Đô thị

Khám phá Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM (Kỳ 2): Ứng dụng AI dự báo nhu cầu giao thông, cảnh báo kẹt xe

HOÀNG NGUYỄN 11/02/2024 - 12:46

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM sẽ được tăng cường chức năng thông minh của camera để giám sát, làm việc thay con người nhiều hơn và ứng dụng phần mềm AI để phân tích hình ảnh, cảnh báo kẹt xe,...

Kỳ trước: Khám phá Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM (Kỳ 1): 'Mắt thần' giám sát giao thông

UTMC đang thực hiện các chức năng chính của hệ thống giao thông thông minh (Intelligent transportation system, viết tắt là ITS) bao gồm: Giám sát, điều khiển, cung cấp thông tin, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông và mô phỏng giao thông. UTMC hoạt động trên cơ sở áp dụng các mô hình hoạt động của các Trung tâm quản lý điều hành giao thông hiện đại trên thế giới (TOPIS của Hàn Quốc, hệ thống quản lý iTransport của Singapore...).

khu-vuc-giam-sat-van-hanh.jpg
Khu vực giám sát và vận hành hệ thống tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị.

Điều khiển đèn linh hoạt, tăng tần suất phục vụ các tuyến đường 10% -15%

Ông Đoàn Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM cho biết, các chức năng hệ thống đáp ứng hiện nay là: quản lý, ghi hình tập trung tất cả các camera do Sở Giao thông vận tải đầu tư lắp đặt; điều khiển, giám sát linh hoạt trên các màn hình hỗ trợ công tác vận hành camera giao thông đạt hiệu quả cao, thuận tiện trong việc theo dõi các sự cố giao thông; hỗ trợ chia sẻ hình ảnh camera giám sát giao thông đến các đơn vị phối hợp như: Sở Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc (các Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ), các Trung tâm chỉ huy cấp Quận, UBND TP, Công an TP,…; hỗ trợ truy xuất dữ liệu tai nạn giao thông phục vụ các công tác điều tra.

Hằng tháng và hằng quý, UTMC tiến hàng tổng hợp báo cáo dữ liệu quan trắc giao thông (lưu lượng, vận tốc) để đưa ra các kịch bản, chiến lược điều khiển đèn sao cho phù hợp với tình hình giao thông của TP ở từng thời điểm. Hệ thống đèn tín hiệu giao thông được điều khiển thông qua cảm biến, quan trắc, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 điểm trên đường có kết nối về trung tâm điều khiển, trong phạm vi 36 km2. Chiến lược “làn sóng xanh” được thực hiện đối với các cặp tuyến đường một chiều song song: Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu; Pasteur, Trương Định; Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi và chu kỳ ngắn đối với các tuyến đường bàn cờ khu vực trung tâm Quận 1, Quận 3. Vì vậy, các phương tiện lưu thông với vận tốc trung bình 30-35 km/h sẽ có thể lưu thông thuận lợi qua nhiều nút giao thông liên tục.

kich-ban-den.jpg
Giao thông trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 1.

“Hệ thống vận hành cơ bản đáp ứng tốt với thói quen và hành vi của người tham gia giao thông: việc dừng chờ đèn ngắn, giảm chiều dài dòng chờ đèn tín hiệu, từ đó giảm thời gian bắt đầu nhập nút, tăng tần suất phục vụ các tuyến đường (vận tốc trung bình tăng 10% -15% trên các tuyến đường thông qua giải pháp điều khiển đèn linh hoạt) giúp người tham gia giao thông cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông”, ông Tấn chia sẻ.

Tăng cường chức năng thông minh của camera, triển khai ứng dụng AI

Với định hướng xây dựng một hệ thống ITS, UTMC bước đầu đáp ứng được phần nào nhu cầu về kết nối, lưu trữ và chia sẻ thông tin cho người tham gia giao thông và các cơ quan đơn vị phối hợp. Cổng thông tin giao thông thành phố hoặc ứng dụng TTGT Tp Hồ Chí Minh) một kênh cung cấp thông tin về tình hình giao thông, các tiện ích trên đường, công cụ tìm đường giúp cho người tham gia giao thông có thể lựa chọn lộ trình lưu thông hợp lý, tránh đi qua các khu vực đang xảy ra ùn tắc giao thông. Đồng thời, cũng là kênh tương tác giữa người dân và cơ quan quản lý về các sự cố hạ tầng, kỹ thuật giao thông thông qua website và ứng dụng di động.

Hệ thống ITS cũng đáp ứng được chức năng hỗ trợ xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông (kiểm soát tốc độ và tải trọng của phương tiện tự động) tại 9 vị trí trên các tuyến đường và 6 trạm kiểm soát; tự động nhận diện phương tiện vi phạm (biển kiểm soát, tốc độ, hình ảnh vi phạm, mức tải trọng) và lưu trữ vào hệ thống tập trung, đồng thời chia sẻ kết quả cho Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, lực lượng Thanh tra giao thông TP.HCM.

Tuy nhiên, hiện nay, với các chức năng của hệ thống điều khiển giao thông và hệ thống thu thập dữ liệu quan trắc giao thông vẫn được UTMC tiến hành tổng hợp báo cáo, xây dựng dữ liệu theo phương thức thủ công.

trung-tam-dieu-hanh-giao-thong-tphcm-2-.jpg
Nhân viên giám sát và vận hành hệ thống tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Ảnh: Hoàng Nguyễn.

“Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm chưa có một công cụ tự động nào để thu thập dữ liệu, mô phỏng giao thông theo thời gian thực và có thể dự báo trong tương lai gần đề từ đó đề xuất kế hoạch vận hành đèn tín hiệu giao thông. Vì vậy, UTMC đang thực hiện các kịch bản, chiến lược điều khiển đèn tín hiệu giao thông thích hợp cho các khu vực theo kinh nghiệm của người đánh giá giao thông”, ông Tấn chia sẻ.

Ông Đoàn Văn Tấn cho biết, trong thời gian tới, UTMC sẽ tăng cường chức năng thông minh của camera để giám sát, làm việc thay con người nhiều hơn. Con người vận hành chỉ tiếp nhận thông tin, xử lý từ các đơn vị. Hiện ngành giao thông thành phố đang tập trung nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI trong việc lập các mô hình dự báo nhu cầu giao thông. Giải pháp dự báo giao thông tức thời sẽ được UTMC triển khai thực hiện trong năm 2024, đồng thời, ứng dụng phần mềm AI để phân tích hình ảnh, cảnh báo kẹt xe,...

HOÀNG NGUYỄN