Khám phá Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM
(Kỳ 1): 'Mắt thần' giám sát giao thông
Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM được xem như “mắt thần” giám sát giao thông TP.HCM với hệ thống giao thông thông minh (ITS) hơn 900 camera nhằm giám sát và phối hợp với các đơn vị chức năng để ngăn ngừa ùn tắc, xử lý các sự cố, tai nạn giao thông,…
Tốc độ đô thị hóa nhanh làm gia tăng mạnh về phương tiện và dân số tại TP.HCM nhưng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị lại không phát triển kịp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thường xảy ra ùn tắc giao thông. Sự gia tăng nhanh chóng phương tiện cơ giới cá nhân đã dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng cho mạng lưới đường giao thông thông TP, đặc biệt là trong giờ cao điểm.
Theo kết quả từ mô hình mô phỏng dự báo giao thông tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, số hành trình đi lại trung bình của mỗi người dân TP.HCM là 3,16 chuyến đi/người/ngày (năm 2020), cao hơn so với các đô thị trong khu vực. Dự báo, đến năm 2025 nhu cầu giao thông tại thành phố sẽ đạt trên 41 triệu lượt đi lại/ngày.
Vì vậy, TP.HCM đã tiên phong trong việc xây dựng Đô thị thông minh tại Việt Nam nhằm mang lại những lợi ích cho người dân và đảm bảo sự phát triển bền vững của TP. Phát triển hệ thống ITS được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giải quyết bài toán giao thông tại TP.HCM.
Hệ thống CCTV kết nối, tích hợp hơn 900 camera giám sát
Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (viết tắt là UTMC) thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hoạt động liên tục 24 giờ/7 ngày, với quy mô diện tích 400 m2, tọa lạc tại số 2 đường Mai Chí Thọ, Phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (ngay cạnh đường hầm sông Sài Gòn). “Bộ não” UTMC là Phòng giám sát và vận hành hệ thống giám sát và điều khiển giao thông có diện tích gần 200 m2. Việc giám sát giao thông thực hiện thông qua hệ thống CCTV, kết nối và tích hợp với 935 camera giám sát, 118 camera đo đếm lưu lượng chuyên dụng trên các tuyến đường và được chia làm 2 khu vực: Khu vực giám sát, vận hành hệ thống thiết bị đường hầm và khu vực giám sát, vận hành và điều khiển giao thông thành phố.
Khu vực giám sát, vận hành hệ thống thiết bị đường hầm gồm 9 màn hình 42” để giám sát tình hình giao thông qua đường hầm sông Sài Gòn, 2 màn hình 65” phục vụ công tác vận hành hệ thống thiết bị điện, thông gió, thoát nước và hệ thống khẩn cấp đường hầm. Khu vực giám sát, vận hành và điều khiển giao thông thành phố gồm 2 dãy bàn làm việc để vận hành giám sát hệ thống, 18 màn hình 42” để giám sát camera giao thông, 30 màn hình ghép thành 2 video wall (01 video wall có 09 màn hình 46” và 1 video wall có 21 màn hình 49”) để giám sát, vận hành các hệ thống điều khiển giao thông tích hợp.
Thông qua nhiều màn hình, các nhân viên vận hành trực 24/24 giờ được xem như “mắt thần” giám sát giao thông nhằm ghi nhận tình hình giao thông như ùn tắc, tai nạn, sự cố,… để kịp thời thông tin đến CSGT, thanh tra giao thông phối hợp xử lý. Phần mềm giám sát và xử lý các sự cố giao thông tự động được triển khai trên 40 camera và sẽ tự động đưa ra những cảnh báo cho nhân viên trực điều hành.
Đầu tư hệ thống cung cấp nguồn, mạng truyền dẫn kết nối dữ liệu
Ông Đoàn Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM cho biết, để “bộ não” hoạt động hiệu quả, phòng máy chủ xử lý và lưu trữ dữ liệu, hệ thống cung cấp nguồn và hệ thống cung cấp mạng truyền dẫn kết nối dữ liệu cũng được đầu tư, hoạt động tương xứng.
Phòng máy chủ xử lý và lưu trữ dữ liệu được bố trí trong 1 không gian có diện tích 24m2 (trong phòng điều khiển và giám sát), được trang bị hệ thống tủ rack đặt máy chủ, hệ thống thiết bị mạng, hệ thống truyền dẫn và bảo mật thông tin, hệ thống thông gió và điều hòa nhiệt độ luân phiên, giúp tiết kiệm chi phí tiêu thụ năng lượng nhưng vẫn có thể duy trì nhiệt độ ổn định cho hệ thống máy chủ. Phòng vận hành hệ thống và phòng máy chủ được cung cấp bởi 2 nguồn điện lưới thông qua bộ nguồn dự phòng (UPS) có tổng công suất 80KVA có thể đảm bảo duy trì hoạt động 20 phút khi mất điện lưới; nguồn điện dự phòng từ máy phát 300KVA đảm bảo cung cấp cho toàn bộ hệ thống tại tòa nhà hoạt động bình thường (đáp ứng tức thời sau thời gian 10 giây khi mất nguồn điện lưới).
Hệ thống truyền dẫn kết nối dữ liệu từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông để đảm bảo tính kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu. Tuyến đường Võ Văn Kiệt – đường hầm sông Sài Gòn – Mai Chí Thọ và một số tuyến đường trục chính được lắp đặt hệ thống cáp quang suốt tuyến. Hệ thống hào kỹ thuật sẵn sàng cho việc triển khai hạ tầng điện, truyền dẫn để kết nối các hệ thống khác. Tại các tuyến đường chưa lắp đặt cáp quang, Trung tâm đã phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông như: VNPT, Viettel, FPT Telecom, TpCom, Hanelcom… để phát triển mạng lưới kênh truyền riêng MPLS Layer 2, Layer 3 từ đó tận dụng được mạng lưới hạ tầng truyền dẫn của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.