Y học

Những chiến binh áo trắng nơi lằn ranh sinh tử

Thiên Chương 28/02/2024 - 06:53

Tiếng còi xe cứu thương vừa trờ đến cổng bệnh viện, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115 đã lập tức “chuyển mình”. Lối vào được bảo vệ dọn trống. Điều dưỡng nhắc nhở điều động băng ca. Và chỉ chưa đầy một phút, bệnh nhân đã được bác sĩ phân loại xong trước khi chuyển đến công đoạn khẩn trương khác. Ở một nơi khác, các bác sĩ Khoa Gây mê – Hồi sức Ngoại cũng trong tư thế sẵn sàng. Trung bình mỗi ngày, có đến trên 300 chuyến xe cấp cứu như vậy đưa người đến bệnh viện.

Người tất bật nơi “đầu sóng ngọn gió”

Từ cổng Bệnh viện Nhân dân 115, phía đường Sư Vạn Hạnh, nếu ai tinh mắt sẽ thấy lối đi hướng bên phải để vào khoa cấp cứu mòn nhẵn dấu bánh xe. Nói như một nhân viên bảo vệ trực chốt Cấp cứu: “Không mòn nhẵn sao được. Có nhiều ngày xe cứ vào liên tục đến tôi nhìn còn chóng mặt. Chúng tôi chỉ hướng dẫn xe thôi đã thấy mệt, bác sĩ và điều dưỡng không biết còn vất vả đến cỡ nào ”.

Đến bệnh viện vào một ngày đầu năm, Khoa Cấp cứu đúng thật như lời anh bảo vệ miêu tả, xe cứu thương ra vào liên tục, có khi xe này vào chưa kịp ra, xe khác đã chờ. Cứ như thế từ sáng sớm kéo dài đến tận đêm khuya và đến sáng hôm sau.

ths.jpg
Ths.BS Khâu Minh Tuấn và các đồng nghiệp trẻ trước một bệnh án cấp cứu

Trả lời thắc mắc “Các bệnh viện khác liệu có nhiều bệnh nhân đến cấp cứu như thế này không?”, Ths.BS Khâu Minh Tuấn, trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi có lượng người đến cấp cứu gần như cao nhất TP.HCM. Trung bình mỗi ngày khoa này tiếp nhận từ 300 đến 350 trường hợp nặng nhẹ có đủ, cá biệt những ngày cao đột biến có thể đến hơn 400 ca.

Trước lượng bệnh lớn, để kịp thời cứu sống người bệnh, nhất là những trường hợp cấp cứu đột quỵ cần thời gian vàng để cứu từng tế bào não, bệnh viện đã tạo điều kiện bằng cách “thiết kế” tất cả các bộ phận liên quan đến cấp cứu đều tập trung tại khoa. Cụ thể, phòng chụp CT, phòng chụp X-Quang, các thiết bị hiện đại đều được trang bị ngay bên cạnh khu vực cấp cứu và khu vực hồi sức. Nhờ cách làm này, rất nhiều bệnh nhân tưởng đã không qua khỏi đã được cứu.

Máy móc hiện đại và cách bố trí khoa học là vậy, song với cấp cứu, yếu tố con người vẫn giữ vai trò then chốt. Tại khoa, hiện có gần 30 bác sĩ và hơn 70 điều dưỡng, theo ca kíp đã được phân công, ai nấy cũng đồng tâm làm tốt công việc của mình. Lượng bệnh quá đông, thêm nữa, đặc điểm của cấp cứu là làm việc quanh năm không có lễ Tết, chính vì thế tập thể bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý tại khoa vẫn được ví là những “chiến binh cừ khôi”.

Trưa một ngày cuối tuần đầu năm Giáp Thìn, không khí Tết chưa nguôi, sảnh cấp cứu đã đông kín bệnh. Nhiều người nhà của bệnh nhân nóng lòng phản ứng lớn tiếng bởi họ đến trước mà chờ hoài chưa đến lượt. Tâm lý đưa bệnh đi cấp cứu thì luôn muốn người thân được ưu tiên quan tâm đã khiến một phụ nữ không thể kiềm chế. Thấy tình thế có thể khó kiểm soát, một điều dưỡng đã ân cần giải thích. Rằng tùy thuộc vào mức độ bệnh mà bác sĩ quyết định ai trước ai sau”.

“Tâm lý của người đưa bệnh đi cấp cứu, chúng tôi hoàn toàn hiểu. Thế nhưng họ không biết, tuy bệnh nhân chưa được xử trí nhưng ngay khi bệnh vào, cửa khoa luôn túc trực một bác sĩ và 2 điều dưỡng chuyên sàng lọc phân loại bệnh. Trường hợp nặng hoặc cần điều trị vàng, hộ lý sẽ hô to để các bác sĩ tập trung can thiệp trước. Những ca thuộc diện nhẹ hơn sẽ xử trí sau. Muốn làm được việc này các bác sĩ sàng lọc phải được tập huấn để có kỹ năng và có kinh nghiệm đánh giá chính xác mức độ bệnh”, bác sĩ trưởng khoa, nói.

Có một điều đặc biệt, tại Bệnh viện Nhân dân 115, dù lượng bệnh lớn nhưng không trường hợp nào bị từ chối. Vài ngày trước, một phụ nữ vô gia cư ở quận 10 có con nhỏ được đưa đến trong tình trạng bệnh nặng. Dù bệnh nhân không có tiền nhưng các bác sĩ vẫn tiếp nhận cứu chữa. “Tại bệnh viện từ xưa đến nay, dù lượng bệnh đông và công việc có nhiều đến mấy thì những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn được cấp cứu. Không có chuyện bệnh nhân không có tiền đóng viện phí thì bị từ chối”, bác sĩ Tuấn nói.

moi-ngay-khoa-cap-cuu-benh-vien-nhan-dan-115-phai-sang-loc-hon-300-ca-nhap-vien.jpg
Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 phải sàng lọc hơn 300 ca nhập viện

Kể về những thành quả đạt được từ sự tận lực làm việc và từ quy trình cấp cứu chuyên nghiệp, bác sĩ Khâu Minh Tuấn và các đồng nghiệp cho biết, do số lượng bệnh đến quá đông nên trong số ấy cũng có nhiều trường hợp nặng, chính vì thế không thể tránh khỏi những ca “dù cố gắng hết sức vẫn không thể”, song niềm vui mà bác sĩ Tuấn và các đồng nghiệp có được, là rất nhiều bệnh nhân sau đó đã trở lại khoa nói lời tri ân vì ngay cả bản thân họ cũng không nghĩ mình qua khỏi.

“Còn nhớ có một cụ ông đã ngưng tim trước khi vào bệnh viện nghi do nhồi máu cơ tim. Khi ấy dù thấy tình huống khó nhưng chúng tôi vẫn dùng hết cách để cứu chữa. May mắn, sau khi chúng tôi hồi sức tim phổi thì bệnh nhân có mạch trở lại, ông chuyển đến Khoa Tim mạch can thiệp để tiếp tục điều trị. Người bệnh sau đó hoàn toàn khỏe mạnh và trở lại bệnh viện để cảm ơn vì đã giúp ông hồi sinh. Đây là một trong số rất nhiều bệnh nhân mà chúng tôi gọi là ‘quả ngọt’. Những người khiến chúng tôi có động lực để tiếp tục yêu thương và tận hiến cho công việc của mình”.

Nói về áp lực nơi đầu sóng ngọn gió, bác sĩ Tuấn kể, ai khi mới về khoa, mỗi lần nghe tiếng còi xe cấp cứu vào bệnh viện cũng đều hồi hộp không biết mình sẽ gặp tình huống gì và xử trí như thế nào, tuy nhiên đây cũng là động lực thúc đẩy mọi người cố gắng học hỏi tìm hiểu để có nhiều kinh nghiệm, dần có đủ bản lĩnh và tự tin hơn.

Áp lực tiếp theo là từ phía người nhà, tâm lý người nhà luôn lo lắng chính vì thế ngoài kiến thức chuyên môn thì người làm tại khoa Cấp cứu phải trang bị tâm lý tốt để từ tốn nhẫn nhịn kiềm chế cảm xúc bản thân và có kiến thức giao tốt để động viên an ủi người nhà nhằm giảm bớt những bức xúc.

Do tính chất công việc tại khoa có nhiều áp lực, chính vì thế theo bác sĩ Tuấn, muốn gắn bó lâu dài phải là những người thật sự có tâm huyết và có tình yêu với công việc. Vất vả là vậy nhưng tại khoa, không ít người đã gắn bó hơn 20 năm, xem nơi làm việc là căn nhà thứ hai của mình. Cá biệt có một số người do nhà ở các tỉnh xa, hơn 10 năm chưa một lần về quê ăn Tết. Đáp lại tình cảm đó, lãnh đạo khoa luôn khơi gợi nhiệt huyết của anh chị em bằng cách đảm bảo chế độ đời sống, tạo mọi điều kiện để mọi người có thể đi học nâng cao trình độ chuyên môn…

“Ở cấp cứu, đặc điểm của khoa là bệnh nhân chỉ lưu trú vài giờ, nên niềm vui của chúng tôi là thấy bệnh nhân an toàn khỏe mạnh trước khi chuyển đi khoa khác để điều trị tiếp. Bao giờ cũng vậy, thấy bệnh nhân an toàn là chúng tôi hạnh phúc. Chúng tôi cũng nhận được nhiều lời cảm ơn hoặc những lời khen, thế nhưng trước áp lực công việc cuồn cuộn, chúng tôi xem việc khẩn trương cứu sống bệnh nhân như là trách nhiệm thường nhật của mình, cũng chẳng có gì to tát cả”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Kẻ âm thầm “đi trước về sau”

Nếu không gian Khoa Cấp cứu quanh năm ồn ào tất bật, chuyện sinh tử chạy đua rầm rập từng phút giây, thì cũng tại Bệnh viện Nhân dân 115, có một nơi khác, chuyện sinh tử được theo dõi sát sao trong tĩnh mịch yên ắng. Tại đây, âm thanh rõ nhất của sự sinh tồn là tiếng bíp bíp từ màn hình theo dõi, thi thoảng là giọng của các điều dưỡng, bác sĩ gọi nhau. Đó chính là khoa Gây mê – Hồi sức Ngoại.

bs.jpg
BS.CKII Trần Thanh Tùng (người ngồi đeo ống nghe) và các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Gây mê - Hồi sức Ngoại xem xét một bệnh án

Thành lập từ năm 1989, hơn 30 năm qua, Khoa Gây mê – Hồi sức ngoại là nơi có phòng mổ chính của bệnh viện, phòng hồi tỉnh, phòng hồi sức ngoại, phòng thẩm tách màu ngắt quãng và cũng là đơn vị giảm đau… Khoa cũng được mệnh danh là nơi mà các bác sĩ phải chiến đấu liên tục từng giây để gìn giữ chắt chiu và phục hồi sự sống cho người bệnh.

Trưa một ngày giữa tháng 2, hành lang tầng 1, Khu A của bệnh viện có nhiều người ngồi đợi. Mắt họ thi thoảng nhìn lên màn hình hiển thị thông tin bệnh nhân. Không khí này cứ như vậy trước cửa Khoa Gây mê – Hồi sức Ngoại gần như quanh năm và triền miên từ bao năm nay. Ngoài nơi đây, bệnh viện còn có Khoa Hồi sức tích cực chống độc và Khoa Hồi sức Tim, nhưng lượng bệnh không nhiều bằng.

Gắn bó với khoa 22 năm kể từ ngày tốt nghiệp Y khoa, rồi nhận chức trưởng Khoa Gây mê – Hồi sức Ngoại từ năm 2021, BS.CKII Trần Thanh Tùng cho biết, mỗi ngày tại khoa, lượng bệnh mổ khoảng 60 trường hợp và 40 giường hồi sức. Những bệnh nhân hồi tỉnh sau mổ sẽ lưu tại khoa khoảng 3 giờ đồng hồ trước khi chuyển về khoa hoặc xuất viện. Các bệnh nhân hậu phẫu có chỉ định hồi sức lâu dài thì phải theo dõi đến khi ổn định mới chuyển về khoa.

Bên cạnh đó, khoa còn đảm nhận một mảng lớn của hồi sức ngoại, đó là điều trị hồi sức cho bệnh nhân đa chấn thương và hậu phẫu cũng như bệnh nhân sốc nhiễm trùng có chỉ định phẫu thuật. Mỗi ngày, lượng bệnh lưu chuyển ở nhóm này khoảng trên dưới 10 trường hợp.

Khi được hỏi về những khó khăn vất vả, bác sĩ Trần Thanh Tùng cho rằng “ai làm ngành y đều phải làm hết sức vì người bệnh”. Tuy nhiên do đặc thù của khoa, hầu hết các bệnh nhân vào khoa đều ở tình trạng bệnh diễn nặng, chính vì thế cả khoa luôn được đặt vào tình thế tập trung cao độ.

Ở mảng gây mê, trước mỗi bệnh nhân, công việc đầu tiên của bác sĩ gây mê là kiểm tra xác định toàn bộ thông tin hành chính của người bệnh, kiểm tra các thuốc dừng trước mổ, thuốc ngưng trước mổ. Cùng thời điểm này, điều dưỡng gây mê chuẩn bị dụng cụ. Việc gây mê được bác sĩ gây mê tiến hành và đến khi bác sĩ gây mê ra hiệu thì phẫu thuật viên mới vào công việc của mình.

“Bác sĩ và điều dưỡng gây mê như những người giữ linh hồn của ca mổ. Chúng tôi phải túc trực đồng hành cùng phẫu thuật viên để theo dõi mọi chỉ số sinh tồn của bệnh nhân. Nhất là những ca mổ mạch máu lớn, khối bướu lớn cần phải theo dõi sát để chỉ định truyền máu kịp thời, chỉ định giảm đau kịp thời. Với phẫu thuật viên, ca mổ hoàn tất khi đóng dao mổ, còn với những người “về sau” như chúng tôi, mọi việc còn lại như chăm sóc bệnh nhân, ngưng thuốc mê kết hợp giảm đau, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, theo dõi dẫn lưu, lượng máu mất…phải được thực hiện và theo dõi chặt chẽ đến khi bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn. Riêng với trường hợp hồi sức lâu dài, tình trạng chuyển biến sinh tồn của bệnh nhân phải được theo dõi từng giờ, từng ngày và kéo dài hơn một tháng là chuyện thường”.

Công việc gây mê âm thầm là thế, tuy nhiên vẫn có những lúc cả khoa phải khẩn trương chạy đua, đó là có ca báo động đỏ. Trước tình hình bệnh nhân sốc mất máu do đa chấn thường, các bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý của khoa phải tranh thủ từng phút giây. “Khi đó, chúng tôi bỏ qua tất cả mọi thứ, kể cả việc bệnh nhân không có tiền đóng viện phí, chỉ để tập trung cứu chữa. Mọi thứ cứ như thế. Chuyện không kịp ăn hoặc nhìn đồng hồ thấy đã quá muộn là quá đỗi bình thường”, bác sĩ Tùng nói.

viec-theo-doi-dau-hieu-sinh-ton-cua-cac-benh-nhan-tai-khoa-gay-me-hoi-suc-ngoai-phai-duoc-thuc-hien-lien-tuc.jpg
Việc theo dõi dấu hiệu sinh tồn của các bệnh nhân tại Khoa Gây mê - Hồi sức Ngoại phải được thực hiện liên tục

Ở vai trò lãnh đạo khoa, hiểu được nỗi vất vả của anh chị em, bác sĩ Tùng cho biết dù không buông lỏng nguyên tắc quản lý, nhưng lãnh đạo khoa luôn tạo mọi điều kiện từ cách làm việc cho đến mọi thứ để anh chị em có tinh thần làm việc thật thoải mái.

“Riêng cá nhân tôi, khi đã chọn công việc tại khoa thì ngay từ đầu tôi đã xác định mọi thứ đã như thế. Khi lên vị trí quản lý, bệnh viện thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai. Nhiều lúc về đến nhà nhưng đầu óc vẫn phải nghĩ đến công việc, nhất là khi có ca bệnh cần chỉ đạo hay hội chẩn ca khó. Kể cả ngày nghỉ phép hay lúc tối ngủ, chiếc điện thoại của tôi luôn túc trực ở đầu giường để khi bệnh viện cần thì tiếp nhận ngay. Dành quá nhiều thời gian cho công việc, đôi lúc tôi cảm nhận người nhà xót mà có những biểu hiện, tuy nhiên mọi thứ cũng qua đi do tôi may mắn có bà xã làm cùng nghề”.

Cùng gắn bó 22 năm với khoa, chị Phùng Thị Xuân Vinh, từ là điều dưỡng Hồi sức đến phụ phòng mổ, cho đến nay đã là điều dưỡng trưởng, nói, với những người làm việc tại khoa, chuyện thức trắng 24/24 không còn lạ. Vất vả là thế nhưng khi những ca bệnh nguy kịch, những trường hợp báo động đỏ được cứu sống, cái cực nhọc như tan biến.

“Có thể lúc đầu, ai đó đến với công việc nào đó là do việc chọn mình, nhưng khi đã xông pha vào làm thì mình lại chọn nghề và quyết định ở lại với nghề. Với chúng tôi, chính sự sống của các bệnh nhân sau những nổ lực không mệt mỏi, đã là niềm hạnh phúc, là động lực khiến chúng tôi không gắn bó lâu dài. Thật lòng, cũng có đôi khi chạnh lòng muốn rời đi, nhưng rồi chính ánh mắt thiêm thiếp của những bệnh nhân, hay những dòng sóng tim trồi sụt ngắt quãng trên màn hình đã níu kéo mình ở lại. Họ như vậy. Đi sao đành”, chị Vinh tâm sự.

Còn với bác sĩ Trần Thanh Tùng, “Công việc khiến nhiều lúc phải đi sớm về khuya vất vả, thế nhưng khi nhìn các đồng nghiệp tâm huyết với nghề, hay thấy một bệnh nhân từ hôn mê sau đến lúc tỉnh táo, lòng tôi bỗng dưng ấm lại. Mỗi khi đã yêu thương và thấy được ý nghĩa của việc mình làm cho cuộc đời thì gian lao mấy cũng thành chuyện nhỏ”.

Thiên Chương