Giáo dục

PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng: “Chọn đúng ngành học cả đời không ân hận”

Hoàng Tả Pháp (ghi) 22/03/2024 - 08:13

PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng – Trưởng khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã nhận Giải thưởng Bảo Sơn năm 2019 với công nghệ sấy thăng hoa. Tính đến nay, chương trình "Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam" do PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng và cộng sự triển khai ngót nghét 25 năm. Ông đã có những chia sẻ về việc chọn ngành chọn nghề của mình khá thú vị.

pgs.tan-dung-1.jpg
PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng – Trưởng khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Hành trình chọn ngành nghề

Chọn ngành học đại học phải dự đoán được xu thế tình hình phát triển của thời đại. Chọn đúng ngành nghề học đại học phù hợp với khả năng, phù hợp với sở thích, đam mê, phù hợp với xu thế phát triển của tương lai thì sau này lập nghiệp dễ dàng. Tuy nhiên, thực tế chẳng có ngành nghề nào thỏa mãn tất cả điều kiện trên, do đó khi chọn ngành học thì người học cần phải xác định thứ tự ưu tiên về sự phù hợp với khả năng, sự phù hợp với sở thích và đam mê, sự phù hợp với xu thế phát triển của tương lai để chọn ngành cho chính xác “Cuộc đời của mình là do mình, vì vậy cần phân tích kỹ lưỡng để chọn cho đúng”. Chọn đúng ngành nghề học đại học phù hợp, để khi học sẽ phát huy hết khả năng, sở thích và đam mê của mình, khi đó mới có kết quả tốt.

Tôi còn nhớ rất rõ vào năm 1992 tôi đã từng trải qua hơn 6 tháng phân tích đủ mọi khía cạnh để chọn ngành học đi thi sau này lập nghiệp, cuối cùng tôi chọn ngành Công nghệ chế biến thủy sản (công nghệ thực phẩm) Trường ĐH Thủy sản (nay là ĐH Nha Trang, Khánh Hòa, thời đó Đại học Thủy sản là đại học đầu ngành của cả nước, trực thuộc Bộ Thủy sản) và ngành cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Tôi chọn 2 ngành này, thứ nhất là vì nhu cầu thực phẩm ở bất kỳ thời đại nào cũng không thể thiếu được, hơn nữa nước ta giáp biển gần cả chiều dài đất nước, nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú, thứ hai là ngành cơ khí ở bất kì kỷ nguyên nào cũng cần. Nếu học hành thật nghiệm túc, đối xử thật tử tế với ngành và đam mê nhiệt huyết, yêu nghề mình đã chọn thì chắc chắn cuộc đời sẽ cho ta những kết quả bất ngờ. Và rồi tháng 9 năm 1992 tôi đã trúng tuyển cả hai ngành: ngành Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Á khoa ngành Công nghệ chế biến thủy sản (công nghệ thực phẩm) Trường ĐH Thủy sản, Khánh Hòa. Cuối cùng tôi đã chọn Công nghệ chế biến thủy sản (công nghệ thực phẩm) Trường ĐH Thủy sản, Khánh Hòa vì sở thích của mình.

pgs.tan-dung-2.jpg
Hệ thống sấy thăng DS-6 do nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Tấn Dũng chế tạo năm 2017 đã thương mại hóa.

Vui buồn khi chọn ngành học

Lúc đó cũng có rất nhiều người thắc mắc tại sao không học ngành Cơ khí mà đi học ngành Công nghệ chế biến thủy sản (công nghệ thực phẩm) và cho là mình điên rồ, khi đó tôi chỉ cười với cách chọn của mình. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ mình có lựa chọn đúng đắn vì mình rất hạnh phúc, hạnh phúc là khi tốt nghiệp ra trường được làm đúng ngành nghề đã chọn, đã được đào tạo từ bậc đại học, thạc sỹ, tiến sĩ và ngay cả học hàm phó giáo sư cũng đúng chuyên ngành Công nghệ thực phẩm, chuyên ngành hẹp “Máy và thiết bị trong công nghệ hóa học và thực phẩm”.

Hành trình lập nghiệp và những thành tựu

Sau khi tốt nghiệp đại học tôi trở về TP.HCM làm việc cho một công ty nước ngoài về lĩnh vực kỹ thuật điều hòa không khí và lạnh và lạnh đông sâu thực phẩm đúng chuyên ngành mình học (vừa công nghệ thực phẩm thủy sản, vừa máy và thiết bị trong chế biến và bảo quản thực phẩm). Do cuộc sống cơ cực từ nhỏ, cha mất sớm năm 1979 từ lúc học lớp 1, nhà thì đông anh em, xã hội ngày đó chính sách đóng cửa, đất nước nghèo đói trên toàn quốc và tôi quan niệm rằng “Càng cơ cực thì càng phải vươn lên”, nên khi đi làm tôi phải lăn lộn với nghề kỹ sư cho dù là rất cực để lĩnh hội tinh hoa những kiến thức thực tế, những kinh nghiệm của chuyên ngành mình học mà có những điều trong sách vở chưa từng viết với mong ước sau này làm ra những sản phẩm giúp ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Sau 4 năm trôi qua, tôi rời vị trí kỹ sư trưởng công trình quay về tham gia vào ngành giáo dục xin vào làm việc ở Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM để tiếp tục học tập, giảng dạy và nghiên cứu, lập ra kế hoạch cho bản thân để hiện thực hóa những điều mình mong ước. Thế rồi cuối năm 1999 đầu năm 2000, chương trình KHCN “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam” đã ra đời. Tôi đặt toàn bộ tầm nhìn và sứ mạng “Công nghệ sấy thăng hoa” của đất nước vào chương trình KHCN này. Ròng rã trong suốt 20 năm làm việc không biết mệt mỏi từ nghiên cứu thiết kế, chế tạo cho đến khâu hoàn thiện thiết bị công nghệ sấy thăng hoa. Cuối cùng, tôi đã cho ra đời 12 phiên bản từ DS-1 đến DS-12 chuyển giao cho các doanh nghiệp trên toàn quốc, cũng như xuất khẩu qua Lào và Campuchia.

pgs.tan-dung-3.jpg
Hệ thống sấy thăng DS-9 do nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Tấn Dũng chế tạo năm 2019 đã thương mại hóa.

Ngoài ra, tôi đã xuất bản 2 cuốn sách Kỹ thuật và Công nghệ sấy thăng hoa (01 tiếng Việt và 01 tiếng Anh tại NXB ĐHQG TP.HCM), đã tư vấn cho rất nhiều doanh nghiệp chế tạo thành công máy sấy thăng hoa, tạo điều kiện nhanh chóng triển khai công nghệ này cho đất nước, để hoàn thành sứ mạng đặt ra. Chính vì thế, chương trình KHCN “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam” được nhà nước ghi nhận và được trao tặng giải thưởng Bảo Sơn năm 2019 trị giá 50.000 USD.

Trong suốt hơn hơn 22 năm công tác trong ngành giáo dục: học tập, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tôi đã có gắng rất nhiều để thực hiện 8 đề tài KHCN cấp cơ sở, 2 đề tài cấp bộ, 01 dự án sản xuất thử nghiệm cấp thành phố, 2 chương trình KHCN cấp bộ, xuất bản 15 cuốn sách giáo trình và chuyên khảo chuyên ngành (trong đó 14 cuốn xuất bản ở NXB ĐHQG TPHCM và 01 xuất bản ở Đức), công bố 52 công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín (trong nước 12, quốc tế 40), 1 bằng sáng chế, 01 giải pháp hữu ích, 33 dự án chuyển giao cho doanh nghiệp (sấy thăng hoa, sấy chân không, sấy lạnh, sấy hồng ngoại, sấy đối lưu, sấy nướng đa năng, chiên chân không, lạnh đông sâu, cô đặc chân không, cô đặc lạnh, làm nguội chân không, các quy trình công nghệ...) và hàng chục dự án khác. Bên cạnh đó, tôi đã tham gia đào tạo ra đội ngũ nhà kỹ thuật, nhà khoa học (kỹ sư, thạc sỹ, tiến sĩ) chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Định hướng phát triển của bản thân

Sau khi hoàn thành sứ mạng chương trình KHCN “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam” tôi đã tự đặt ra cho nhóm nghiên cứu của mình một chương trình KHCN mới “Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến để chế biến và bảo quản lương thực, thực phẩm tại Việt Nam”, dự kiến thời gian thực hiện chương trình này bắt đầu từ năm 2024 và kết thúc vào năm 2037 (14 năm), kinh phí thực hiện từ các dự án hợp tác với doanh nghiệp.

Kinh nghiệm về chọn ngành, chọn nghề

Trong cuộc sống này chẳng có gì dễ dàng có được hạnh phúc, khi bạn chọn ngành dễ học thì sẽ có rất nhiều và rất nhiều người chọn như bạn, khi ra trường thì phải cạnh tranh khốc liệt về vị trí việc làm, trong khi đó nhu cầu thì ít nên tỉ lệ thất nghiệp, làm trái ngành rất cao, cuối cùng lại trách giáo dục đào tạo không chất lượng. Với các ngành kỹ thuật khi học trầy da tróc vảy, học lên bờ xuống ruộng nên tâm lý học sinh rất ngại chọn. Nếu ai đủ sức chọn các ngành khó, phù hợp với thời đại và ít người dám chọn để học, khi ra trường tỉ lệ cạnh tranh việc làm ít, sẽ làm việc đúng vị trí của một kỹ sư, có rất nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp về sau. Vậy chọn ngành học đúng để suốt đời không phải ân hận vì không lãng phí về tiền bạc và thời gian. Hiện nay khối ngành sức khỏe, dinh dưỡng, thực phẩm và các ngành kỹ thuật đang thịnh trong thời đại số đang phát triển như vũ bão.

Hoàng Tả Pháp (ghi)