Y học

Cấp cứu tai biến sản khoa nhau bong non; cứu sống cả mẹ lẫn con

An Quý 20/03/2024 - 13:41

Các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã điều trị tối khẩn cấp, cứu sống hai mẹ con một sản phụ bị tai biến sản khoa - nhau bong non thể nặng.

BS.CKII. Hồ Thị Mỹ Bình, trưởng ê kíp trực, cho biết, sản phụ L.T.T.H được chuyển viện cấp cứu từ Bệnh viện Nhà Bè đến Bệnh viện Hùng Vương với chẩn đoán “con lần 2, thai 38 tuần, chuyển dạ cơn gò cường tính”.

“Tuy nhiên, trong quá trình chuyển viện, nhân viên y tế thấy tình trạng sản phụ không ổn, mệt nhiều, xuất hiện cơn co giật, ra huyết âm đạo đỏ tươi nên đã quyết định cho xe cấp cứu vào ngay khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để xử trí. Ngay khi tiếp nhận, chúng tôi đã nhận diện đây là một trường hợp tai biến sản khoa rất nặng cần phải tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ,” BS Mỹ Bình cho biết.

cac-bac-si-benh-vien-nguyen-tri-phuong-da-thuc-hien-ca-mo-ngay-khi-san-phu-nhap-vien-duoc-9-phut.jpg
Các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã điều trị tối khẩn cấp, cứu sống hai mẹ con một sản phụ bị nhau bong non thể nặng

Người mẹ nhập viện trong tình trạng kém, mệt, da xanh niêm nhạt, huyết áp cao, có cơn sản giật ngoại viện, đau nhiều vì tử cung gò liên tục không có khoảng nghỉ, âm đạo ra huyết đỏ sậm rất nhiều. Trong khi đó, tình trạng con cũng vô cùng nguy cấp vì suy thai cấp; tim thai nghe rời rạc, nguồn máu nuôi bị ngắt quãng do nhau bong sớm.

Khi đó, các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã nhanh chóng giải thích tình trạng nguy kịch của sản phụ và thai nhi cho người nhà đồng thời phát tín hiệu tình huống khẩn cấp cần trợ giúp liên khoa, mổ lấy thai tối khẩn để cứu mẹ và bé trong tình huống rất bị động khi chưa có đầy đủ thông tin về hồ sơ cũng như xét nghiệm cần thiết như những ca phẫu thuật thông thường.

Ca phẫu thuật lấy thai được tiến hành khẩn trương, cấp bách. Nhờ sự phối hợp của các bác sĩ Khoa Sản, Cấp cứu, Gây mê - Hồi sức và Nhi, sau 9 phút từ lúc sản phụ nhập viện, một bé gái chào đời với cân nặng 2500kg.

bs-my-binh-va-em-be.jpg
BS.CKII. Hồ Thị Mỹ Bình cùng em bé

“Tuy nhiên hội chứng nhau bong non tác động làm bé giảm phản xạ, có dấu hiệu suy hô hấp nên cần được tiến hành cấp cứu sơ sinh. May mắn, sau một thời gian ngắn, ekip đã nhanh chóng hồi sức thành công cho em bé. Khoảnh khắc nghe tiếng khóc đầu tiên của bé cất lên, cả ekip thở phào nhẹ nhõm,” BS Mỹ Bình cho biết.

Về phần người mẹ, sản phụ mất rất nhiều máu (khoảng hơn 2000ml máu) chiếm khoảng 1/2 tổng lượng máu mẹ do bệnh lý nhau bong non gây ra. Các bác sĩ khoa Sản đã nhanh chóng phẫu thuật, lấy sạch máu cục, máu loãng và bánh nhau trong lòng tử cung, khâu phục hồi tử cung, cầm máu kỹ lưỡng do nguy cơ rối loạn đông máu diễn ra sau phẫu thuật; cố gắng bảo tồn tử cung cho thai phụ; sử dụng thuốc gò tối đa để làm giảm thiểu khả năng máu mất thêm và khôi phục chức năng cầm máu của tử cung.

Sau phẫu thuật, sản phụ phải truyền thêm 6 đơn vị hồng cầu lắng và 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh cũng như theo dõi liên tục 24/24 để điều trị tình trạng choáng mất máu gây ra.

Sau phẫu thuật 2 ngày, nhân viên y tế tại khoa Sản Bệnh viện Nguyễn Tri Phương lại được thấy một hình ảnh quen thuộc khi người mẹ vừa thoát cửa tử đã có thể ôm con gái nhỏ bé vào lòng để tập bú.

hai-me-con-san-phu-duoc-cac-bac-si-benh-vien-nguyen-tri-phuong-cuu-song-binh-an-du-me-gap-phai-tai-bien-nhau-bong-non-the-nang.jpg
Các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia vui cùng gia đình sản phụ sau ca phẫu thuật bắt con vì mẹ bị tai biến sản khoa - nhau bong non.

Qua trường hợp của chị L.T.T. H, BS.CKII. Hồ Thị Mỹ Bình, phẫu thuật viên chính của ca mổ, khuyến nghị tất cả các bà mẹ đã, đang và sắp có thai về tầm quan trọng của việc khám thai đầy đủ để có thể giảm thiểu những nguy cơ khi chuyển dạ sinh như: băng huyết sau sinh, sa dây rốn, nhau bong non, vỡ tử cung, sản giật, nhiễm trùng hậu sản, nguy cơ chu sinh của con (suy hô hấp, dị tật nặng, ngưng tim)...

Phòng ngừa tai biến sản khoa bằng cách nào?

Để phòng tránh các tai biến trong sản khoa, trong quá trình mang thai sản phụ cần thực hiện đầy đủ lịch khám thai định kỳ, ít nhất là 3 lần trong thai kỳ vào giai đoạn 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Đồng thời cần tiêm phòng uốn ván đầy đủ, bổ sung sắt, canxi…

Đặc biệt, phụ nữ trong giai đoạn mang thai phải có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng. Khi có một trong các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Tất cả các tai biến sản khoa đều nguy hiểm và tuyệt đối không thể xem thường, mẹ bầu cần nắm vững kiến thức về các tai biến này nhằm bảo vệ bản thân và giúp cho quá trình mang thai cũng như sinh con được an toàn.

- BS.CKII. Hồ Thị Mỹ Bình -

An Quý