Giáo dục

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024 giữ ổn định, thí sinh lưu ý gì?

HOÀNG NGUYỄN 18/03/2024 - 15:23

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2023, tuy nhiên, theo chuyên gia, thí sinh vẫn cần nhiều lưu ý để tránh “rớt oan” và cách xét tuyển đại học, chọn trường, chọn ngành sao cho phù hợp nhất.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào tuần cuối tháng 6/2024

Theo Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2023.

Năm nay, thí sinh là học sinh lớp 12 THPT phải dự thi 4 bài thi để xét tốt nghiệp THPT, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội (chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp). Về nội dung, đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu lớp 12 và có một số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11. Đề thi được xây dựng theo ma trận của Bộ GD&ĐT gồm có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; trong đó nội dung chủ yếu sẽ ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao chiếm tỉ lệ vừa đủ để phân hóa.

1.thi-tot-nghiep-thpt-2023.jpg
Thí sinh làm thủ tục dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM năm 2023.

Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong Quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước, như: Thông tư quy định rõ các môn thi trong quy chế thi để thí sinh thuận lợi hơn trong công tác đăng ký; quy định rõ trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi; quy định các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi để phục vụ cho việc làm bài thi, các vật dụng thí sinh bị cấm đem vào phòng thi; các quy định đối với thí sinh chỉ thi 1 hoặc 2 môn thành phần trong bài thi tổ hợp (thí sinh tự do); bổ sung danh mục các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm; bổ sung thêm các yêu cầu đối với khu vực ra đề thi, in sao đề thi, làm phách trong kỳ thi,….

Ngoài ra, còn có một số thay đổi chủ yếu về mặt kỹ thuật khác của các hội đồng ra đề, coi thi, chấm thi hoặc đưa các nội dung từ hướng dẫn tổ chức thi mọi năm vào trong quy chế để tính thống nhất thực hiện cao hơn trong quá trình tổ chức thi.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cho biết, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra vào tuần cuối tháng 6/2024. Bộ đã có điều chỉnh để đảm bảo thời gian cho thí sinh xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh lưu ý xét tuyển đại học, chọn ngành, chọn nghề

Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường phải xây dựng quy chế tuyển sinh và đề án tuyển sinh năm 2024 cụ thể; đồng thời công bố các phương thức tuyển sinh, thời gian và quy trình cần thiết trong quá trình tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của mình. Đến thời điểm này, các trường đại học đã thực hiện công bố quy chế tuyển sinh và đề án tuyển sinh năm 2024; nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT 2024. Năm nay, các trường đại học vẫn duy trì đa dạng phương thức tuyển sinh: xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng học bạ THPT; xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội; có trường tổ chức kỳ thi riêng,…

ts-mai-duc-toan-giai-dap-thi-sinh-xet-tuyen-dai-hoc-2024.jpg
Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Trường Đại học Gia Định (bên trái) giải đáp những băn khoăn cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Trường Đại học Gia Định chia sẻ: “Về cơ bản quy chế thi tốt nghiệp năm nay không có nhiều thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên các em học sinh 2K6 cũng cần chú ý xét tuyển sớm để tránh rớt oan. Thí sinh 2K6 cần tận dụng tối đa các phương thức tuyển sinh từ các trường đại học như: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ hay kết quả thi đánh giá năng lực,… Năm nay, các trường đại học cũng xét tuyển bình đẳng ở tất cả các nguyện vọng vào các ngành, không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Thí sinh đã trúng tuyển vào một nguyện vọng nào sẽ không được đăng ký xét tuyển ở các nguyện vọng sau nữa. Do vậy các em phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng làm sao để có cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích nhất”.

Tiến sĩ Mai Đức Toàn cũng lưu ý thí sinh, hiện có rất nhiều trường xét tuyển sớm, thí sinh cần thực hiện theo các yêu cầu của trường về hồ sơ, thủ tục, hình thức xét tuyển. Đối với thí sinh tham gia đăng ký các phương thức xét tuyển sớm, được nhà trường thông báo đã đủ điều kiện trúng tuyển, nếu muốn được trúng tuyển chính thức vào trường, các em bắt buộc phải đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo quy định. Khi đó, các trường mới có cơ sở dữ liệu để xét tuyển. Ngoài ra, sau khi trúng tuyển đợt 1, thí sinh lưu ý cần phải làm thêm thủ tục xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Nếu không thực hiện bước này thì xem như từ chối trúng tuyển.

TS. Toàn cho biết thêm: “Hiện nay, nhiều thí sinh không tìm hiểu kỹ các ngành nghề mà chỉ chọn ngành theo xu hướng chung. Việc này gây khó khăn cho các em trong quá trình học cũng như sau này ra trường làm việc. Do vậy, ngoài việc tìm hiểu thông tin tuyển sinh, các em cần tìm hiểu kỹ ngành nghề để có thể lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân từ đó có thể học tập và làm việc tốt trong tương lai. Việc chuẩn bị từ sớm cho các kỳ thi và lên chiến lược lựa chọn các ngành học, trường đại học đúng với sở thích, sở trường sẽ gia tăng cơ hội hoàn thành mục tiêu trong năm nay cho các thí sinh cuối cùng theo học chương trình hiện hành”.

Theo dự báo thị trường lao động trong 3 - 5 năm tới, các nhóm ngành về công nghệ dịch vụ và đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ tăng khi Việt Nam hướng tới sẽ trở thành phân xưởng sản xuất các thiết bị công nghệ liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, nhiều trường đại học mở các ngành, chuyên ngành trong lĩnh vực này, như: Trường ĐH Gia Định mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM mở ngành Kỹ thuật Thiết kế vi mạch; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mở ngành Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin,…

HOÀNG NGUYỄN