Y học

Da đầu bị lóc toàn bộ được ghép vi phẫu, cô gái đã mọc tóc trở lại

Khởi Nguyên 20/02/2024 15:28

TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Khoa Phỏng - Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận và ghép thành công 1 ca da đầu bị lóc toàn bộ do tai nạn lao động. Bệnh nhân đã mọc tóc trở lại.

Ngày 20/2, TS.BS Ngô Đức Hiệp cho biết, nữ công nhân (sinh năm 1996, ở Tây Ninh) gặp nạn khi cúi người về phía trước để làm việc với máy kéo sợi thì bị lực của máy kéo hút tóc vào. Do không đội mũ bảo hộ, cô gái bị lóc da đầu toàn bộ, đứt một phần vành tai bên trái.

Sau khi sơ cứu lần lượt tại các bệnh viện địa phương, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy Bệnh viện Chợ Rẫy ba giờ sau tai nạn vào ngày 18/1/2024. May mắn, trong lúc bệnh nhân được đưa đi cấp cứu, đồng nghiệp của cô đã lấy mảng da đầu bị lóc bỏ vào túi nylon buộc lại, đặt vào thùng đá và chuyển đến bệnh viện sau đó.

thuc-hien-ca-ghep-vi-phau-manh-da-dau.png
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống kính hiển vi, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thành công da đầu bị lóc hoàn toàn sau tai nạn lao động, nối vành tai lại cho bệnh nhân.

Xác định bệnh nhân cần ghép da trong thời gian vàng 6 giờ đầu, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện báo động đỏ, phẫu thuật cấp cứu nối vi phẫu mảnh da đầu đứt rời. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống kính hiển vi, hai ê kíp phối hợp phẫu thuật 4,5 giờ, ghép thành công da đầu, nối vành tai lại cho bệnh nhân.

"Da đầu bị máy quấn xé, mạch máu nuôi bị dập nát gần như toàn bộ, khiến việc bảo tồn và nối gặp nhiều khó khăn", bác sĩ Hiệp nói. Trước khi thực hiện vi phẫu, các bác sĩ phải mất nhiều thời gian để xử trí mảng da đầu bị lóc rời, rửa và làm sạch tóc.

Sau mổ, các bác sĩ phối hợp nhiều biện pháp chăm sóc, giúp vạt da tưới máu tốt, vành tai lành thương "gần như hoàn hảo". Tái khám sau một tháng ghi nhận vết thương lành tốt, tóc mọc lại.

Theo bác sĩ Hiệp, nếu để qua 6 giờ đầu, cơ hội sống của mảnh da sau ghép không nhiều. Từ 6 giờ trở đi, tỷ lệ hoại tử tăng dần, bởi bộ phận rời khỏi cơ thể càng lâu, bị mất máu nuôi càng nhiều.

tim-kiem-va-boc-tach-mach-mau.png
Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 8 - 10 ca lóc da đầu, chủ yếu do tai nạn lao động.

Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 8 - 10 ca lóc da đầu, chủ yếu do tai nạn lao động. Đa số từ các tỉnh xa, sơ cứu không đúng cách, đem đến viện trễ, không phẫu thuật nối được.

BS.CKII Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, khuyến cáo mọi người cần đảm bảo an toàn lao động. Ông nhấn mạnh: "Có những bộ phận trên cơ thể không quyết định sự sống nhưng nếu thiếu nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, như bệnh nhân bị lóc toàn bộ da đầu nói trên."

Bên cạnh đó, BS.CKII Phạm Thanh Việt nói thêm rằng: “Bệnh nhân bị đứt rời da đầu nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Da đầu, chi thể bị tổn thương cần sơ cứu đúng cách bằng cách bỏ vào bịch nylon, cột lại rồi bỏ vào thùng nước đá. Không bỏ trực tiếp chi thể vào nước đá, dễ gây hỏng các bộ phận này.”

Trong trường hợp này, nếu đồng nghiệp bệnh nhân không giữ được mảnh da đầu, việc điều trị sẽ rất khó khăn, nguy cơ vĩnh viễn không mọc tóc. Có những bệnh nhân, bị lóc một phần da đầu, bác sĩ áp dụng phương pháp lấy da mỏng từ da đầu bị bong lóc, hoặc lấy da mỏng chỗ khác trên cơ thể ghép vào để da đầu được che phủ, nhưng không thể mọc tóc trở lại.

Một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật đặt túi giãn da vùng đầu bệnh nhân để lấy ghép vào vùng tổn thương, giúp bệnh nhân có tóc, song cách điều trị này khá tốn kém, mất thời gian.

Khởi Nguyên