Y học

20 tuổi mắc bệnh trĩ vì thói quen ngồi lâu trước màn hình máy tính

An Quý 07/04/2024 - 19:08

Sau thời gian dài táo bón, tiêu ra máu, một thanh niên (20 tuổi, ngụ ở Quận 10) đến bệnh viện khám. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc bệnh trĩ, tình trạng khá hiếm gặp ở độ tuổi này.

PGS.TS.BS Dương Văn Hải, Trưởng đơn vị Hậu môn trực tràng, Bệnh viện Bình Dân cho biết, qua khám bệnh cho thấy, bệnh nhân thường ngồi hàng giờ bên máy tính, lười uống nước, ít vận động do mê chơi game. Gần đây, búi trĩ sa ra ngoài gây chảy máu tươi rất nhiều, phải thường xuyên dùng tay đẩy trở lại, ảnh hưởng học hành, sinh hoạt.

Ngồi lâu, ít uống nước, lười vận động: Nguy cơ mắc bệnh trĩ

Theo PGS.TS.BS Dương Văn Hải, bệnh trĩ ở người trẻ trước đây khá ít gặp, nay tăng dần, không hiếm những ca ở tuổi 20. Trĩ không quá nguy hiểm, song nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng sẽ gây nhiều biến chứng nặng nề như nhiễm trùng, thiếu máu, tắc mạch, hoại tử khối trĩ...

pgs.ts.bs-hai-tu-van-cho-mot-benh-nhan-tre-tai-don-vi-hau-mon-truc-trang-benh-vien-binh-dan.jpg
PGS.TS.BS Dương Văn Hải tư vấn cho người bệnh tại đơn vị Hậu môn Trực tràng, Bệnh viện Bình Dân.

Ông cho biết thêm, trĩ là căn bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng, ảnh hướng đến chất lượng sống của người bệnh và là nguyên nhân hàng đầu gây chảy máu đường tiêu hóa dưới.

Tỷ lệ mắc bệnh trĩ ước tính khoảng 4,4% dân số toàn cầu, trong đó tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm trên 45 tuổi. Theo một nghiên cứu khác được thực hiện tại Bệnh viện Bình Dân, khoảng 40% người trên 50 tuổi có bệnh trĩ với dấu hiệu sa trĩ (độ 2 trở lên).

Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh trĩ là chảy máu ở vùng hậu môn. Đây cũng là triệu chứng khiến bệnh nhân sợ hãi và đi khám bệnh. Máu đỏ thường đi theo sau phân khi người bệnh đi đại tiện, không đau. Nếu không đi khám, sẽ dẫn tới chảy máu kéo dài gây thiếu máu cho người bệnh.

Thậm chí có trường hợp người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng thiếu máu nặng và phải truyền máu trước rồi mới tiến hành phẫu thuật trĩ. Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng bao gồm sa búi trĩ, ngứa hậu môn, đau hậu môn. Đây thường là lúc búi trĩ đã có nhiễm trùng.

“Với đa số trường hợp bệnh trĩ, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc trong khoảng 6-8 tuần, sau đó tái khám. Bác sĩ sẽ đánh giá tiếp tục điều trị thuốc hay phải điều trị phẫu thuật. Người bệnh có biến chứng đau, chảy máu, nhiễm trùng, thậm chí phải cấp cứu, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật” - BS Văn Hải nói.

Thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Bình Dân, khoảng 3/4 số người bệnh trĩ đến khám khi trĩ đã diễn biến nặng, búi trĩ sa ra không thu vào được, phải dùng tay đẩy vào hậu môn (độ 3) hoặc búi trĩ sa hẳn ra ngoài (độ 4), nhiều trường hợp có kèm nhiễm trùng. Điều này khiến cho điều trị phức tạp hơn và nhiều trường hợp không thể áp dụng các phương pháp điều trị ít xâm lấn.

Phương pháp nào điều trị bệnh trĩ?

Theo PGS.TS.BS Dương Văn Hải, đối với búi trĩ nhỏ như trĩ độ 2 có thể sử dụng các phương pháp ít xâm lấn như cột dây thun, đốt trĩ bằng năng lượng điện như điện lưỡng cực hay quang đông hồng ngoại hoặc các phương pháp như chích xơ.

“Chích xơ phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, hậu môn - trực tràng vì cần chích đúng búi trĩ, nếu chích quá nông sẽ làm loét, chích sâu quá sẽ gây chảy máu” - BS Hải giải thích thêm.

Đối với trĩ độ 3, thường bác sĩ phải can thiệp phẫu thuật. Phương pháp kinh điển nhất là phẫu thuật cắt trĩ. Nhược điểm của phương pháp này là sau mổ người bệnh đau nhiều, đau kéo dài khoảng 6-8 tuần, dễ chảy máu và hẹp hậu môn.

Phương pháp khâu treo trĩ (theo phương pháp Longo) ít biến chứng hơn nhưng vẫn có thể gây chảy máu nhiều và thậm chí hẹp hậu môn. Phẫu thuật Longo là phẫu thuật dùng máy cắt nối tự động cắt bỏ một khoang niêm mạc trực tràng trên đường lược khoảng 1 - 1,5cm nhằm cố định búi trĩ bị sa và giảm nguồn máu tới búi trĩ.

Tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) là phương pháp ít xâm lấn hiện đại nhất đang được áp dụng trong phẫu thuật trĩ. LHP là phương pháp xâm lấn tối thiểu dùng năng lượng laser đốt nhánh mạch máu tận bên trong búi trĩ, gây co búi trĩ, không tác động đến niêm mạc và mô xung quanh cấu trúc giải phẫu vùng hậu môn; nên không có biến chứng và không đau. Người bệnh trải nghiệm phẫu thuật nhẹ nhàng và có thể về nhà sau mổ 1 ngày, trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau 3 - 5 ngày.

Một nghiên cứu mới đây của Bệnh viện Bình Dân trên khoảng 1.000 bệnh nhân mổ trĩ, ghi nhận 60% dưới 50 tuổi, trong đó nhiều trường hợp ở độ tuổi 20 - 30. Gần đây, bệnh viện còn tiếp nhận trường hợp 16 tuổi mắc trĩ - điều trước đây rất hiếm thấy.

Theo PGS.TS.BS Dương Văn Hải, bệnh trĩ ở người trẻ thường do 6 nguyên nhân nổi bật: thừa cân béo phì (BMI từ 25 trở lên); béo bụng (vòng eo nam lớn hơn 90 cm, nữ lớn hơn 80cm); có thai; trầm cảm dẫn tới xu hướng rối loạn ăn uống, giảm hoạt động thể lực; lười vận động; ít uống nước.

“Bệnh trĩ vốn có sẵn yếu tố nguy cơ để phát triển trên một người từng bị trĩ như: cơ địa táo bón, chế độ ăn không hợp lý, ít vận động, dư cân béo phì, bệnh lý nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Để hạn chế tái phát trĩ, người bệnh cần thay đổi lối sống, điều trị các bệnh lý nền nêu trên...” - PGS.TS.BS Dương Văn Hải chia sẻ.

Một nghiên cứu thực hiện trên 830 người bệnh trĩ được phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân từ năm 2016 đến năm 2022 cho thấy, tuổi trung bình của người bệnh là 44 tuổi, trong đó, 398 người bệnh được thực hiện tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) và 432 người bệnh được thực hiện phẫu thuật Longo.

Kết quả ghi nhận cả hai phương pháp đều giúp giảm triệu chứng bệnh trĩ, mức độ đau hậu phẫu và chảy máu sau phẫu thuật không khác biệt giữa hai phương pháp.

Tuy nhiên, phương pháp tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) có tỉ lệ hẹp hậu môn và tái phát sau phẫu thuật thấp hơn so với phương pháp Longo. Ngoài ra, thời gian phẫu thuật và lượng máu mất trong phẫu thuật ở nhóm người bệnh được thực hiện tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) ít hơn so với phẫu thuật Longo.

An Quý