Sống xanh

Nấu ăn sạch - Giảm thải khí nhà kính, hướng tới Net Zero

Trang Nhung - Theo PTC/GE- 3/2024 27/03/2024 - 16:26

Mỗi chúng ta đều để lại “dấu chân carbon” (carbon footprint), tức khí nhà kính, trong sinh hoạt hằng ngày, bao gồm nấu ăn. Nấu ăn sạch là một trong những cách giúp giảm thải khí nhà kính, hướng tới trung hòa carbon hay Net Zero.

anh-chung.jpeg
Toàn cầu có khoảng 2,3 tỷ người đang đốt than, gỗ, phân động vật hoặc các nhiên liệu gây ô nhiễm để nấu thức ăn, gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, bình đẳng giới và môi trường (Nguồn: Green.earth).

Hệ lụy từ phá rừng để nấu ăn

Trên toàn cầu, khoảng 2,3 tỷ người đang đốt than, gỗ, phân động vật hoặc các nhiên liệu gây ô nhiễm khác để nấu thức ăn, gây ra những tác động nghiêm trọng tới sức khỏe, bình đẳng giới và môi trường.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ô nhiễm từ đốt nhiên liệu bẩn để nấu ăn đã góp phần gây ra 3,7 triệu ca tử vong sớm hằng năm, trong đó phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Quá trình nấu nướng trên bếp lửa - bao gồm việc thu thập nhiên liệu như củi và giữ lửa suốt cả ngày; dùng than củi để sưởi ấm khi trời lạnh đã ngăn cản phụ nữ và trẻ em gái, nhất là ở nhiều quốc gia chậm phát triển hay vùng sâu vùng xa, tiếp cận giáo dục, lao động kiếm tiền hoặc làm các công việc khác và dẫn đến mất quyền tự chủ về tài chính.

1-1-.jpg
Nấu ăn bằng củi còn là thủ phạm gây ra 3,7 triệu ca tử vong sớm hằng năm (Nguồn: Eastasiaforum)

Bên cạnh đó, nhu cầu về củi và than củi đồng nghĩa với việc phá rừng tăng nhanh, trung bình mỗi năm lượng rừng bị phá cho mục đích này rộng bằng diện tích của cả khu vực Ireland cộng lại.

Cũng theo IEA, đến năm 2030, mỗi năm sẽ có khoảng 2,5 triệu người chết vì ô nhiễm không khí. Đốt nhiên liệu rắn như gỗ và than sẽ thải ra carbon dioxide, carbon đen, metan và các loại khí tạo ra ozone như carbon monoxide.

Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hít phải khói thuốc từ bếp nấu truyền thống tương đương với việc hút hai bao thuốc lá mỗi ngày. Chỉ riêng ở Kenya, mỗi năm đã có khoảng 10,00 đến 20,000 người bị ô nhiễm. Hơn một nửa nạn nhân này là trẻ em.

Theo tổ chức tư vấn Năng lượng Bền vững cho Tất cả (SEforAll), thuộc Liên hiệp quốc, hai động lực quan trọng để các quốc gia biến các khuyến nghị của IEA thành hiện thực. Theo đó, “các giải pháp nấu ăn sạch cần được hiểu không chỉ là hoạt động từ thiện mà còn là một cơ hội kinh doanh.

Các chính phủ cũng cần phải giải quyết vấn đề này và phát triển các chiến lược nấu ăn sạch của riêng mình để cho phép những thứ như đầu tư từ khu vực tư nhân và nhập khẩu công nghệ”, SeforAll khuyến cáo.

Theo SeforAll, nấu ăn sạch cuối cùng đã được dư luận quan tâm vì nó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, cho toàn xã hội . Mùa xuân năm nay, IEA tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khai mạc về Nấu ăn sạch ở Châu Phi, được mô tả là “một bước ngoặt cho tiến bộ trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận nấu ăn sạch cho tất cả cộng đồng”.

Theo Liên hiệp quốc, khoảng 300 triệu người sẽ cần được tiếp cận các giải pháp nấu ăn sạch hơn mỗi năm để đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập vào năm 2030, với chi phí 8 tỷ USD hằng năm - chưa đến 1% số tiền các chính phủ đã chi để trợ cấp hóa đơn năng lượng trong thời kỳ năng lượng toàn cầu năm 2022.

Sự thay đổi này có thể được giải quyết nhờ cơ sở hạ tầng hiện có ở hầu hết các khu vực, mặc dù khu vực châu Phi cận Sahara cần mở rộng quy mô lớn các dịch vụ phân phối nhiên liệu và cơ sở hạ tầng khí hóa lỏng dùng cho sinh hoạt.

Sự cần thiết xây dựng thói quen nấu ăn sạch

Một tổ chức ở châu Phi đã thành công trong kinh doanh sinh lời, cung cấp bếp sạch, đó là doanh nghiệp KOKO có trụ sở tại Kenya. KOKO đã phát triển một bếp nấu ethanol sinh học nhỏ gọn cho thị trường Kenya.

Bếp này đốt cháy ethanol được sản xuất từ mía trồng trong nước. Nhiên liệu được cung cấp cho các hộ gia đình thông qua mạng lưới nhiên liệu của KOKO tại các khu dân cư thuộc 8 thành phố. Công ty hiện có khoảng 925.000 khách hàng ở Kenya và chuẩn bị tung ra sản phẩm của mình tại Rwanda.

Sự đổi mới của KOKO không phải ở bản thân chiếc bếp mà là ở mô hình kinh doanh, phát triển công nghệ sạch thực sự bằng cách tái sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có.

Ngoài bếp sạch KOKO, công ty khác, có tên DGB hiện đang đầu tư vào hai dự án bếp nấu khác nhau. Dự án Bếp nấu Sawa ở Cameroon và Dự án Bếp nấu tiết kiệm năng lượng Hongera ở Kenya.

Cả hai dự án sẽ sản xuất và phân phối bếp nấu tiết kiệm năng lượng, được sản xuất tại địa phương và bền vững cho các cá nhân và cộng đồng. Những bếp này sẽ giảm việc sử dụng than và củi hơn 50%. Như vậy, mỗi bếp nấu tiết kiệm năng lượng sẽ tiết kiệm được 2,85 tấn khí thải CO2 hằng năm so với nấu ăn bằng lửa lộ thiên thông thường.

2-1-.jpg
Đưa bếp nấu tiết kiệm năng lượng đến tay các gia đình có thu nhập thấp ở châu Phi (Nguồn: Preo.org/project)

Theo các chuyên gia của SeforAll, mặc dù có những câu chuyện thành công riêng lẻ về tầm quan trọng cũng như khả năng giải quyết của thách thức nấu ăn sạch, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng thách thức đó.

“Số liệu thống kê vẫn còn nhiều quốc gia chỉ có tỷ lệ tiếp cận nấu ăn sạch rất thấp, khoảng 5%. Chừng nào tỷ lệ nghèo vẫn cao thì mọi người sẽ vẫn tiếp tục tìm đến giải pháp rẻ nhất, nấu ăn truyền thống’, báo cáo của SeforAll cho hay.

Tận dụng nguồn tài chính carbon để nấu ăn sạch

Một cách quan trọng để giúp nấu ăn sạch có giá cả phải chăng là tận dụng nguồn tài chính carbon, sử dụng để trợ cấp chi phí cho các công nghệ nấu ăn mới. Mô hình kinh doanh của KOKO tạo ra tín chỉ carbon cho lượng carbon được tiết kiệm thông qua việc tránh nạn phá rừng.

Greg Murray, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành KOKO, cho biết, tính tự nguyện và thị trường tuân thủ rất quan trọng. Một ví dụ về thị trường tuân thủ mà KOKO đã bán tín dụng là chương trình mua bán khí thải của Hàn Quốc, chương trình mua bán phát thải hiện đang chấp nhận tín dụng carbon quốc tế theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

“Chúng tôi đang chuyển lợi nhuận carbon vào ví của khách hàng dưới hình thức hỗ trợ cấp cao cho chi phí ethanol sinh học mà họ mua. Điều này đã cho phép chúng tôi tăng cường chuyển đổi sang ethanol sinh học, với 10.000 ngôi nhà mới mỗi tuần sẽ sử dụng nền tảng của chúng tôi”, Greg Murray cho hay.

3-1-.jpg
Nấu ăn sạch giúp hạn chế nạn chặt khỏi rừng, giúp môi trường ngày càng trong sạch hơn (Nguồn: Worldanimalfoundation).

Tuy nhiên, tài chính carbon trong bối cảnh các giải pháp nấu ăn sạch không phải là không có rào cản và tranh cãi. Một nghiên cứu công bố vào tháng 1/2024 cho thấy, các dự án bù đắp lượng khí thải carbon từ bếp nấu ăn có thể đã phóng đại lợi ích khí hậu. Các doanh nghiệp trong ngành khẳng định nguồn tài chính carbon được áp dụng đúng cách vẫn là một công cụ quan trọng để triển khai các giải pháp nấu ăn sạch.

Người phát ngôn của Liên minh nấu ăn sạch (CCA), một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu và phối hợp hợp tác với Liên hiệp quốc, tiết lộ, báo cáo xu hướng mới nhất của CCA cho thấy hơn 20% trong số kỷ lục 100 triệu USD doanh thu của các công ty nấu ăn sạch vào năm 2022 đến từ tín dụng carbon.

“Bất chấp những xu hướng gia tăng này, nấu ăn sạch vẫn ít được quan tâm, nhận được ít hơn 1% nguồn lực cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Thị trường carbon là một công cụ thay đổi cuộc chơi tiềm năng để giúp lấp đầy khoảng trống này”, báo cáo của CCA thừa nhận.

Thay cho lời kết, khi đáng giá về mặt tích cực từ nấu ăn sạch, các chuyên gia SEforAll cho rằng, ngay cả khi kết quả chưa được như mong muốn, chúng ta vẫn có thể hy vọng ở mặt tích cực theo nghĩa thực tế.

“Thật tốt khi mọi thứ đang được nghiên cứu và sẽ có nhiều tiêu chuẩn thú vị ra đời để đảm bảo nguồn tài chính carbon được sử dụng theo cách hiệu quả nhất nhằm đưa nấu ăn sạch thành một trào lưu, giải pháp hữu ích cho tương lai. Vừa có lợi cho mọi người, mọi gia đình, lại giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, đồng thời tạo ra quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng trong tương lai,” SeforAll kết luận.

Trang Nhung - Theo PTC/GE- 3/2024