Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Phước Lộc dự lễ khai hội Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM
Sáng 24/2, Ngày thơ Việt Nam năm 2024 tại TP.HCM với chủ đề “Thành phố này tôi đến tôi yêu” chính thức khai mạc tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Trường Lưu, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM; Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM…
Ngày thơ năm 2024, diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng, tức ngày 23, 24/2/2024 gồm các nội dung chính: Hội thảo “Thơ - nhạc, tương sinh hay tương khắc” nhằm nâng cao hơn về chất lượng sáng tác ở cả hai loại hình thơ - nhạc, cũng như làm rõ hơn mối tương quan. Sân thơ thiếu nhi lần đầu tổ chức với nhiều nội dung nhằm góp phần khích lệ tác giả sáng tác thêm nhiều tác phẩm cho thiếu nhi mà cả người lớn cũng đọc. Sân thơ thiếu nhi sẽ mang đến các hoạt động như: Vui chơi các trò chơi văn học, giao lưu cùng nhiều nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi: Trần Quốc Toàn, Lê Luynh, Trung Dũng KQĐ, Phương Huyền, Võ Thu Hương, Tiểu Quyên… Năm nay, Ban Tổ chức tinh gọn và lựa chọn 12 Câu lạc bộ thơ nhằm nâng chất lượng hoạt động của mỗi CLB trong Ngày thơ. Đây cũng là lực lượng quan trọng làm nên sắc thái của ngày hội thơ ca mỗi năm tổ chức một lần.
Được xem là một trong những hoạt động trong các ngày lễ lớn của TP.HCM, Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà văn tổ chức luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo TP.HCM. Ngày thơ Việt Nam năm Giáp Thìn cũng là một phần của lễ hội Nguyên tiêu của TP.HCM, trở thành điểm hẹn ý nghĩa thú vị cho sự kết nối tâm hồn không chỉ của công chúng văn chương, chứng minh sức sống tinh thần sinh động và khát vọng sáng tạo không ngừng ở đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam. Vì vậy công tác tổ chức luôn chú trọng ở từng công đoạn hết sức tỉ mỉ và được giao cho nhà thơ Phùng Hiệu đảm trách.
Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc trực tiếp mời lãnh đạo của Sở VH - TT TP.HCM, Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM và đại biểu khách mời lên sân khấu, thực hiện nghi thức đánh trống khai hội Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM lần thứ 22, với chủ đề Thành phố này tôi đến tôi yêu.
Phát biểu khai mạc chương trình, nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho hay, Ngày thơ Việt Nam năm nay tại TP.HCM được diễn ra trong không khí mùa xuân Giáp Thìn rộn rã với bao nhiêu dự định mới, hoài bão mới của người dân TP.HCM đang cùng cả nước, vì cả nước tăng tốc hội nhập quốc tế một cách tự tin và bền vững. TP.HCM không chỉ đạt được vị trí một đô thị lớn nhờ thành tựu kinh tế thịnh vượng và an sinh xã hội, mà TP.HCM luôn lấp lánh vẻ đẹp của lòng hào hiệp và sự cưu mang. Vì vậy, Hội Nhà văn TP.HCM quyết định chọn chủ đề “Thành phố này tôi đến tôi yêu” cho Ngày thơ Việt Nam 2024. “Thành phố này tôi đến tôi yêu” chính là cảm xúc thường xuyên xuất hiện trong lòng mỗi người khi đặt chân đến TP.HCM, dẫu chỉ một lần ghé qua thăm viếng hay một đời định cư mưu sinh.
Trước đó, vào 22/2, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức chương trình họp mặt văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn 2024.
Tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cảm ơn các văn nghệ sĩ đã luôn hướng về Thành phố thông qua các tác phẩm và các ý kiến góp ý cho lãnh đạo Thành phố. Nhờ các góp ý này mà lãnh đạo Thành phố có quyết định để xây dựng Thành phố đúng hướng hơn.
“Lãnh đạo Thành phố luôn lắng nghe, tiếp thu và tổ chức thực hiện đạt kết quả ngay khi có thể. Chính quyền TP phải tiếp tục tạo ra môi trường gồm cảm hứng, sự đầu tư để sáng tác văn học nghệ thuật được phát triển hơn” – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết, TP đang tập trung đầu tư cho ngành văn hóa ngang bằng với kinh tế, tuy nhiên chưa đạt được mong muốn. Tuy nhiên, trong quá trình quyết định đầu tư thì cũng tính đến sự đầu tư ngày càng lớn hơn cho lĩnh vực văn hóa, đầu tư cho cơ sở vật chất thiết chế, đào tạo nhân lực. Đồng thời, chính sách phát triển văn hóa, không chỉ là đầu tư của ngân sách, các đơn vị công lập mà có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tham gia quá trình sáng tạo, trong quá trình phát triển văn hóa. TP tập trung thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội để có nhiều cơ chế huy động các lực lượng xã hội tham gia sáng tạo văn học nghệ thuật.