Bệnh viện Thống Nhất định hướng trở thành bệnh viện lão khoa toàn diện hạng đặc biệt
Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) phát triển thành bệnh viện lão khoa toàn diện, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ và người dân là phù hợp nhu cầu và định hướng phát triển của ngành y tế.
Trong buổi phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông - Thời sự Y học, TTƯT.PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), đã chia sẻ như vậy.
Bệnh viện Thống Nhất định hướng phát triển bệnh viện Lão khoa toàn diện là phù hợp nhu cầu
Chiều ngày 26/01, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Thống Nhất. Thứ trưởng đã đề nghị bệnh viện cần khẩn trương xây dựng đề án báo cáo lãnh đạo Bộ về định hướng xây dựng Bệnh viện trở thành bệnh viện lão khoa toàn diện hạng đặc biệt. Xin ông nói thêm về đề án này?
TTƯT.PGS.TS.BS Lê Đình Thanh
Ngay từ khi tiền thân là K71 trong chiến khu, Đại tá.BS Nguyễn Thiện Thành đã có những học hỏi, nghiên cứu về lão khoa phục vụ cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cán bộ. Ngay khi tiếp quản Bệnh viện Vì dân thành lập Bệnh viện Thống nhất đảm nhiệm công tác bảo vệ sức khỏe cán bộ quân dân chính Đảng, Ông đã bắt tay vào xây dựng bộ môn Lão khoa và Tích tuổi học.
Năm 1986, Bộ môn Lão khoa và Tích tuổi học đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại Bệnh viện Thống nhất. Đây là bộ môn Lão khoa có tuổi đời lâu nhất, đã đào tạo ra đội ngũ bác sĩ Lão khoa đông đảo phục vụ cho các tỉnh phía Nam và Nam Tây nguyên.
Bệnh viện Thống Nhất cũng là bệnh viện có số lượng bệnh nhân người cao tuổi (NCT) đông nhất cả nước vì đối tượng phục vụ chủ yếu là cán bộ, chính vì vậy chuyên ngành lão khoa tại đây rất phát triển.
Bên cạnh đó, đứng trước tình trạng già hóa dân số, với vai trò là Bệnh viện bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đa khoa tuyến cuối, Bệnh viện Thống Nhất có trách nhiệm phấn đấu trở thành bệnh viện Lão khoa toàn diện hạng đặc biệt để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ, nhân dân và làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực lão khoa.
Điều này cũng phù hợp với nghị quyết của Bộ Chính trị đưa y tế TP.HCM thành trung tâm sức khỏe của khu vực Asian. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã có sự chỉ đạo về việc đẩy nhanh việc thực hiện đề án này.
Hơn thế nữa, với những người làm ngành y, đặc biệt là chuyên ngành lão khoa, chúng tôi luôn mong muốn người cao tuổi ngày càng sống tốt hơn, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận điều trị khoảng 1.200 bệnh nhân nội trú, thăm khám cho khoảng gần 4.000 lượt khám bệnh. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên chiếm 70% và hầu như mỗi ngày đều có ca phẫu thuật, can thiệp với những bệnh nhân hơn 90 tuổi.
Một người cao tuổi trung bình mắc ba bệnh, trong đó chủ yếu là bệnh mạn tính: Ðái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ, parkinson, đột quỵ… cần nhiều thời gian điều trị hay thậm chí phải điều trị suốt đời. Mặt khác, người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc. Do đó, chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần so với người trẻ tuổi.
- TTƯT.PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM)
Với tốc độ già hóa nhanh, thời gian chuyển từ "dân số vàng" sang giai đoạn dân số già quá ngắn, nước ta nói chung, TP.HCM nói riêng đang và sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức như thế nào trong chăm sóc y tế, an sinh xã hội cho người cao tuổi?
Với tốc độ già hóa nhanh, thời gian chuyển từ "dân số vàng" sang giai đoạn già hóa dân số và sớm trở thành nước có dân số già, nước ta nói chung, TP.HCM nói riêng đang và sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Vì vậy, chúng ta cần phải có chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực đối phó với tình trạng già hóa dân số bao gồm cả kinh tế, chính trị và xã hội.
Trong đó, ngành y tế cần phải xây dựng chiến lược riêng cho chăm sóc toàn diện sức khỏe người cao tuổi. Gồm có: chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà theo nguyên lý y học gia đình; điều trị các bệnh lý cấp và mạn tính tại bệnh viện có chuyên ngành lão khoa theo nguyên lý lão khoa; phục hồi chức năng các cơ quan tại các trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng...
Chiến lược này cần phải xây dựng căn cơ, dài hơi, toàn diện; cần nhiều nguồn lực từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư, thuốc men chuyên dụng đến nguồn nhân lực chuyên sâu tận tâm được đào tạo bài bản. Hiện nay, phải thừa nhận rằng, chúng ta còn yếu và thiếu - nhiều nơi cứ mệnh danh là lão khoa nhưng thực chất chưa nắm được nguyên lý điều trị lão khoa là gì.
TP.HCM là đô thị đông dân nhất cả nước, tỷ lệ dân số già cao nhưng chưa có một cơ sở y tế dành cho lão khoa nào; toàn bộ phía Nam cũng chưa có; chỉ một số bệnh viện có khoa Lão.
Lão khoa là một lĩnh vực tương đối mới nhưng đã phát triển nhanh, nhận được sự quan tâm rất lớn của ngành y tế trong bối cảnh xã hội hiện nay. Trong xã hội hiện đại, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng lên cùng với đó là số người cao tuổi cần đến sự chăm sóc y tế ngày càng nhiều.
Việt Nam là một trong những quốc gia đang bắt đầu có tỷ lệ dân số già cao, vấn đề lão khoa trong y học đang rất được quan tâm cùng với xu hướng chung của thế giới. Dự báo trong thập niên tới sẽ là thời kỳ phát triển rất mạnh mẽ của chuyên ngành Lão khoa, chúng ta cần có sự chuẩn bị, bắt nhịp với sự phát triển đó.
Bệnh viện Thống Nhất chúng tôi đặc thù là một bệnh viện bảo vệ, chăm sóc, khám chữa bệnh cho cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đối tượng bệnh nhân là người cao tuổi chiếm tỷ lệ rất cao, với số lượng bệnh nhân lớn tuổi có thể đông nhất cả nước. Do vậy Bệnh viện Thống Nhất xây dựng định hướng trở thành bệnh viện Lão khoa toàn diện là phù hợp nhu cầu và định hướng phát triển.
Ông có thể chia sẻ một vài động lực liên quan đến việc phát triển Bệnh viện Thống Nhất trở thành nơi chăm sóc lão khoa toàn diện hạng đặc biệt.
Người cao tuổi phải đối mặt với quá trình lão hóa, suy yếu và đa bệnh lý. NCT từ 65 tuổi trở lên thường có 3 - 5 bệnh lý đồng mắc, các quá trình này thường song hành, tạo nên vòng xoắn tăng nặng lẫn nhau. NCT thường có những biến đổi về tâm sinh lý, luôn có nhu cầu về yêu thương, tôn trọng và quan tâm chăm sóc nhưng rất dễ bị tổn thương, để tủi thân tự ái.
Do đó việc chăm sóc, theo dõi, điều trị cho NCT hết sức khó khăn, cần phải được đào tạo bài bản chuyên sâu đặc biệt là phải tận tâm am hiểu lĩnh vực Lão khoa. Chăm sóc tại nhà như thế nào? Điều trị ra sao, cần phục hồi chức năng gì? Tất cả cần được đào tạo chuyên sâu và cá thể hóa. Cái này hiện giờ chúng ta làm chưa được. NCT tại nhà vẫn chưa được chăm sóc đầy đủ đúng cách.
Người già thường cảm thấy cô đơn lạc lõng ngay trong chính ngôi nhà của mình, nhu cầu tâm sự giao tiếp, nhu cầu được tôn trọng lắng nghe thấu hiểu chưa được quan tâm. Các bệnh lý mạn tính không được phát hiện, theo dõi đầy đủ, thường bỏ sót hoặc đưa đến cơ sở y tế muộn khi bệnh đã tiến triển nặng.
Tại một số cơ sở y tế không có chuyên khoa lão, thậm chí nhân viên y tế cũng có thể bỏ sót hoặc chưa kịp thời phát hiện các bệnh đồng mắc, không điều trị theo nguyên lý y học NCT cho nên thường làm tổn thương nhiều cơ quan trọng khi điều trị một bệnh lý chuyên khoa nào đó. NCT cũng chưa được PHCN đúng và sớm cho nên các cơ quan thường suy yếu và lão hóa nhanh chóng và không có khả năng phục hồi.
Do vậy, tuổi thọ người Việt Nam đã tăng lên đáng kể (75,6 tuổi) nhưng chất lượng cuộc sống không tăng tương xứng. Tỷ lệ NCT suy yếu, tàn tật, tàn phế, không tự phục vụ được nhu cầu tối thiểu của bản thân còn khá cao. Chúng ta cần có những nghiên cứu đầy đủ về chủng tộc, phong tục tập quán thói quen, công việc, những bệnh thường gặp của người Việt Nam! Quá trình lão hóa suy giảm chức năng các cơ quan của người Việt để có chiến lược đối phó dự phòng với tình trạng già hóa dân số.
Xu hướng trong Lão khoa là dự phòng sớm và điều trị toàn diện
Trong năm 2023, Bệnh viện Thống Nhất đã triển khai những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới nào? Đặc biệt trong chuyên ngành lão khoa?
Bệnh viện đã chú trọng phát triển hầu hết các khoa chuyên về lão khoa: Tim mạch người cao tuổi gồm một bộ phức hợp giữa Ngoại Tim mạch Lồng ngực, Nội tim mạch, Tim mạch Cấp cứu Can thiệp (trong đó có cả can thiệp mạch vành, mạch não, mạch ngoại vi) và Nhịp tim; Cơ xương khớp người cao tuổi kết hợp giữa Chấn thương Chỉnh hình, Nội cơ xương khớp, Phục hồi Chức năng, Y học Cổ truyền và Ngoại thần kinh; Ung bướu người cao tuổi chẩn đoán và điều trị hầu hết các bệnh ung thư thường gặp; các rối loạn chuyển hóa lão khoa…
Nhiều ca phẫu thuật cho bệnh nhân lớn tuổi đa bệnh lý được thực hiện thường xuyên và chiếm tỷ lệ thành công cao bởi nền tảng mạnh về nội khoa, lão khoa, sự hỗ trợ ngoại khoa.
Năm 2023, Bệnh viện Thống Nhất đã phát triển rất nhiều kỹ thuật hướng tới NCT trên tất cả các chuyên khoa. Hầu như mỗi khoa đều có ít nhất một kỹ thuật mới, một sáng kiến mới.
Đơn cử trong tim mạch: kỹ thuật khoan mảng vữa xơ trong can thiệp động mạch vành khó, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh OCT (Chụp cắt lớp kết hợp quang học), IVUS (siêu âm trong lòng mạch) giúp đánh giá tổn thương khó ở mạch vành, sử dụng kỹ thuật vẽ bản đồ điện học trong tim (INSIDE -3D) trong chẩn đoán và điều trị loạn nhịp khó; kỹ thuật phẫu thuật tim mạch xâm lấn tối thiểu cho NCT. Can thiệp mạch não, mạch tạng, mạch chi khó ở NCT được đẩy mạnh.
Các đơn vị hồi sức chuyên sâu được triển khai và mở rộng như: Hồi sức Tim mạch, Hồi sức Hô hấp, Hồi sức Thần kinh, phòng khám Ngất, Điều trị bàn chân Đái tháo đường, kỹ thuật nội soi bóc Tiền liệt tuyến xây mô…; kỹ thuật phục hồi chức năng cánh tay, bàn tay Robot, phục hồi chức năng nuốt và giọng nói; đặc biệt triển khai kỹ thuật ghép thận tiến tới nghiên cứu ghép thận và một số tạng trên NCT...
Xin ông chia sẻ thêm về xu hướng mới trong chăm sóc lão khoa
Xu hướng trong Lão khoa là Dự phòng sớm và điều trị toàn diện. Cần phải hiểu lão hóa là một quá trình, nó có thể xuất hiện rất sớm kể từ ngày còn trẻ vì vậy cần phải có một cơ thể khỏe mạnh, ngay từ khi sinh ra và lớn lên với đầy đủ dưỡng chất miễn dịch sức đề kháng và một tinh thần khỏe mạnh, tri thức đầy đủ để hiểu biết và ứng phó đối diện với quá trình lão hóa.
Có nghĩa là ta cần chuẩn bị một nền tảng tốt cho một quá trình lão hóa khỏe mạnh, hay còn gọi là “lão hóa thành công”. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời hiệu quả các bệnh lý cũng là một quá trình cần thiết cho sự chuẩn bị này.
NCT cần được đánh giá lão khoa toàn diện, đánh giá suy yếu, đánh giá nguy cơ (té ngã, tim mạch, ung bướu...); các bệnh lý đang mắc và đồng mắc trước khi ra quyết định điều trị. Việc phục hồi chức năng sớm, phục hồi chức năng các cơ quan chuyên sâu là hết sức cần thiết giúp NCT sớm phục hồi và có chất lượng cuộc sống tốt.
Hiện nay có rất nhiều bệnh không còn là “đặc quyền” của người cao tuổi, như cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý liên quan đến thận, đái tháo đường... Bệnh viện Thống Nhất sẽ có những chiến lược nào chăm sóc, điều trị cho các đối tượng ở độ tuổi trẻ hơn để giúp quá trình lão hóa thành công như ông đề cập ở trên?
Hiện nay, rất nhiều bệnh đặc trưng của người cao tuổi, như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý liên quan đến thận, đái tháo đường... đã xuất hiện rất sớm trên những người trẻ. Thay đổi lối sống, thói quen, chế độ dinh dưỡng, công việc căng thẳng… làm cho xuất hiện nhiều yếu tố nguy cơ bệnh lý, quá trình lão hóa cũng bị thúc đẩy sớm hơn.
Chính vì vậy, Bệnh viện Thống Nhất đã quan tâm và cảnh báo điều này từ rất sớm. Nhiều nghiện cứu về sự lão hóa sớm, sự tăng tần suất mắc bệnh và sự trẻ hóa các bệnh lý và cũng đưa ra nhiều thông tin cảnh báo về vấn đề này. Hiện, bệnh viện đang tăng cường theo dõi tầm soát sức khỏe cho các đối tượng thuộc diện theo dõi của mình để có cảnh báo sớm, đưa ra các biện pháp dự phòng cũng như phương pháp điều trị sớm phù hợp.
Với định hướng xây dựng Bệnh viện trở thành bệnh viện lão khoa toàn diện hạng đặc biệt, trong những năm gần đây công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của Bệnh viện đã có những nghiên cứu nào liên quan đến lão khoa?
Trong thời gian qua, bệnh viện đã định hướng và tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hằng năm, số người đi học sau đại học ngày càng tăng. Trong năm vừa qua đã có một bác sĩ được phong hàm phó giáo sư, 30 người tốt nghiệp tiến sĩ và chuyên khoa sau đại học; hiện đang có trên 150 nhân viên y tế đang đi học sau đại học từ thạc sĩ, chuyên khoa hai đến tiến sĩ.
Hiện nay bệnh viện đang tập trung đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu như ghép thận, ghép gan, mổ tim can thiệp tối thiểu, can thiệp mạch tạng, mạch não và các mạch khó khác; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu quá trình lão hóa các cơ quan và bệnh lý đặc trưng ở NCT.
Năm 2023, Bệnh viện Thống Nhất có hơn 150 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, đề tài cấp bộ và tỉnh thành, một đề tài cấp nhà nước. Nhiều bài báo đăng trên các tạp chí y học trong nước và quốc tế có uy tín. Bệnh viện cũng đã biên soạn được nhiều tài liệu giảng dạy tài liệu tham khảo chuyên khảo về lĩnh vực lão khoa.
Chăm sóc người cao tuổi khó khăn như thế nào? Hiện nay, chủ yếu người cao tuổi được chăm sóc tại nhà. Nhưng trong tương lai, theo ông xu hướng này sẽ ra sao? Ngành y tế nên làm thế nào?
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi hiện gặp rất nhiều khó khăn nhất là đối với người cao tuổi Việt Nam. Người cao tuổi thường sống ở nhà một mình hoặc cùng với người cao tuổi khác. Thiếu sự trợ giúp hoặc theo dõi của những người có đủ trình độ cũng như minh mẫn để đánh giá được tình trạng của người bệnh.
Người cao tuổi khi bị bệnh, các triệu chứng thường không điển hình hoặc bị che lấp bởi các triệu chứng thông thường khác hoặc bị che lấp bởi các suy nghĩ, suy luận không chính thống.
Người cao tuổi cũng thường hay tự ti và ít muốn làm phiền người khác cho nên thường hay giấu các triệu chứng của mình cùng với các biến đổi tâm sinh lý khác làm cho việc phát hiện bệnh lý cũng như việc đi đến các cơ sở y tế thường chậm trễ.
Theo tôi việc chăm sóc người cao tuổi tại nhà cần được hệ thống y tế cơ sở theo dõi, chăm sóc điều trị theo nguyên lý y học gia đình một cách liên tục và chặt chẽ. Như vậy, NCT sẽ được theo dõi thường xuyên đúng chuyên ngành không bỏ sót hay chậm trễ việc phát hiện bệnh. Tổ chức các y tế cơ sở này có mối liên hệ chặt chẽ với các trung tâm y tế lão khoa chuyên sâu để được tư vấn hoặc chuyển bệnh đến nơi kịp thời.
Vậy làm sao chúng ta xây dựng một chiến lược chăm sóc, theo dõi, điều trị cho người cao tuổi thành một hệ thống hoàn chỉnh?
Như tôi đã trao đổi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần được xây dựng một chiến lược toàn diện với đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và y tế.
Trong đó, các lĩnh vực như kinh tế - xã hội là hết sức quan trọng giúp cho người cao tuổi thấy mình còn được tôn trọng, còn có ích cho xã hội, có ích cho con cháu, có ích cho gia đình. Người cao tuổi cần được quan tâm chăm lo và sống trong một môi trường thân thiện có đầy đủ các mối quan hệ xã hội.
Riêng ngành y tế cần xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu tại gia đình dựa trên nguyên lý y học gia đình; xây dựng các trung tâm y tế lão khoa chuyên sâu ở các khu vực thuận tiện cho việc tiếp nhận các bệnh nhân lão khoa; xây dựng các trung tâm phục hồi chức năng các cơ quan cho người cao tuổi chuyên sâu và phù hợp.
Nhân đầu năm mới, ông có lời chúc nào gửi đến những người dân nói chung, người cao tuổi nói riêng?
Nhân dịp năm mới xin kính chúc các bậc cao niên có một cuộc sống vui sống khỏe, sống có ích; luôn luôn lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình để được các nhân viên y tế hoặc các cơ sở y tế theo dõi tầm soát điều trị sớm kịp thời; đặc biệt là có các phương pháp dự phòng bệnh tật hợp lý. Chúc người cao tuổi Việt Nam có tỷ lệ lão hóa khỏe mạnh ngày càng cao.
Xin cảm ơn TTƯT.PGS.TS.BS Lê Đình Thanh!
Theo dữ liệu quốc gia về dân cư, năm 2022, số người cao tuổi (hơn 60 tuổi) của TP.HCM là 1.033.355 người (chiếm tỷ lệ 11,03% dân số). Thành phố bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số, chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp, tuổi thọ trung bình tăng cao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khu vực Ðông Nam Á, tuổi thọ nam giới của Việt Nam đứng thứ năm và tuổi thọ phụ nữ đứng thứ hai. Nhưng cuộc sống của người cao tuổi Việt Nam phải sống trung bình với 10 năm bệnh tật, cao hơn các nước.