Đồng Nai: Gần 500 ca nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau ăn bánh mì
Tính đến 6h30 ngày 3/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai tiếp nhận 447 trường hợp nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì.
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai vừa thông tin, trong số 447 trường hợp nói trên, 321 trường hợp đang điều trị, 11 ca chuyển viện, 19 ca xuất viện và 96 người được cấp toa thuốc về nhà điều trị. Hiện, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đều ổn.
Do số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm gia tăng dẫn đến quá tải, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã mở thêm 1 đơn vị cấp cứu và điều trị ngộ độc với quy mô 70 giường bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai, tính đến 7h cùng ngày, đã tiếp nhận tổng cộng 22 bệnh nhân; trong đó 1 người đã xuất viện.
Còn Bệnh viện Nhi Đồng Nai, tính đến 8h cùng ngày, đã tiếp nhận 12 bệnh nhi. Trong đó, 2 ca nhập viện nguy kịch hiện sức khỏe đã chuyển biến tích cực.
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhận được thông tin của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai về việc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cơ sở bánh mì trên địa bàn phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, khiến gần 500 người nhập viện.
Cục An toàn Thực phẩm yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Cơ sở bánh mì nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn đã tạm thời bị đình chỉ để cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm, nếu có sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Đồng thời Cục yêu cầu cơ quan y tế địa phương tích cực điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.