Y học

Chăm sóc sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh - mãn kinh như thế nào?

BS.CKII. Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Khám Ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược, cơ sở 3 20/03/2024 - 13:40

Tiền mãn kinh - mãn kinh là giai đoạn thay đổi sinh lý gây khó chịu cho phụ nữ. Hiểu tiền mãn kinh - mãn kinh để chuẩn bị tâm lý và kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người phụ nữ.

Tiền mãn kinh - mãn kinh theo Y học cổ truyền (YHCT)

Theo thiên “Thượng Cổ Thiên Chân Luận”, YHCT cho rằng phụ nữ từ tuổi 42, tam dương suy, da mặt khô, tóc bạc, kinh nguyệt có thể rối loạn…; đến tuổi 49, mạch Xung Nhâm suy, tinh huyết suy, thiên quý sắp cạn… Ở khoảng tuổi này, phụ nữ hết sinh đẻ, chức năng tạng phủ suy dần mà chủ yếu là Can Thận hư suy, người phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.

huynh-tan-vu.jpg
Tất cả phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh - mãn kinh nên thăm khám định kỳ để tầm soát sức khỏe cho dù có gặp các triệu chứng khó chịu của tiền mãn kinh hay không. Ảnh: BS.CKII. Huỳnh Tấn Vũ thăm khám và tư vấn cho khách hàng.

Thận suy, tinh huyết suy gây nên âm dương mất cân bằng, ảnh hưởng đến hoạt động của các tạng phủ khác và là nguyên nhân chính của hội chứng tiền mãn kinh. Đây là quy luật tự nhiên sinh trưởng phát dục, sinh đẻ, suy lão của nữ.

Đa số phụ nữ vượt qua một cách thuận lợi nhưng một bộ phận phụ nữ do nhân tố thể chất, sản dục, bệnh tật, dinh dưỡng, hoàn cảnh xã hội, nhân tố tinh thần ảnh hưởng mà không thể điều tiết cái biến đổi sinh lý này, làm cho thất điều thận âm dương mà thành bệnh. Ngoài ra thận âm dương thất điều thường ảnh hưởng tới tâm can tỳ là chính.

Dấu hiệu tiền mãn kinh - mãn kinh là gì?

Tiền mãn kinh

Tăng hoạt động phân bào ở mô vú và nội mạc tử cung, có thể dẫn đến các tổn thương dị dưỡng hoặc tăng sinh nội mạc làm rối loạn kinh nguyệt, thậm chí tiến triển đến ung thư.

Ngoài ra, rối loạn kinh nguyệt có thể dưới dạng chu kỳ ngắn lại hoặc thưa ra, bị rong kinh, rong huyết hoặc cường kinh.

Nếu có rối loạn kinh nguyệt, sẽ rất khó phân biệt với một xuất huyết âm đạo bất thường do nguyên nhân thực thể, hoặc đau vú mà lại có khối u ở vú, cần có những thăm dò đặc biệt để loại trừ một nguyên nhân thực thể, nhất là nguyên nhân ác tính.

Hội chứng tiền kinh xuất hiện hoặc nặng thêm nếu đã có sẵn: tăng cân, chướng bụng, trằn bụng dưới, đau vú, rối loạn tâm tính như lo âu, căng thẳng, bất an...

Mãn kinh

Các rối loạn trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể kéo dài đến giai đoạn mãn kinh và kèm theo các triệu chứng sau: Rối loạn vận mạch gồm bốc hỏa và vã mồ hôi đêm.

Cơn bốc hỏa được định nghĩa là cơn phừng nóng thoáng qua và tái diễn ở mặt hoặc ngực và sau đó lan khắp cơ thể, kèm theo vã mồ hôi, cảm giác nóng toàn thân, hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác lo lắng và đôi khi kèm theo ớn lạnh sau đó.

Cơn bốc hỏa kéo dài từ 1 đến 5 phút, trung bình 3 đến 4 phút. Các cơn bốc hỏa thường hay xảy ra vào ban đêm hoặc trong khi có stress, triệu chứng này thường kéo dài 6 tháng đến vài năm, có thể 2 - 3 năm nhưng cũng có người lên đến 5 năm. Vã mồ hôi đêm là cơn bốc hỏa xảy ra vào ban đêm và thường can thiệp tiêu cực vào giấc ngủ.

Bên cạnh đó, người phụ nữ còn có những thay đổi tâm lý, rối loạn giấc ngủ và trí nhớ: mất ngủ, dễ cáu gắt, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt ở người có tiền sử tâm lý không ổn định trước mãn kinh. Rối loạn dạng trầm cảm chiếm khoảng 20% các phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh.

Bệnh lý thường gặp ở giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh

Khô âm đạo

Sau mãn kinh, khi nồng độ estrogen suy giảm, niêm mạc âm đạo mỏng, trở nên khô và nhợt nhạt. Âm đạo kém đàn hồi, có thể thu hẹp và ngắn lại. Những thay đổi này có thể gây ra những chấm xuất huyết, những vết loét và chảy máu khi có những va chạm nhẹ, cho phép bệnh sinh xâm nhập.

thu-gian.jpg
Xoa bóp bấm huyệt giúp an thần, giảm căng thẳng...

Ước tính có khoảng 45% phụ nữ sau mãn kinh có những triệu chứng của viêm teo âm đạo. Khô âm đạo là triệu chứng thường được ghi nhận nhiều nhất, theo sau là giao hợp đau và kích ứng.

Không như triệu chứng vận mạch do mãn kinh xảy ra tức thời, những thay đổi teo này phải vài năm mới biểu hiện. Tình trạng này bắt đầu khá sớm ở giai đoạn tiền mãn kinh, khoảng 10 - 20% bắt đầu có hiện tượng teo trong vòng 3 năm sau mãn kinh, 50% phụ nữ than phiền về triệu chứng của hệ niệu sinh dục, 10 - 20 năm sau mãn kinh, hầu hết phụ nữ có ít nhất một vấn đề do tình trạng teo liên quan đến thiếu hụt estrogen.

Có nên tự bổ sung nội tiết?

Sử dụng phối hợp estrogen và progestine có tác dụng làm giảm các cơn bốc hỏa, khô âm đạo, đổ mồ hôi…, kéo dài tuổi thanh xuân.

Tuy nhiên đây là con dao hai lưỡi làm gia tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và một số bệnh lý tim mạch. Do đó, các bác sĩ sẽ rất cân nhắc khi sử dụng liệu pháp này, mỗi người không nên tự ý sử dụng nội tiết cho bản thân.

Đến gặp bác sĩ khi nào?

Một số phụ nữ cảm thấy cơ thể mình có sự thay đổi và thấy khó chịu nên cần sự chăm sóc y tế. Một số phụ nữ khác thấy không có gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên tất cả phụ nữ ở độ tuổi này đều nên thăm khám định kỳ để tầm soát sức khỏe cho dù có gặp các triệu chứng khó chịu của tiền mãn kinh hay không.

Đừng chủ quan cho rằng chỉ là các dấu hiệu của tiền mãn kinh rồi sẽ qua, bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm tra đó là vấn đề của tiền mãn kinh hay vấn đề bệnh lý nào khác. Cần chẩn đoán phân biệt với nguyên nhân thực thể gây rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là các bệnh lý ung thư phụ khoa. Cần tầm soát các bệnh ung thư có thể xảy ra cho phụ nữ tuổi tiền mãn kinh - mãn kinh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú...

Suy giảm tình dục

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục trong lứa tuổi mãn kinh, nhưng chỉ có hiện tượng giao hợp đau là có liên hệ rõ ràng với tình trạng suy giảm estrogen. Giao hợp đau luôn luôn kết hợp với giảm dịch nhờn âm đạo, giảm sung huyết vùng chậu, và viêm teo âm đạo, kết quả của giảm estrogen tuổi mãn kinh.

Triệu chứng về đường tiết niệu

Niệu đạo nữ chứa các thụ thể estrogen tập trung, có nguồn gốc phôi thai tương tự như âm đạo. Estrogen giảm sẽ dẫn đến teo mô niệu đạo. Mất độ dày niệu đạo và tính đề kháng có thể góp phần quan trọng của tiểu không tự chủ ở phụ nữ mãn kinh.

Thiếu hụt estrogen làm thay đổi hầu hết về giải phẫu, tế bào, vi trùng và sinh lý ở hệ niệu sinh dục sau mãn kinh. Bên cạnh đó, viêm teo bàng quang với đặc điểm là gây tiểu gấp, són tiểu, tiểu nhiều lần.

Estrogen còn có vai trò chủ chốt trong việc duy trì khả năng kiểm soát nước tiểu. Thiếu estrogen có thể gây ra những rối loạn tiểu tiện có kiểm soát do biểu mô vùng tam giác bàng quang bị teo, dễ bị kích thích gây tiểu gắt, tiểu buốt.

Phụ nữ lớn tuổi thường có tình trạng căng tức ở âm đạo, điều này có thể do teo hay kết hợp với sa tử cung, bàng quang, trực tràng.

Són tiểu khi tăng áp lực ổ bụng hay là sự mất khả năng hoạt động của cơ thắt ở đường tiểu, được biểu hiện dưới vài giọt tiểu bắn ra khi thực hiện các động tác làm tăng áp lực trong ổ bụng (ho, hắt hơi hay gắng sức...).

Loãng xương

Thiếu hụt estrogen đã được chứng minh là một nguyên nhân làm giảm mật độ xương. Hiện tượng này xảy ra khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu không đều trong giai đoạn quanh mãn kinh.

bs-huynh-tan-vu.jpg
Bản thân người phụ nữ cần lưu ý khám sức khỏe định kỳ cho dù có gặp vấn đề về sức khỏe hay không

Từ 1,5 năm trước mãn kinh đến 1,5 năm sau mãn kinh, mật độ xương giảm khoảng 2,5% mỗi năm, so với mức giảm 0,13%/năm giai đoạn tiền mãn kinh. Xương xốp mất xương nhiều hơn xương đặc, tăng nguy cơ gãy xương.

Các bệnh lý tim mạch

Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ mãn kinh nhưng ít được quan tâm. Các bệnh tim mạch tăng từ 2 - 8 lần ở phụ nữ mãn kinh.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ của bệnh tim mạch là: Béo phì, cholesterol trong máu cao, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, ít vận động, thần kinh thường xuyên căng thẳng, tiền sử gia đình có bệnh tim mạch, uống thuốc viên tránh thai liều cao trên 10 năm, thiếu hụt estrogen do mãn kinh.

Trong đó Cholessterol máu cao và hút thuốc lá là hai yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch vành. Những yếu tố này kết hợp với sự suy giảm estrogen ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh làm tăng đáng kể nguy cơ bệnh tim.

Thay đổi da, tóc và móng

Da là cấu trúc nhạy cảm với hormone. Sự thay đổi hormone ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng đến độ dày của da, độ đàn hồi (mất collagen), giảm tiết tuyến bã nhờn, giảm tưới máu làm da mỏng, ít đàn hồi, khô và dễ tổn thương, xuất hiện nếp nhăn trên mặt.

30% collagen ở da bị mất trong vòng 5 năm sau mãn kinh và giảm khoảng 2%/năm trong 10 năm đầu sau mãn kinh.

Sau mãn kinh, phụ nữ thường bị rụng tóc hoặc tăng mật độ phân bố lông trên cơ thể. Cơ chế do giảm sản xuất estrogen và tăng nồng độ testosterone máu (hoạt tính androgen).

Móng tay trở nên mỏng và dễ gãy hơn, nhưng tình trạng này có thể tự phục hồi về bình thường.

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh

Giữ tinh thần thanh thản, vui tươi, cảm thấy có ích cho gia đình và xã hội. Cần có hoạt động chân tay kèm theo hoạt động trí tuệ. Dinh dưỡng theo khoa học: ăn uống đủ chất, bổ sung các loại vitamin, vi khoáng; cần có dinh dưỡng tốt vì nguy cơ loãng xương và bệnh tim tăng lên vào thời gian này. Chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Chất béo, chế độ ăn uống giàu chất xơ bằng nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Thêm các loại thực phẩm giàu canxi hoặc cần bổ sung canxi, cung cấp vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và giúp bảo vệ chống lại sự mất xương. Tránh uống rượu và caffeine, có thể gây nóng ran.

cham-soc-suc-khoe.jpg
Xoa bóp bấm huyệt: xoa bóp bấm huyệt vùng đầu giúp an thần, giảm căng thẳng, điều hòa giấc ngủ; xoa bóp các vùng cơ thể giảm đau nhức cơ xương khớp.

Bên cạnh đó, hoạt động thể chất thường xuyên giúp ngăn ngừa tăng cân, cải thiện giấc ngủ, tăng cường xương và nâng cao tâm trạng. Cố gắng tập thể dục trong 30 phút hoặc nhiều hơn hầu hết các ngày trong tuần, đơn giản nhất là đi bộ. Các môn khác có thể giúp giảm căng thẳng như thiền hoặc yoga giúp thư giãn và tăng cường sức khỏe.

Y học cổ truyền hỗ trợ gì cho sức khỏe của phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh?

YHCT dùng pháp trị chủ yếu là Tư bổ Can Thận, điều trị các triệu chứng như đau lưng mỏi gối, tiểu đêm, ngủ kém, đổ mồ hôi, bốc hỏa… rất hiệu quả. Các phương pháp gồm 2 nhóm chính là dùng thuốc và không dùng thuốc, hướng đến cân bằng âm dương, lập lại cân bằng sinh lý cho người phụ nữ.

Dùng thuốc

Tùy thể bệnh mà dùng các bài thuốc thang uống như Tri bá địa hoàng hoàn gia giảm, Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia giảm, Mạch vị địa hoàng hoàn, An thần định chí hoàn, Thận khí hoàn….

Bên cạnh đó, thuốc dùng ngoài có thể sử dụng các bài thuốc ngâm tắm giúp an thần, dễ ngủ, thư giãn, hạ hỏa.

Không dùng thuốc

Các phương pháp châm cứu: nhĩ châm, đầu châm, thể châm, điện châm… với các phương huyệt bổ Can Thận, bổ khí huyết, an thần.

Xoa bóp bấm huyệt: xoa bóp bấm huyệt vùng đầu giúp an thần, giảm căng thẳng, điều hòa giấc ngủ; xoa bóp các vùng cơ thể giảm đau nhức cơ xương khớp.

Các động tác yoga như thư giãn giúp tăng cường quá trình ức chế thần kinh, giúp ngủ ngon, an thần; thở bốn thời có kê mông và giơ chân giúp cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế….

Giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là giai đoạn người phụ nữ rất cần được chăm sóc sức khỏe và sự quan tâm từ những người xung quanh. Bản thân người phụ nữ cần lưu ý khám sức khỏe định kỳ cho dù có gặp vấn đề về sức khỏe hay không, người thân cần để ý chăm sóc cho người phụ nữ của mình giai đoạn này nhiều hơn và đừng quên nhắc người thân của mình khám sức khỏe định kỳ.

BS.CKII. Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Khám Ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược, cơ sở 3