Kinh doanh

Doanh nghiệp lương thực thực phẩm cần đáp ứng các tiêu chí xanh

Hoàng Nguyễn 16/04/2024 - 19:51

Để cạnh tranh và phát triển, các doanh nghiệp lương thực - thực phẩm cần tập trung chú trọng vào việc sản xuất sản phẩm xanh và có nhãn hiệu xanh được công nhận bởi các tổ chức uy tín trong nước.

Ngày 16/4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu Tư TP.HCM (ITPC) công bố Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM 2024 (HCMC FOODEX 2024).

Tiêu chí xanh là xu thế tất yếu

Chia sẻ với báo chí, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, doanh nghiệp lương thực thực phẩm hiện đang gặp nhiều khó khăn. “Một số thị trường xuất khẩu lớn của ngành lương thực thực phẩm như EU đã đưa ra những cảnh báo sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này cần đáp ứng các tiêu chí xanh. Ngoài ra, những khó khăn về logistics khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp bị tăng lên nhiều, đồng thời giá của các loại nguyên liệu nhập khẩu cũng liên tục tăng trong khi doanh nghiệp không thể tăng giá đầu ra. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm phải chấp nhận sản xuất với mức lợi nhuận không cao, thậm chí là hòa vốn”, bà Chi cho biết.

ba-ly-kim-chi.jpg
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (bìa trái).

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua sự thay đổi trong cách thức quản trị để hướng tới phát triển bền vững và tích hợp tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) vào chiến lược kinh doanh. Một bộ phận các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm và đồ uống đang dần thực hiện các biện pháp phát triển bền vững, bao gồm việc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, quan tâm đến sự phát triển kinh tế ở địa phương, hỗ trợ cộng đồng và tập trung chú trọng vào việc sản xuất sản phẩm xanh và có nhãn hiệu xanh được công nhận bởi các tổ chức uy tín trong nước.

Do vậy, Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp Lương thực thực phẩm quảng bá sản phẩm, học hỏi các xu thế và tìm hiểu thị trường. Tiếp nối thành công của HCMC FOODEX 2023, năm nay sự kiện được tổ chức với khẩu hiệu “Kết nối giá trị cùng phát triển” từ ngày 15 – 18/ 5 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (Quận 7, TP.HCM).

tong-quan-3.jpg
Quang cảnh buổi họp báo công bố Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM 2024 (HCMC FOODEX 2024).

Sự kiện dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong nước và quốc tế, với khoảng 500 gian hàng được trưng bày.

Tại Triển lãm, các doanh nghiệp tham dự sẽ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm dạng thô/sơ chế (nông sản, thủy hải sản, gia vị…); nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm được chế biến sâu; nhóm sản phẩm đồ uống; nhóm nguyên phụ liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm; nhóm máy móc thiết bị sản xuất, đóng gói, bảo quản; nhóm sản phẩm tự nhiên – xanh – bền vững và các nhóm ngành liên quan.

Tận dụng tiềm năng xuất khẩu vào các thị trường lớn

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC đánh giá, ngành lương thực thực phẩm là một trong những ngành kinh tế chủ lực, không chỉ đảm bảo an ninh thực phẩm, nâng cao giá trị của nông phẩm mà còn tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng, có ý nghĩa lớn trong thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

ong-tran-phu-lu-giam-doc-trung-tam-itpc-2.jpg
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC phát biểu tại họp báo.

Ông Trần Phú Lữ cho biết, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản nhờ vào sự đa dạng và chất lượng cao của các mặt hàng như cà phê, lúa gạo, hạt điều,... Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng hỗ trợ việc giảm thuế và tăng cường xuất khẩu. Công nghệ số phát triển giúp mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tối ưu hóa chuỗi giá trị nông sản thông qua các nền tảng trực tuyến và kết nối quốc tế.

Ngoài ra, việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp, nhà thu gom hàng nông sản, nhà sản xuất, chế biến và phân phối, các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics, sẽ giúp đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và an toàn, với mức giá cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

hcmc-foodex-2023-2-.jpg
Sản phẩm lương thực, thực phẩm được trưng bày tại HCMC FOODEX 2023.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 3/2024 đạt 4,85 tỷ USD (tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái). Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái nên kim ngạch xuất khẩu tăng gần 22%, đạt 13,53 tỷ USD. Đây là kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành lương thực thực phẩm trong những tháng đầu năm 2024 đã cho thấy cơ hội lớn để bứt phá trong năm 2024.

Riêng với TP.HCM, ngành lương thực, thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP, chiếm 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp từ 14 - 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành lương thực, thực phẩm không chỉ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Để ngành chế biến lương thực thực phẩm tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, UBND TP.HCM đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030. Đây được xem là một trong những chương trình đột phá để thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Hoàng Nguyễn