Bác sĩ hướng dẫn xử trí khi trẻ sốc nhiệt mùa nắng nóng
Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là thời điểm thuận lợi bùng phát một số bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, ngộ độc thức ăn); say nóng, say nắng, sốc nhiệt…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng ở khu vực Nam Bộ vẫn còn kéo dài trong nhiều ngày tới. Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 370C.
BS.CKI Trương Thị Ngọc Phú - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến chăm sóc trẻ trong thời điểm này.
Thời tiết nắng nóng trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh lý nào?
Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là thời điểm thuận lợi bùng phát một số mặt bệnh về lây nhiễm qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, ngộ độc thức ăn); say nóng, say nắng (sốc nhiệt); các bệnh về da (rôm sảy, viêm da do nhiệt, viêm da dị ứng…). Trong các nhóm bệnh này sốc nhiệt và các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa có nguy cơ diễn tiến nặng, gây nguy hiểm cho trẻ.
Bé T.N.A. (sinh năm 2019, TP.HCM) đi khám bệnh do ho, sốt. Bé lại thường xuyên dùng nước đá, nên càng cảm thấy khó chịu vì cổ họng bị đau hoặc rát, đặc biệt là khi nuốt.
“Nước đá lạnh sẽ làm các mạch máu ở niêm mạc họng co lại càng khiến tình trạng khô họng tăng lên, là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, vi rút tấn công họng; gây ho nhiều hơn, các tổn thương viêm tấy càng khó hồi phục”, BS.CKI Ngọc Phú giải thích.
Một trường hợp khác đến khám là bé N.V.T. (sinh năm 2015, TP.HCM) vì rối loạn tiêu hóa. Theo lời kể của mẹ, trước đó, nhà xào mì, sau đó còn thừa một ít, để lại chiều ăn.
“Món mì để lại trên bếp mà không cất vào tủ lạnh vì nghĩ chiều còn ăn. Không ngờ, do trời nắng nóng, món mì bị ôi chua, nhưng gia đình không biết vẫn cho bé ăn. Sau đó bé bị nôn ói, tiêu chảy,” mẹ của T. cho biết.
Nên tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, đồng thời không đưa tay lên mắt, mũi, miệng… để giúp loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh từ chính đôi bàn tay của trẻ.
BS.CKI Ngọc Phú khuyến nghị: “Ăn uống hợp vệ sinh, chú ý vấn đề chế biến và bảo quản thức ăn, thức uống, chú ý thời gian cho phép khi lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ bên ngoài, nếu ăn đồ ăn ngoài hàng, quán… cần lựa chọn địa điểm đảm bảo an toàn thực phẩm để tránh ngộ độc thực phẩm cho trẻ”.
Bên cạnh đó, người lớn cần tạo môi trường sống trong lành, an toàn như luôn giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành như phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng, giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ… giúp hạn chế sự lây truyền của các bệnh truyền nhiễm.
Biện pháp xử trí sốc nhiệt cho trẻ
Bên cạnh đó, BS Ngọc Phú cho biết, trẻ đang hoạt động trong môi trường nóng có các biểu hiện sau đây, cần nghĩ đến sốc nhiệt: Sốt cao, da khô nóng, mạch nhanh, thở nhanh; nôn ói; lừ đừ, lơ mơ; đi đứng không vững; hôn mê hoặc co giật.
Sốc nhiệt là phản ứng tiêu cực của cơ thể khi tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao kéo dài gây mất nước, điện giải… Nếu diễn tiến nặng có thể khiến não và các cơ quan trong cơ thể tổn thương, thậm chí tử vong. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt.
“Khi đó, phụ huynh cần lập tức gọi trợ giúp y tế; sau đó di chuyển trẻ vào nơi mát, có bóng râm, cởi bỏ bớt quần áo; làm mát da bằng nước (tắm bồn, lau mát), quạt. Nếu trẻ tỉnh, cho trẻ uống nước lọc, nước có điện giải (nước khoáng, oresol), nước ép hoa quả nếu có; nếu trẻ không tỉnh táo, cẩn thận việc cho uống nước vì có nguy cơ sặc. Đối với trẻ bị sốc nhiệt không được dùng nước đá lạnh, thuốc hạ sốt”, BS Ngọc Phú hướng dẫn.
Trẻ vận động dưới thời tiết nắng nóng nên chú ý gì?
Theo BS Ngọc Phú, trẻ thường thích chạy nhảy, vận động nhiều, nên nếu hoạt động dưới nắng nóng trong thời gian kéo dài và không được bổ sung nước đầy đủ, dễ khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, dẫn đến mất nước, điện giải làm trẻ mệt mỏi, lừ đừ, dễ bị bệnh, thậm chí là sốc nhiệt.
“Nếu trẻ phải hoạt động ngoài trời nên hướng dẫn che chắn cho trẻ cẩn thận như đội mũ, áo dài tay, nơi hoạt động có mái che, bóng râm…; cần thiết phải sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên dành cho trẻ em. Với các trẻ có bệnh lý chàm, viêm da cơ địa cần bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên với lượng ít và mỏng trên da để tránh gây bít tắc các lỗ chân lông” - BS.CKI Ngọc Phú hướng dẫn.
Nếu được, nên tránh cho trẻ ra đường vào những thời điểm nhiệt độ môi trường tăng cao và tia cực tím hoạt động mạnh trong ngày (khung giờ từ 10h - 14h hằng ngày). Hạn chế cho trẻ chơi quá lâu dưới thời tiết nắng nóng dễ gây mất nước, suy kiệt và dễ nhiễm bệnh; thời gian hoạt động ngoài trời dưới 60 phút/ngày đối với trẻ em trong thời tiết nắng nóng.
Ngoài ra, phụ huynh nên cho trẻ đi chích ngừa đầy đủ, nhất là các bệnh lây nhiễm đã có vắc-xin phòng bệnh, để trẻ giảm khả năng mắc bệnh và bảo vệ trẻ qua mùa nắng nóng.
BS.CKI Trương Thị Ngọc Phú cảnh báo thêm, sau khi tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc do tình hình nắng nóng, trẻ ưa dùng các loại nước có đá hay thực phẩm lạnh (kem, nước ngọt, trà sữa,...). Các loại nước hay thực phẩm lạnh vừa kể trên có thể giúp trẻ cảm thấy được giải khát và ngon miệng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên dù thỏa mãn về cảm giác khát tức thời, trẻ không cảm thấy cần uống thêm nước, dẫn đến lượng nước thật sự cần để bổ sung cho trẻ bị thiếu hụt.
“Tăng cường lượng dịch uống cho trẻ bằng cách luôn tăng cường lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là nhưng loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi để nguội…; giúp cơ thể trẻ không bị mất nước do nhiệt độ cao và tăng cường sức đề kháng,” BS Ngọc Phú hướng dẫn.
Song song đó, phụ huynh cũng nên quan tâm đến vấn đề về da, dưỡng ẩm. Trong mùa nắng nóng nên cho trẻ mặc quần áo mỏng nhẹ, chọn vải thông thoáng như cotton; tránh vận động quá mức ra nhiều mồ hôi. Cần dùng các loại sữa tắm, dầu gội dịu nhẹ để bảo vệ da của trẻ.
BS.CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết: “Bệnh viện từng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp sốc nhiệt khi nắng nóng vào mùa. Điển hình như bệnh nhi nam Tr.T.Kh. (14 tuổi). Qua khai thác bệnh sử, khoảng 8h30 sáng cùng ngày nhập viện cấp cứu, trẻ tập chạy quanh sân bóng đá của trường được 10 vòng, mỗi vòng trung bình 400m, trong vòng 30 phút. Sau khi chạy xong trẻ than mệt, vã mồ hôi, vọp bẻ chân (chuột rút), nhức đầu, ngất xỉu không còn biết gì.
Bệnh nhi được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, thở yếu, sốt 410C… Tình trạng trẻ diễn tiến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tại đây, ghi nhận trẻ còn lơ mơ, tự thở qua nội khí quản, sốt 390C, mạch 126 lần/phút, huyết áp 110/80mmHg, da khô nóng. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc nhiệt trên nền vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng”.