi-thao-dbp-1.jpg
PGS.TS Lê Hiếu Giang - Quyền Hiệu trưởng HCMUTE phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Hiếu Giang - Quyền Hiệu trưởng HCMUTE cho rằng Hội thảo là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Hội thảo với chủ đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại" để khẳng định và làm sáng tỏ hơn nữa tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Hội thảo cũng góp phần khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, rút và phân tích những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ở những thời điểm khó khăn nhất, mang tính quyết định nhất, về phát huy sức mạnh của toàn dân tộc và khơi dậy sức dân để làm nên chiến thắng, về khoa học nghệ thuật quân sự... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh; giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa Ta và địch, trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng tháng Tám năm 1945; một nửa đất nước được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để đưa nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

"Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và của cộng đồng quốc tế đấu tranh vì độc lập, tự do; vì “bình đẳng, bác ái”, là sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại. 70 năm đã lùi xa, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, là nguồn cổ vũ lớn lao cho nhân dân cả nước..." - PGS.TS Lê Hiếu Giang phát biểu.

hoi-thao-dbp-2.jpg
Bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Theo bà Đặng Thùy Khánh Vân, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM, từ khi triển khai kế hoạch Hội thảo, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 119 bài viết của các nhà khoa học trên khắp cả nước gửi về. Sau khi biên tập, xin ý kiến nhận xét, phản biện của các nhà khoa học, ban biên soạn đã chọn lựa 64 bài viết tham gia hội thảo để đưa vào kỷ yếu hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại” được xuất bản theo giấy phép xuất bản của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM. Các bài viết đã tập trung vào ba chủ đề lớn như về chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có 30 bài viết thể hiện nhiều góc nhìn, nhận định, đánh giá toàn diện về các nhân tố, con người, thời gian, cách đánh, các quyết định lịch sử để tạo nên một Điện Biên Phủ là một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX; Về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, đã có 11 bài tham luận trình bày các vấn đề về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp; sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghệ thuật dùng binh và quyết định chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến thắng Điện Biên Phủ; khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của đường lối kháng chiến toàn dân, huy động được sức mạnh của toàn dân để chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh tổng lực của thực dân Pháp để giải phóng dân tộc; phân tích về nghệ thuật đánh công kiên “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” trong chiến dịch Điện Biên Phủ…; về những giá trị lịch sử, những vấn đề lý luận và thực tiễn, những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đã có 23 bài viết về chủ đề này.

hoi-thao-dbp-7(2).jpg
NCS.ThS. Đặng Văn Khoa (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) trình bày tham luận: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Đỉnh cao của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp”.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các tham luận: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Đỉnh cao của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp” của NCS.ThS. Đặng Văn Khoa (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM); “Đường lối chiến tranh nhân dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ và ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc Việt Nam hiện nay”của PGS.TS Hà Trọng Thà (Trường Đại học An ninh nhân dân); “Trung ương cục miền Nam lãnh đạo công tác binh vân góp phần thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954” của TS. Lê Quang Cần (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai); Liên Xô - Hoa Kỳ - Trung Quốc và Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương của ThS. Thái Văn Nam (Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM)...

hoi-thao-dbp-12.jpg
Sinh viên HCMUTE đặt câu hỏi về bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ đối với sinh viên hôm nay.

Phát biểu tại Hội thảo, các ý kiến tham luận đều tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ; tổng kết, phân tích những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ở những thời điểm khó khăn nhất, mang tính quyết định nhất khơi dậy và phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh nhân dân để làm nên chiến thắng; về khoa học, nghệ thuật quân sự; vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới; Qua đó khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng tiến công, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

hoi-thao-dbp-9.jpg
Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đánh giá cao hội thảo do nhà trường tổ chức. “Chỉ một hội thảo cấp trường nhưng thu hút được rất nhiều bài viết có giá trị nhiều tác giả từ nhiều đơn vị trên địa bàn TP và các tỉnh thành tham gia” - ông Hải chia sẻ.

Theo ông Hải, từ chiến thắng Điện Biên Phủ và tại hội thảo ông rút ra được 4 bài học lớn dành cho sinh viên về tinh thần nỗ lực vượt khó.

Đầu tiên là việc xác định được đúng phương hướng chiến lược tại trận Điện Biên Phủ. Việc xác định đúng phương hướng rất quan trọng, quyết định sự thành công của chiến dịch. Và các bạn sinh viên hôm nay cũng vậy cần xác định đúng phương hướng để phát triển bản thân.

Thứ hai là việc khắc phục được về nhận thức tư tưởng. Thời điểm diễn ra trận Điện Biên Phủ, việc quyết định kéo pháo ra là một quyết định rất khó khăn. Sau khi chiến dịch thành công thì mọi việc đã rõ ràng. Do đó, với các bạn sinh viên chúng ta hôm nay cũng phải khắc phục được về nhận thức tư tưởng, phải xác định tinh thần là cùng nhau làm.

Thứ ba là việc khắc phục được những khó khăn về phương tiện, thách thức. Việc vận chuyển pháo, vũ khí, lương thực vào trận Điện Biên Phủ thời điểm đó rất khó khăn; hay việc tận dụng các phương tiện vũ khí, cải thiện bữa ăn... thời điểm đó thể hiện sự nỗ lực vượt khó rất kinh khủng... Như vậy, so với điều kiện thời điểm lúc bấy giờ với bây giờ, các bạn sinh viên thấy mình có cần nêu cao tinh thần vượt khó nữa hay không? Thực tế là chúng ta luôn luôn có những khó khăn, thách thức khác đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực vượt qua. Ví dụ như chúng ta đang yên đang lành tự nhiên bị dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ hết, thì mình phải nỗ lực để vượt qua nó. Do đó, chúng ta phải luôn chuẩn bị tinh thần khắc phục những khó khăn trong thực tại.

Thứ tư là tinh thần khắc phục những khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày...

hoi-thao-dbp-3.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Công Chương