Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi vừa ký Quyết định Thành lập Tổ Công tác xây dựng Đề án “xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao” (Tổ Công tác).
Theo đó, Tổ Công tác gồm 21 thành viên, trong đó Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng làm Tổ trưởng và ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, Tổ phó Thường trực.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ Công tác là nghiên cứu, góp ý dự thảo nội dung Đề cương Đề án “xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao” (gọi tắt là Đề án), làm cơ sở triển khai công tác nghiên cứu, xây dựng Đề án.
Làm việc với các Sở ban ngành, UBND Thành phố Thủ Đức, các quận - huyện và các đơn vị có liên quan trong quá trình nghiên cứu, thu thập dữ liệu, phân tích, đánh giá, tổng hợp, hoàn thiện Đề án.
Tổ Công tác chịu trách nhiệm tổng hợp, biên tập các nội dung về báo cáo, kết quả đánh giá của từng ngành trong cơ cấu GRDP Thành phố thuộc lĩnh vực phụ trách. Trong đó, tập trung phân tích hiện trạng và các nguồn lực phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn Thành phố; đánh giá lợi thế cạnh tranh, năng lực, tiềm năng phát triển của ngành, lĩnh vực; xác định nhu cầu trong từng giai đoạn; quan điểm, mục tiêu và kỳ vọng phát triển ngành, lĩnh vực nhằm định hướng phát triển Thành phố thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực; các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành.
Các thành viên Tổ công tác có trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu các ngành dịch vụ thuộc lĩnh vực phụ trách cũng như các Đề án phát triển các ngành dịch vụ đã và đang triển khai cho Sở Công Thương và đơn vị tư vấn để xây dựng Đề án. Chủ trì và tham dự các Hội thảo chuyên đề lấy ý kiến góp ý, xây dựng Đề án; đưa ra những vấn đề về lý luận và thực tiễn mới trong phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, Tổ công tác tổ chức xây dựng các Danh mục công việc, nhiệm vụ cần phải thực hiện của từng ngành thuộc lĩnh vực phụ trách sau khi Đề án xác định được cụ thể các ngành dịch vụ lớn cần phải tập trung đầu tư phát triển và chuẩn bị các điều kiện kèm theo về quy hoạch, hạ tầng tạo không gian phát triển cho các ngành, pháp lý, chính sách đầu tư… để kịp thời triển khai ngay khi Đề án được phê duyệt. Hoàn thiện Đề án, trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt.
Bên cạnh đó, UBND TP đề ra các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trọng tâm quý II năm 2024.
Theo đó, UBND TP tiếp tục tham mưu trình HĐND TP xây dựng Nghị quyết quy định mức thu lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) áp dụng dịch vụ công trực tuyến.
Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục các điểm nghẽn về cải cách TTHC của TP.
Tập trung cập nhật, công khai TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, đồng thời giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Tập trung rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; thực hiện rà soát, tái cấu trúc đơn giản hóa quy trình nội bộ giải quyết TTHC đối với 100% TTHC có phát sinh hồ sơ. Cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân trong giải quyết TTHC, giảm thành phần hồ sơ.
Công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP, Cổng thông tin điện tử TP.
Đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Phối hợp tổ chức Đoàn Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch công tác cải cách TTHC với Đoàn kiểm tra cải cách hành chính của các sở, ban ngành TP và địa phương.
Tập trung các giải pháp đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, hoàn thành chỉ tiêu cấp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 và duy trì thực hiện Kế hoạch số 1878/KH-BCĐ ngày 20/4/2023 của Ban Chỉ đạo Đề án 06 Thành phố về thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp căn cước công dân đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP; rà soát, thống kê và cập nhật thông tin công dân vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ sắp xếp theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
Đẩy mạnh số hóa, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Đồng thời, chủ trì rà soát, đánh giá tổng thể cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin theo quy định. Tăng cường triển khai thực hiện những giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo tính mật, an toàn, tuyệt đối, thông tin của công dân, tránh để xảy ra lộ, lọt, thất thoát thông tin làm ảnh hưởng chung đến cả hệ thống dữ liệu dân cư.
Thu thập thông tin người lao động để cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội; quan tâm, chăm lo, hỗ trợ các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế, hộ nghèo.
Nhân rộng mô hình “Thi trực tuyến tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chíp” và mô hình “Hệ thống quản lý trường học; xác thực thông tin giáo viên và học sinh; cho phép giáo viên đăng nhập bằng tài khoản VNeID (SSO); quản lý điểm, lịch học…” nhằm hoàn thiện và phát huy các tính năng của “Học bạ điện tử".