Bệnh viện FV: Cấp cứu nam sinh 17 tuổi bị thủng cổ sau khi ngã xe đạp
Bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ sau cú ngã, nam sinh K. (17 tuổi, người Mỹ, sống tại TP.HCM), được đưa vào Bệnh viện FV trong tình trạng mất nhiều máu và rối loạn tri giác. Bệnh viện khẩn cấp huy động 4 chuyên khoa để kịp thời cứu sống nạn nhân
Ngày 15/4, các bác sĩ của Bệnh viện FV vừa thông tin một trường hợp tai nạn hi hữu và được xử lý thành công, đã xuất viện. Đó là trường hợp của nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ) trong lúc đang đạp xe đến trường vào một buổi sáng, thì bất ngờ bị mất lái ngã ra vệ đường do tránh chướng ngại vật.
Cú ngã đã khiến tay lái xe đâm vào cổ cậu, gây một vết thương sâu. Máu từ vết thương ồ ạt chảy, khiến K khó thở và choáng váng. Cậu vội dùng tay bịt vết thương, loạng choạng chạy bộ về nhà.
Nhìn thấy con trai xuất hiện ở cửa nhà với bộ dạng máu me bê bết, bố của K vội vàng đưa cậu đến bệnh viện gần nhà để cấp cứu.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của ca tai nạn, các bác sĩ tại cơ sở y tế nói trên nhanh chóng sơ cứu, đặt nội khí quản cho bệnh nhân, rồi chuyển đến Bệnh viện FV.
Khi nhận được điện thoại từ đơn vị y tế sơ cứu ban đầu, Bệnh viện FV ngay lập tức kích hoạt báo động đỏ, huy động lực lượng từ nhiều chuyên khoa tập trung khẩn cấp để sẵn sàng ứng cứu bệnh nhân.
Bác sĩ Hạ Thị Hạnh, khoa Cấp cứu - Bệnh viện FV nhớ lại: "Khi bệnh nhân được chuyển đến, cậu giãy giụa, vật vã, lơ mơ, huyết áp 46/20 mmHg - biểu hiện của sốc mất máu. Cổ được băng ép cầm máu tạm thời từ tuyến trước, nhưng máu lại tiếp tục trào ra mũi và họng”.
Chứng kiến cảnh con trai bị rối loạn tri giác và giãy giụa không ngừng, người nhà của bệnh nhân lo sợ con không qua khỏi.
K. lập tức được truyền dịch, truyền máu, tiêm thuốc vận mạch, chụp CTscan và song song đó các bác sĩ chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật ngay lập tức.
Hội đồng y khoa FV đã hội chẩn khẩn và thống nhất êkíp phẫu thuật cho bệnh nhân gồm các bác sĩ từ khoa Ngoại tổng quát, khoa Phẫu thuật Mạch máu, khoa Tai mũi họng, khoa Nội Tiêu hóa và khoa Gây mê Hồi sức. Trong đó, BS Phan Văn Thái, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, là người phẫu thuật chính cho bệnh nhân.
Vết thương của bệnh nhân rất nguy hiểm, đi từ mặt trước cổ với vết lóc da rộng, xuyên sâu đến mặt trước cột sống cổ, đồng thời xuyên ngang vùng bó mạch cảnh, nơi tập trung nhiều mạch máu và dây thần kinh quan trọng.
Vết thương gây rách thủng vùng hạ hầu - thực quản một đoạn dài khoảng 4cm. Máu từ vết thương, tràn qua vết rách vùng hầu - thực quản, một phần bị hít sặc vào phổi, phần khác bị nuốt xuống dạ dày đồng thời trào ra mũi họng.
Do mất một lượng máu lớn, nên trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền tới 1.500ml máu. Các thao tác phẫu thuật được thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng và chính xác, dưới sự hỗ trợ nội soi dẫn đường của các bác sĩ khoa Tai mũi họng và khoa Nội Tiêu hóa để tìm kiếm, đánh giá những vết thương vùng mũi, hầu, họng cũng như vùng hầu - thực quản.
“Nhờ nội soi hỗ trợ như vậy, ekip mổ không những nhìn nhận vết thương từ bên ngoài mà còn nhìn rõ vết thương từ mặt trong hầu- họng- thực quản, từ đó các phẫu thuật viên tránh bỏ sót tổn thương cũng như giúp việc khâu vết thương chuẩn xác hơn”, BS Phan Văn Thái giải thích về sự phối hợp trong quy trình phẫu thuật.
Sau ca phẫu thuật kéo dài hai tiếng đồng hồ, gia đình ông Knoop mừng rỡ khi được bác sĩ Thái thông báo vết thương của con trai họ đã được xử lý tốt, chức năng nuốt của bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật đảm bảo hoạt động bình thường và bệnh nhân được chuyển về phòng ICU để theo dõi. Bệnh nhân được xuất viện 1 tuần sau đó.