TP.HCM hỗ trợ DN ngành chế biến thực phẩm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
TP.HCM hỗ trợ DN sản xuất thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành chế biến lương thực thực phẩm TP đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) trong và ngoài nước.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực thực phẩm năm 2024.
Theo kế hoạch, TP.HCM phấn đấu có tối thiểu 50% doanh nghiệp (DN) ngành chế biến lương thực thực phẩm được tuyên truyền, phổ biến tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Đồng thời, tổ chức 3 - 5 khóa đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chế biến lương thực thực phẩm TP cũng như tổ chức 1 - 3 sự kiện xúc tiến thương mại hỗ trợ DN ngành chế biến lương thực thực phẩm. Phấn đấu tổ chức 1 - 3 chương trình, ngày hội việc làm ngành chế biến lương thực thực phẩm.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng TP.HCM năm 2024. Cụ thể, tiếp tục rà soát, bổ sung, công bố danh sách và tổ chức điều tra, khảo sát DN sản xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành chế biến lương thực thực phẩm trên địa bàn TP. Cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu sản phẩm và thị trường ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM.
Đặc biệt, TP.HCM hỗ trợ DN sản xuất thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành chế biến lương thực thực phẩm TP đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) trong và ngoài nước.
Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chế biến lương thực thực phẩm. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Triển khai các giải pháp hỗ trợ đầu tư. Hỗ trợ phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ. Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất.
Mặt khác, triển khai các giải pháp bảo vệ thị trường ngành chế biến lương thực thực phẩm. Trong đó, tổ chức tập huấn, tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Hướng dẫn, hỗ trợ DN ngành chế biến lương thực thực phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm đối với các hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành và triển khai đề án Xây dựng chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030. Cụ thể, hoàn thành Đề án “Xây dựng chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030”. Cập nhật, bổ sung nội dung Chiến lược vào Chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 và Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình.
Ngoài ra, đề xuất khu vực phát triển hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực thực phẩm. Trong đó, khảo sát, đề xuất địa điểm và xây dựng phương án kêu gọi đầu tư thực hiện hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực thực phẩm. Đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi và kêu gọi đầu tư thực hiện dự án.
Cùng với đó, tổ chức liên kết hình thành vùng nguyên liệu cho chuỗi sản xuất của ngành chế biến lương thực - thực phẩm.