Công nghệ năng lượng sạch giúp giảm mức tăng phát thải toàn cầu
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, công nghệ năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, gió, năng lượng hạt nhân, máy bơm nhiệt và ô tô điện) đã giúp giảm tăng phát thải giai đoạn 2019 - 2023.
Năm 2023, lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu đã tăng 410 triệu tấn - tương ứng mức tăng 1,1%; nhưng thấp hơn so với mức tăng 490 triệu tấn (tương đương 1,3%) vào năm 2022.
Không triển khai các công nghệ sạch, mức phát thải sẽ tăng gấp 3 lần
Báo cáo về phát thải CO2 năm 2023 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chỉ ra, lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 37,4 tỷ tấn. Lượng phát thải trong năm 2023 đã tăng 410 triệu tấn so với năm 2022, tương ứng mức tăng 1,1%. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với mức tăng 490 triệu tấn (1,3%) vào năm 2022.
Tỷ lệ tăng trưởng phát thải này cũng chậm hơn đáng kể so với mức tăng trưởng GDP toàn cầu khoảng 3% vào năm 2023.
Đáng nói, sản lượng thủy điện toàn cầu đã sụt giảm kỷ lục vào năm 2023 do hạn hán nghiêm trọng và kéo dài. Điều này dẫn đến lượng phát thải khoảng 170 triệu tấn CO2 từ các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch để thay thế. Nếu không có tác động này, lượng phát thải từ ngành điện toàn cầu sẽ giảm vào năm 2023.
Tại báo cáo, IEA đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các công nghệ năng lượng sạch đối với việc giảm phát thải. Từ năm 2019 đến năm 2023, tổng lượng phát thải liên quan đến năng lượng đã tăng khoảng 900 triệu tấn.
Nếu không triển khai ngày càng nhiều các công nghệ năng lượng sạch quan trọng (năng lượng mặt trời, gió, năng lượng hạt nhân, máy bơm nhiệt và ô tô điện) kể từ năm 2019, mức tăng trưởng phát thải sẽ lớn gấp 3 lần.
Lượng phát thải giảm tại các nền kinh tế tiên tiến
Theo báo cáo của IEA, sau khi giảm khoảng 4,5% vào năm 2023, lượng khí thải ở các nền kinh tế tiên tiến đã thấp hơn so với 50 năm trước - vào năm 1973.
Mặc dù lượng khí thải ở nhóm quốc gia này đã từng xuống mức tương tự vào các năm 2020, 1982 - 1983 và 1974 - 1975 nhưng điểm khác biệt là lượng phát thải ở các nước tiên tiến đã giảm về cơ cấu và GDP của các nền kinh tế tiên tiến đã tăng khoảng 1,7% vào năm 2023 - so với tình trạng trì trệ hoặc suy thoái hoàn toàn ở các thời kỳ trên.
IEA kết luận, 2023 thể hiện mức giảm phần trăm lớn nhất về lượng phát thải của các nền kinh tế tiên tiến ngoài thời kỳ suy thoái.
Tại các nền kinh tế tiên tiến, gần 2/3 mức giảm phát thải vào năm 2023 là ở lĩnh vực điện lực, nhờ sản lượng điện từ năng lượng tái tạo và hạt nhân đạt 50% (trong đó riêng năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng chưa từng có - 34%).
Ở Liên minh châu Âu, tổng lượng phát thải CO2 từ quá trình đốt năng lượng đã giảm gần 9% vào năm 2023 (tương ứng 220 triệu tấn). Động lực chính của sự suy giảm này là việc triển khai năng lượng tái tạo trong ngành điện, bên cạnh đó còn nhờ thời tiết ôn hòa và giảm lượng khí thải trong ngành công nghiệp.
Hoa Kỳ cũng đã giảm tổng lượng khí thải CO2 từ quá trình đốt năng lượng, ở mức 4,1% (tương ứng 190 triệu tấn), mặc dù nền kinh tế tăng trưởng 2,5%. 2/3 lượng giảm phát thải đến từ ngành điện, trong đó động lực lớn nhất là chuyển đổi từ than sang khí đốt.
Năm 2023, do điều kiện gió kém và sự suy giảm khoảng 6% (15 TWh) sản lượng thủy điện nên năng lượng tái tạo trong ngành điện ở quốc gia này giảm lượng phát thải khoảng 20 triệu tấn (so với mức giảm khoảng 40 triệu tấn nếu các điều kiện trên không xảy ra).
Theo ông Fatih Birol – Giám đốc điều hành IEA, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đã trải qua một loạt thử thách căng thẳng trong 5 năm qua, và nó đã chứng tỏ khả năng phục hồi của mình.
Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang tiếp tục diễn ra nhanh và góp phần hạn chế lượng khí thải - ngay cả khi nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng mạnh hơn vào năm 2023 so với năm 2022.
Theo ông Fatih Birol, điều quan trọng là “cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo điều kiện cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch”.