Rốn, huyệt thần khuyết - Giao thoa 2 thế giới
Rốn giữa bụng của mỗi người, có thể nhìn thấy, sờ được. Vậy mỗi nền y học có cách nhìn về rốn khác nhau. Đông y không những xem rốn là nguồn gốc của sự sống đầu tiên khi hình thành con người mà còn là cuống rễ của sự sống sau khi ra đời.
Theo Y học hiện đại
Rốn là nơi mà dây rốn liên kết với cơ thể thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Dây rốn là một ổng mềm, trơn, khuynh hướng cuộn lò xo. Chúng có nhiệm vụ mang chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ sang em bé. Đồng thời dây rốn mang chất thải sau khi trao đổi chuyển hóa xảy ra bên trong cơ thể em bé. Nhờ đó mà em bé phát triển trong bụng mẹ. Tại thời điểm này, bé chưa thể ăn hoặc thở. Vì thế dây rốn đảm nhiệm chức năng sinh tồn của trẻ.
Khi em bé chào đời, bắt đầu khóc tiếng khóc đầu tiên; cũng là thời điểm cho thấy bé đã có thể tự thở. Em bé cũng sẽ sớm uống sữa và tự loại bỏ chất thải qua ruột và hậu môn. Lúc này dây rốn không còn chức năng nữa.
Sau sinh, bác sĩ sẽ cắt dây rốn nhưng sẽ chừa lại một gốc rốn trên cơ thể bé. Gốc rốn này sẽ rụng đi sau 2 hoặc vài tuần. Sau khi gốc rốn rụng sẽ tạo thành một vết sẹo lớn. Vết sẹo có thể lồi hoặc lõm, đây chính là rốn.
Rốn hầu như không có chức năng gì phục vụ trên cơ thể con người. Tuy nhiên, nếu đã từng nghiên cứu về giải phẫu học, y học hoặc một lĩnh vực liên quan, có thể nhận ra rốn là điểm trung tâm mà ở đó bụng được chia thành các góc phần tư sau: bên phải trên, bên trái trên, bên trái dưới và bên phải dưới.

Ngoài ra, bụng còn thể được chia theo cách khác dựa trên điểm trung tâm là rốn, chia làm 9 phần: vùng thượng vị, vùng hạ vị, vùng hạ sườn trái phải, vùng hông trái phải, vùng chậu trái phải, và vùng rốn chính giữa. Thậm chí rốn cũng có thể là nơi để vào ổ bụng trong phẫu thuật nội soi. Việc này sẽ làm hạn chế tạo sẹo ở những nơi khác trên bụng.
Những bất thường ở rốn
Thoát vị rốn
Là tình trạng khiếm khuyết của cân cơ thành bụng, trước khi lỗ rốn đóng hoàn toàn sau khi sinh. Lỗ thông này khiến các thành phần trong ổ bụng như mô mềm, mô mỡ hay kể cả ruột non chui ra ngoài, hình thành một cái túi thoát vị bên ngoài thành bụng. Thoát vị rốn là tình trạng khiếm khuyết của cân cơ thành bụng, trước khi lỗ rốn đóng hoàn toàn sau khi sinh.
Thoát vị rốn là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là ở những trẻ sinh non hay sinh ra nhẹ cân. Đa số trường hợp sẽ tự biến mất khi trẻ đến 4 - 5 tuổi mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, khi bệnh không khỏi lúc trẻ lên 5 tuổi, trẻ phải được theo dõi và can thiệp kịp thời.
U hạt rốn
U hạt rốn là tình trạng có khối sưng màu đỏ nằm trên rốn của con bạn sau khi dây rốn rụng đi. Nếu không điều trị, rốn sẽ chảy dịch kéo dài và làm sưng đỏ rốn do kích thích trong vài tháng. U hạt rốn là tình trạng có khối sưng màu đỏ nằm trên rốn của con bạn sau khi dây rốn rụng đi.
Nhiều cách khác nhau để loại bỏ u hạt rốn. Tùy theo sự đánh giá của bác sĩ mà trẻ có thể được điều trị bằng những cách sau: Đốt u hạt rốn bằng hóa chất như bạc nitrat hay đốt điện; hoặc buộc chặt gốc của u hạt rốn bằng phẫu thuật.
Điều này sẽ làm cho phần mô dư thừa bị chết và cuối cùng rụng đi; hoặc sử dụng một công cụ sắc bén để cắt bỏ u hạt rốn. U hạt rốn không có dây thần kinh ở trong đó. Vậy nên, những phương pháp điều trị ở trên không làm trẻ đau.
Mang thai
Mang thai có thể khiến tử cung tạo thêm áp lực lên rốn. Bởi vì rốn về cơ bản là một điểm yếu của bụng. Áp lực tăng thêm có thể khiến rốn dạng lõm trở thành dạng lồi. Tuy nhiên, hiện tượng này bình thường trở lại sau khi phụ nữ sinh con.
Chăm sóc rốn
Khi chăm sóc vệ sinh cá nhân, chúng ta không mấy khi nghĩ đến việc vệ sinh rốn. Tuy nhiên, cũng giống như phần còn lại của cơ thể, rốn cũng cần được làm sạch. Trên thực tế, một nghiên cứu tại Hoa Kỳ phát hiện ra rằng có đến 67 loại vi khuẩn khác nhau tồn tại ở trong chất bẩn của rốn.
Hầu hết các dạng rốn đều có các nếp gấp da có thể tích tụ bụi bẩn và sinh sôi vi khuẩn. Vì thế, rốn cần được vệ sinh sạch sẽ mỗi tuần một lần. Điều gì sẽ xảy ra nếu rốn không được làm sạch thường xuyên?
Nếu rốn không được làm sạch, một số vấn đề có thể xảy ra, có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng rốn: Hầu hết vùng rốn là nơi sinh sản của vi khuẩn vì chúng là khu vực ẩm ướt, tối, nơi tạo thành các nếp gấp da. Biểu hiện của nhiễm trùng rốn là đau, sưng tấy và có mủ hoặc chất lỏng rỉ ra từ rốn. Lúc này cần thăm, Bác sỹ có thể cho bạn dùng thuốc kháng sinh hoặc hút bớt chất lỏng tích tụ.
- Nấm rốn: Loại nấm Candida phát triển mạnh ở những nơi ẩm ướt, tối tăm, nóng ẩm như rốn. Biểu hiện là phát ban da khô, ngứa, sưng tấy. Trong trường hợp bị nấm rốn, có thể được điều trị bằng các loại kem bôi chống nấm.
- Mùi khó chịu: Ngay cả khi không bị nhiễm trùng hay nấm, sự tích tụ của mồ hôi, bụi bẩn, tế bào da chết có thể khiến vùng rốn tạo mùi khó chịu. Nếu mùi hôi là do rốn bị bẩn dơ, rửa cẩn thận là cách tốt nhất để loại bỏ mùi hôi. Tuy nhiên, nếu mùi hôi vùng rốn là do nhiễm trùng, nên hẹn với bác sĩ để có thể tư vấn và kê đơn điều trị nếu cần.
Mặc dù hầu hết mọi người không dành nhiều thời gian để nghĩ về lỗ rốn của mình. Tuy nhiên việc vệ sinh vùng rốn hằng tuần hoặc lâu hơn là một việc nên làm. Làm sạch rốn có thể giúp bạn tránh bị nhiễm trùng, có mùi khó chịu và các hậu quả khác của việc vệ sinh kém.
Rốn trong quan niệm Đông y
Đông y không những xem rốn là nguồn gốc của sự sống đầu tiên khi hình thành con người (tiên thiên chi bản nguyên), mà còn là cuống rễ của sự sống sau khi ra đời (hậu thiên chi căn đế) và là nguồn gốc của sinh mệnh. Rốn là huyệt vị duy nhất trên cơ thể có thể dùng tay chạm vào, dùng mắt nhìn được, có tên gọi là Thần Khuyết.
“Thần” có nghĩa là tinh thần, tinh khí. “Khuyết” có nghĩa là một nơi quan trọng, nguyên gốc có nghĩa là chòi canh ở mỗi bên của cung điện hay còn gọi cái “Cửa”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa về Cửa: “Khoảng trống được chừa làm lối thông với bên ngoài của một nơi đã được ngăn kín các mặt, thường có bộ phận lắp vào để đóng, mở”.
Từ nghĩa gốc nói trên, từ “Cửa” phát sinh thêm hai nghĩa khác. Thứ nhất là chỉ “chỗ ra vào, thông với tự nhiên bên ngoài”. Thứ hai, cửa dùng để chỉ “nơi có quan hệ với bên ngoài, trong quan hệ với người có việc cần phải đến”.
“Cửa” trong tiếng Việt còn có ba tên gọi đồng nghĩa mang gốc Hán, đó là hộ, môn và quan. 門 (môn): Cửa, cửa có một cánh gọi là hộ 戶, hai cánh gọi là môn 門. Cửa mở ở nhà gọi là hộ, ở các khu vực gọi là môn. 關 (quan): Cổng, cửa chính.
Có hai trường nghĩa lớn nhất khi miêu tả cánh cửa gắn với thế giới tâm trạng con người. Thứ nhất là sự đợi chờ, mong ngóng, trông đợi một bóng hình. Ý nghĩa thứ hai gắn với cánh cửa là sự đoạn tuyệt, chia ly, ngăn cách, giã từ. Ở đây chủ yếu nói về cánh cửa của sự sống và cái chết của người bệnh qua huyệt Thần Khuyết này hay gọi là “cửa tử” của con người - giao thoa giữa 2 thế giới.

Huyệt Thần Khuyết là một huyệt vị quan trọng trong hệ thống các đường kinh lạc, liên hệ mật thiết với ngũ tạng lục phủ, 12 kinh mạch và kỳ kinh bát mạch. Do đó, trong sách của đông y đều ghi rõ cấm châm huyệt thần khuyết.
- Tên gọi khác: Khí Hợp, Khí Xá, Tề Trung.
- Xuất xứ: Giáp Ất Kinh.
- Đặc tính: Huyệt thứ 8 của mạch Nhâm. Huyệt tập trung của khí.
- Vị trí: Chính giữa lỗ rốn.
- Giải phẫu: Huyệt ở trên đường trắng ở chỗ có thừng tĩnh mạch rốn và dây chằng treo gan (dây chằng liềm) dính ở trên. Thừng động mạch rốn và ống niệu rốn dính ở dưới. Giữa là túi Meckel. Vào sâu là phúc mạc, ruột non hoặc tử cung khi có thai 7 – 8 tháng. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh T10.
- Tác dụng: Ôn dương, cố thoát, kiện vận Tỳ Vị, ôn thông nguyên dương, vận khí cơ của trường vị, hóa hàn thấp tích trệ.
- Chủ trị: Trị bụng và quanh rốn đau, bệnh hệ sinh dục ngoài, bệnh về kinh nguyệt, ruột viêm cấp và mạn, kích ngất vì ruột dính, trực trường sa, lỵ mạn tính, trúng phong thể thoát, tay chân lạnh toát, bất tỉnh, bệnh thuộc hư hàn, chân dương hư (cứu có tác dụng hồi dương).
Các phương pháp đông y liên quan đến rốn - huyệt Thần khuyết
Châm cứu
Cấm châm ở huyệt Thần khuyết. Thường cứu cách gừng, cách muối hoặc thuốc tán trong khoảng 20 - 30 phút. Trường hợp cần cấp cứu hồi dương, cứu cho đến khi nào tay chân ấm thì dừng. Khi tác động vào huyệt này giúp trị đau bụng, đau quanh rốn, bệnh hệ sinh dục ngoài, bệnh về kinh nguyệt, viêm ruột cấp và mạn, lỵ mạn tính, tay chân lạnh, trúng phong thể thoát...
Đắp thuốc lên rốn
Đây là phương cách để chữa bệnh độc đáo của Đông y, được gọi là “phu tề liệu pháp”, là phương pháp chữa bệnh đơn giản, rẻ tiền, mà hiệu nghiệm. Theo quan niệm Danh y Ngô Sư Cơ (Trung Quốc) cho rằng: “Đắp thuốc lên rốn chẳng khác là uống thuốc qua miệng”.
Khi dùng thuốc tác động lên rốn, là có thể kích phát kinh khí, sơ thông kinh lạc, cân bằng âm dương và điều tiết công năng của ngũ tạng lục phủ, nhờ vậy mà có thể phòng ngừa và chữa trị bệnh tật.
Dược liệu tươi giã nát; dược liệu khô nói chung được tán thành bột mịn, hòa với dung môi thành cao mềm, rồi đắp lên rốn. Dùng băng dính hoặc gạc cố định lại. Trước khi đắp thuốc và sau khi thay thuốc cần dùng nước ấm và cồn y tế để làm sạch vùng da rốn. Khi đắp thuốc vào thấy ngứa, nóng rát da phồng mụn nước, nên tạm ngừng hoặc nên dùng liều nhỏ hơn.
Tùy theo từng thể bệnh, có thể ngày thay thuốc 1-2 lần; thực hiện liền 3-5 ngày là 1 liệu trình. Đối với các bệnh mạn tính, sau mỗi liệu trình nghỉ vài ngày lại tiếp tục 1 liệu trình mới.
Các bài thuốc đắp lên rốn để chữa một số bệnh thông thường
- Chứng nhiều mồ hôi: Người ra mồ hôi nhiều, thêm các chứng như sợ gió, thân hình tê nhức, lúc nóng lúc rét, tinh thần mệt mỏi, kém ăn. Dùng phương thuốc sau: ngũ bội tử, nghệ, hai thứ liều lượng bằng nhau, đem tán mịn trộn đều cất vào lọ dùng dần; mỗi lần lấy một ít thuốc trộn với mật ong cho đều và đắp lên rốn sau đó dùng gạc sạch phủ lên và dùng băng dính cố định lại; ngày 1 lần, sau 7 ngày nghỉ 3 ngày rồi lại tiếp tục làm như cũ.
- Chứng tự nhiên ra mồ hôi: Hà thủ ô tán nhỏ hoà với nước miếng đặt vào lỗ rốn.
- Thương hàn về mùa đông, mồ hôi không ra được: Dùng gừng, hành cả rễ và đậu sị, mỗi thứ lượng bằng nhau, giã nhỏ nặn thành bánh đặt lên rốn, lấy vải buộc chặt cho ra mồ hôi.
- Trúng hàn: Hành củ giã nát, sao nóng, lấy vải bọc đem chườm lên rốn, nguội thì đổi cái khác.
- Đại tiện táo kết: Hành trắng ba tép, gừng sống một củ bằng ngón tay, đậu sị 21 hạt, muối một nhúm, giã chung cho nát, làm thành bánh hơ lửa nóng chườm lên rốn, nguội thì hơ lại chườm tiếp. Ốc bưu to 2 - 3 con dùng cả vỏ, muối một chén con, cùng giã nát, đắp vào rốn, dùng vải buộc chặt.
- Một tinh hoàn trệ xuống, gân rút đau nhiều: Đổ muối vào giữa lỗ rốn dày nửa tấc (khoảng 2cm), lấy mồi ngải (ngải cứu) đặt lên trên lớp muối mà đốt cho được nhiều mồi, để cho khí thấu vào là ổn.
- Trẻ con khóc đêm: Hạt bìm bịp đen một đồng cân (khoảng 4 gam), tán nhỏ hòa với nước bôi ở rốn.
- Trẻ nhỏ bị trướng bụng, bí đái: Dùng lá chanh 1 nắm nhỏ, giã nát, đem hấp nóng, bảo trẻ nằm ngửa rồi lấy lá tranh đắp lên rốn. Thông thường, sau một lúc, tiểu tiện thông và bụng bớt trướng.
- Sản phụ sau khi sinh máu hôi ra không hết công vào trong sinh đau bụng: Ngải cứu khô một vốc giã nát sao với giấm cho nóng rịt lên lỗ rốn, lấy vải phủ lên, dùng âu đồng ở trong đựng than đỏ chườm lên trên, đợi trong miệng có hơi ngải cứu, cơn đau tự khỏi.
Dùng sản phẩm đông y dán lên rốn để giảm cân, thải độc, hiệu quả không?
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào nói dùng các sản phẩm đông y dán lên rốn, tinh dầu nhỏ lên rốn..., tác động lên rốn để giảm cân, thải độc cơ thể hay các tác dụng khác.
Vì huyệt thần khuyết là cửa thần nối giữa 2 thế giới có tác động trực tiếp đến lục phủ ngũ tạng trong cơ thể cùng với 12 kinh mạch và bát mạch kỳ kinh cũng như tác dụng đặc biệt quan trọng là hồi dương giúp cơ thể từ thế giới khác trở về với thế giới này.

Hiện nay, với sự bùng nổ thông tin, không có kiến thức chuyên môn về y học cổ truyền, buôn bán sản phẩm tự chế, không khoa học, lợi dụng công nghệ thông tin phổ biến kiến thức sai lệch, quá đà về sản phẩm, nhằm kinh doanh trục lợi.
Do đó, người bệnh cần phải đến những cơ sở chữa trị uy tín để có thể được hỗ trợ tư vấn và điều trị tốt nhất. Tránh những trường hợp tự tác động cơ thể thông qua rốn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe; nhẹ thì lở loét vùng rốn, vùng bụng... nặng thì nhiễm trùng rốn, bụng, phúc mạc và có thể tử vong.
Theo đông y rốn là huyệt thần khuyết (cửa thần) giao thoa giữa 2 thế giới nên thường chỉ sử dụng hồi dương cứu nghịch hy vọng đưa cơ thể trở lại cuộc sống bình thường “không châm và chỉ cứu”.
Hãy trả sứ mạng chăm sóc sức khỏe cho thầy thuốc vì chính thầy thuốc mới tư vấn, khám, đánh giá, điều trị hiệu quả; bác sĩ thực hiện tốt nghề nghiệp của mình đã học, đã được pháp lý, xã hội công nhận.
Lưu ý:
Đắp thuốc lên rốn, tuy chỉ là phép trị bên ngoài (ngoại trị), song muốn có kết quả tốt cũng cần tuân theo nguyên tắc “biện chứng luận trị” của Đông y, tức căn cứ vào bệnh tình cụ thể để chọn thuốc thích hợp. Trong một số trường hợp, cần kết hợp với một số phương pháp chữa bên trong (nội trị) để nâng cao hiệu quả điều trị. Cần căn cứ bệnh tình cụ thể mà chọn dùng loại thuốc, dạng thuốc thích hợp. Dược liệu khô nói chung được tán thành bột mịn, hòa với dung môi thành cao mềm, rồi đắp (bôi) lên rốn. Nếu là dược liệu tươi, có thể giã nhuyễn, đắp lên rốn, dùng băng dính hoặc gạc cố định lại. Tùy bệnh, tuổi tác cụ thể, có thể đắp và gia giảm cũng như thời gian sử dụng thích hợp.