Giáo dục

Nhà giáo Trần Anh Tùng: 'Phổ nghề nghiệp rộng tỷ lệ cạnh tranh vị trí sẽ khốc liệt hơn'

Công Chương (ghi) 06/04/2024 - 12:11

Tốt nghiệp đại học, đi làm cho các công ty đa quốc gia, sau đó nhà giáo Trần Anh Tùng (Trưởng ngành Quản trị kinh doanh, thuộc khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) chọn con đường giảng dạy, truyền thụ kiến thức là lẽ sống cho chính mình.

ThS.NCS Trần Anh Tùng đã có những chia sẻ khá thú vị và bổ ích về việc chọn ngành, ngành Quản trị kinh doanh.

tung-1.jpg
Nhà giáo Trần Anh Tùng (Trưởng ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM).

Hành trình chọn nghề nghiệp

Việc lựa chọn ngành học đúng theo sở trường, sở thích hoặc phù hợp với xu hướng của thị trường đối với một học sinh THPT là một điều khá thách thức, dẫu cho có sự phát triển của công nghệ thông qua các nền tảng xã hội, hoặc sự định hướng liên tục đến từ các cơ sở giáo dục đại học, nhưng ở lứa tuổi này các bạn học sinh vẫn hẳn là đặt quá nhiều suy nghĩ đối với lựa chọn ngành học hoặc nghề nghiệp sau này.

Tôi còn nhớ khi bắt đầu lựa chọn ngành học, trong tay tôi chỉ có cuốn cẩm nang giới thiệu về các ngành và các trường, và với độ tuổi 17-18 tôi bị rớt vào một khoảng mơ hồ về ngành học và nghề nghiệp. Lúc đó kim chỉ nam của tôi chỉ là sự yêu thích kinh doanh buôn bán, nên tôi đã quyết định chọn ngành học Quản trị kinh doanh – chuyên ngành ngoại thương. Sự lựa chọn này một phần bắt nguồn từ nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ tốt, có khả năng giao tiếp bằng tiếng anh, có nghiệp vụ về phát triển thị trường nước ngoài và thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu.

Với lợi thế là một quốc gia có độ mở lớn về thương mại, rõ ràng ngành học của tôi đã cung cấp một nền tảng tốt để trở thành một nhà quản lý xuất nhập khẩu tốt. Và sau này trở thành giảng viên của ngành này, từ một học sinh mơ hồ về tương lai, tôi kiên trì theo đuổi sự yêu thích của mình và tới hiện tại tôi đã thành công với những kiến thức mà mình đã học.

tung-2.jpg
Nhà giáo Trần Anh Tùng (thứ 5 từ trái qua) cùng đồng nghiệp và sinh viên UEF

Vui buồn nghề nghiệp

Việc lựa chọn ngành học có tính cạnh tranh cao và phổ nghề nghiệp rộng sẽ khiến cho tỷ lệ cạnh tranh vị trí nghề nghiệp trở nên khốc liệt, điều này trái ngược hoàn toàn với những nghề nghiệp mang tính chất đặc thù như kỹ sư hoặc bác sĩ. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh khốc liệt như vậy khiến tôi phải không ngừng trau dồi thêm những kiến thức mang tính chất vượt lên những thứ yêu cầu của thị trường bình thường như học thêm về khoa học dữ liệu và lập trình thống kê.

Lập nghiệp và thành tựu

Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh – chuyên ngành ngoại thương, với vốn tiếng Anh được rèn luyện liên tục và những kỹ năng phân tích dữ liệu tốt, tôi đã thành công ứng tuyển vào chương trình quản trị viên tập sự của một công ty đa quốc gia lớn. Cùng với phổ kiến thức trải rộng từ marketing đến vận hành, tôi đã thử sức với nhiều vị trí khác nhau như giám sát mảng content marketing, huấn luyện nhân sự, và đã lên tới chức trưởng phòng nhân sự của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Sau đó tôi tiếp tục học tiếp MBA của Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM, và có công bố quốc tế ngay sau khi tốt nghiệp.

Năm 2017, tôi quyết định đem toàn bộ những kiến thức mình đã học và kinh nghiệm của mình trở lại bục giảng bằng việc trở thành giảng viên của chương trình AAS – Trường ĐH Cộng Đồng Houston Hoa Kỳ (Houston Community College), tại đây tôi được thỏa sức nghiên cứu và giảng dạy những môn về kinh tế, chiến lược, hành vi marketing, và khởi nghiệp. Năm 2020, tôi nhận được học bổng 100% về thạc sĩ chuyên ngành phân tích chính sách ĐH Fulbright, để tiếp tục bổ túc thêm cho hệ thống kiến thức về quản trị của mình. Đến cuối năm 2022, tôi đã có 2 bằng thạc sĩ về quản trị và quản lý công, hiện tại tôi đang là NCS Tiến sĩ của chương trình quản lý công Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM

Tôi đã có xuất bản đầu tiên của mình trên tập san Econometrics – Springer Charm về đề tài yếu tố vĩ mô tác động đến hành vi mua trên thị trường HOSE. Tính đến năm 2024, khi đang công tác tại vị trí Trưởng ngành Quản trị kinh doanh thuộc khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), tôi đã có tổng cộng là hơn 15 công bố quốc tế trong danh mục SCOPUS và 20 công bố trên các tạp chí uy tín trong nước. Ngoài ra tôi còn là chuyên gia tư vấn kinh tế trên các tờ báo lớn như báo thanh niên, báo người lao động về các vấn đề chính sách vĩ mô.

tung-1a.jpg
Nhà giáo Trần Anh Tùng tại một sự kiện.

Lưu ý khi chọn ngành Quản trị kinh doanh

Hiện có rất nhiều Trường ĐH đào tạo ngành Quản trị kinh doanh (QTKD) và mỗi trường có một đặc thù, thế mạnh riêng. Chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh tại UEF hiện tại đang đào tạo nền tảng về tư duy số liệu bằng các môn học như Thống kê trong kinh doanh, xác suất thống kê, phân tích hoạt động kinh doanh và Kinh tế lượng. Ngoài ra, còn có các môn ứng dụng thực hành phân tích thị trường như quản trị marketing hoặc phương pháp nghiên cứu.

Thêm vào đó, ngành QTKD hiện tại đang tích hợp các môn học về chuyển đổi số để nắm bắt xu hướng chuyển đổi số của thị trường. Các môn học về chuyển đổi số sẽ giúp sinh viên hiểu rõ về vai trò, tầm quan trọng và các xu hướng của chuyển đổi số trong các tổ chức kinh doanh hiện nay, Sinh viên sẽ nắm được các công nghệ, giải pháp và cách thức triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực như marketing, quản trị nhân sự, quản lý chuỗi cung ứng.

Sinh viên quản trị kinh doanh với những kiến thức về chuyển đổi số sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn so với những ứng viên khác khi tìm kiếm việc làm. Mặt khác, Với kiến thức về chuyển đổi số, sinh viên quản trị kinh doanh sẽ có những ý tưởng và cách tiếp cận mới trong việc khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ vào mô hình kinh doanh.

Tóm lại, việc học ngành Quản trị kinh doanh với các môn học về chuyển đổi số là một lợi thế lớn cho sinh viên. Nó giúp trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để thành công trong môi trường kinh doanh số hóa hiện đại.

Nhà giáo Trần Anh Tùng chia sẻ.

Công Chương (ghi)