Ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực cơ khí - tự động hóa
UBND TP vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí - tự động hóa TP.HCM năm 2024.
Kế hoạch nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí - tự động hóa của Thành phố. Kế hoạch giúp gia tăng đóng góp của các ngành công nghiệp trọng yếu vào GRDP của Thành phố.
Ngoài ra, kế hoạch cũng nhằm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các đề án, dự án trong Kế hoạch phát triển ngành làm cơ sở tham mưu, đề xuất UBND TP ban hành các chính sách ưu đãi phát triển ngành cơ khí - tự động hóa trên địa bàn Thành phố.
Theo kế hoạch, chương trình phấn đấu có tối thiểu 50% doanh nghiệp ngành cơ khí - tự động hóa được tuyên truyền, phổ biến tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Cùng đó, kế hoạch cũng dự kiến sẽ tổ chức 3 - 5 khóa đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cơ khí - tự động hóa Thành phố; tổ chức 1 - 3 sự kiện xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp ngành cơ khí - tự động hóa.
Kế hoạch đề ra các nội dung trọng tâm thực hiện: Hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành cơ khí - tự động hóa TP.HCM năm 2024 và các chính sách hỗ trợ phát triển; Phát triển nguồn nhân lực cho ngành cơ khí - tự động hóa; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; Triển khai các giải pháp về kích cầu đầu tư; Hỗ trợ phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ; Triển khai các giải pháp về truyền thông; Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất; Xây dựng Chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa TP.HCM đến năm2030, tầm nhìn đến năm 2050; Dự án đầu tư nâng cấp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ phục vụ đào tạo nguồn nhân lực giỏi nghề theo tiêu chuẩn quốc tế; Đề án “Chuỗi sản xuất sản phẩm, phụ tùng cho ngành chế tạo máy móc thiết bị tự động phục vụ cho các ngành công nghiệp - Chương trình Made by Viet Nam”; Dự án thành lập “Trung tâm nghiên cứu, phát triển và chế tạo khuôn mẫu kỹ thuật cao, độ chính xác cao”.
Để thực hiện kế hoạch trên, UBND TP yêu cầu các Sở - ban - ngành cùng các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các giải pháp, đề án, dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí - tự động hóa TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 có hiệu quả, đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngày 21/3, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã phát động, triển khai Chương trình khởi nghiệp xanh và Cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024.
Đối tượng tham gia cuộc thi gồm các cá nhân, tập thể là sinh viên, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước có ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ, dự án khởi nghiệp nhằm bảo tồn văn hóa, sản phẩm địa phương, góp phần phát triển và nâng cao giá trị từ tài nguyên bản địa; Các nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm và đổi mới mô hình kinh doanh nông sản trong các doanh nghiệp, các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Các lĩnh vực của cuộc thi gồm các dự án sản xuất, thương mại dịch vụ, kinh doanh về các lĩnh vực: Nông lâm ngư nghiệp; Công nghệ thực phẩm chế biến; Công nghệ sinh học; Du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; Mô hình sinh kế thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững; Mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội; Các lĩnh vực khác có tiềm năng góp phần vào việc bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa, đặc sản bản địa, thu nhập cho địa phương.
Cuộc thi gồm 3 vòng: xét chọn, bán kết và vòng chung kết tại TP.HCM; dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10/2024. Tổng giá trị giải thưởng chính là 760 triệu đồng, trong đó 210 triệu đồng tiền mặt.