Sống xanh

Đến Vườn Quốc gia Bù Gia Mập để… hít thở cùng rừng

Hà Nguyễn 11/02/2024 10:47

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là nơi bảo tồn, phát triển nguồn gene quý hiếm của nhiều loài sinh vật; góp phần phòng hộ, điều tiết nguồn nước cho các hồ thủy điện/hồ thủy lợi vùng hạ du sông Bé.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Phước, là rừng nguyên sinh đại diện cho dạng địa hình chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng Đông Nam bộ. Đây còn là một địa điểm du lịch sinh thái tuyệt vời.

Một ngày ở Trung tâm cứu hộ và bảo tồn sinh vật

Đã đến với Vườn quốc gia Bù Gia Mập (VQG BGM), trước tiên nên trải nghiệm công tác chăm sóc, bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) cùng các cán bộ của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (TT).

mua-cay-rung-no-hoa.jpg
Hoa ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) thường nở rộ theo từng vạt làm cho không gian rực rỡ, ửng hồng cả một vùng rộng lớn, kèm thêm hương thơm dịu ngọt theo gió tỏa khắp cánh rừng. Ảnh: Kiều Đình Tháp

TT đang chăm sóc sức khỏe, tái lập những tập tính tự nhiên cho hàng chục loài động vật hoang dã rất nguy cấp và sẽ nguy cấp như tê tê java, culi, mèo rừng, vượn đen má vàng; niệc mỏ vằn, rùa núi đất… Nằm trong khu vực 50ha rừng bán hoang dã, môi trường thiên nhiên tại TT là một điều kiện thuận lợi cho quá trình này.

Nơi đây, ngày mới được bắt đầu bằng một bản hợp xướng đa sắc thái của gia đình nhà vượn đen má vàng. Khi ánh bình minh ló dạng cũng là lúc khúc nhạc được trỗi lên, từng đoạn ngắn đơn âm, đến những nốt cao, đa âm sắc, cường độ mạnh mẽ, dữ dội; trường độ, tiết tấu ngắn dài, nhanh chậm đan xen vô cùng đặc biệt.

Tiếng hót của vượn vang vọng khắp không gian, có thể vang xa hơn 2km. Theo đặc tính của loài, đó có thể là sự đánh dấu lãnh thổ, mời gọi bạn tình hoặc tăng thêm sự gắn kết trong gia đình; với chúng tôi, đó là âm thanh báo thức tuyệt vời cho một sớm mai hoàn hảo.

1.-hai-hoa-qua-cho-dv.jpg
Thu hoạch một số loại rau quả có trong vườn như đu đủ, sung, chuối, mít, rau lang, bình bát, dâm bụt… làm nguồn thực phẩm sạch cho các bé thú hoang dã trong Vườn Quốc gia

Theo chân các nhân viên của TT, chúng tôi thu hoạch một số loại rau quả có trong vườn như đu đủ, sung, chuối, mít, rau lang, bình bát, dâm bụt… làm nguồn thực phẩm sạch cho các bé thú. Trước đó, khu vực máng ăn, chuồng trại đã được vệ sinh sạch sẽ.

Đu đủ và chuối là hai món được đa số các bạn khỉ, vượn, cầy, niệc… ở đây yêu thích hơn cả. “Buổi chiều, các bạn được bổ sung thêm tinh bột và đạm với món cơm nấu với thịt hoặc trứng và bí đỏ”, Trần Thị Gái, cán bộ chuyên chăm sóc bữa ăn cho các bé kể.

Quan sát cuộc sống và đặc tính của các bạn ĐVHD thực sự là một trải nghiệm thú vị. Bạn không thể tưởng tượng rằng từ cơ thể của một chú cầy đen toàn thân đúng như cái tên cầy mực lại có thể tỏa ra kiểu hương thơm vô cùng quyến rũ. Đó là mùi của mướp hương vừa nấu chín tới, có người lại bảo giống mùi bắp rang bơ. Bé mê nhất là món đu đủ, nhoáng tí đã ăn hết cả quả; đến nỗi phân cũng mang cả sắc màu đu đủ.

Chỉ với 4 thành viên, gia đình nhà vượn má vàng cho thấy kết cấu và đặc tính xã hội của cả một loài. Thành viên nhỏ nhất trong gia đình hiện mới được 3 tháng tuổi. Bé đang trong thời kỳ bú sữa, bám chặt bụng mẹ mọi lúc mọi nơi. Vượn bố với bản năng bảo vệ gia đình, luôn sẵn sàng tấn công đối phương nếu thấy có bất kỳ mối nguy cơ nào cho an toàn của vợ con, cho dù đó là các nhân viên thường xuyên chăm sóc chúng.

2.-cay-muc-2-.jpg
Động vật hoang dã góp phần đảm bảo sự cân bằng sinh thái trong môi trường tự nhiên.

Loài này có đặc điểm lông con đực luôn màu đen và con cái thì màu vàng. Vượn con lúc mới ra đời đến một tuổi luôn nằm trong lòng mẹ, bú mẹ hoàn toàn. Vì vậy, dù cái hay đực cũng đều có lông màu vàng để tiệp với màu lông của mẹ. Sau 1 tuổi, nếu là vượn đực, màu lông sẽ chuyển dần sang đen.

Trong một chuồng khác, có hai chú khỉ đuôi dài trạc tuổi nhau bị khuyết tật, một mất tay, con còn lại mất chân, nhưng các phản xạ tự nhiên vẫn rất nhanh nhạy và thuần thục.

Là người trực tiếp cứu hộ, chăm sóc vết thương cho các bé thú của TT, Nguyễn Đức Trọng, cán bộ cứu hộ bảo tồn, cho biết: “Lúc TT tiếp nhận, hai chú đang trong tình trạng bị thương nghiêm trọng do sập bẫy. Sau thời gian được các cán bộ của TT điều trị, chăm sóc tích cực, vết thương của hai chú mới hồi phục hoàn toàn và có được phản xạ như hiện nay”.

Một bạn khác thuộc loài khỉ đuôi lợn thỉnh thoảng lại tạo dáng rất lạ, hai tay chú cứ đưa ra phía sau và bắt chéo lại, mắt dáo dác quan sát xung quanh. “Đó là hậu quả và nỗi ám ảnh từ thời gian bị nuôi nhốt trước đây và chú luôn bị cùm tay ra sau lưng” - Trọng chia sẻ thêm.

13.-chim-hong-hoang.jpg
Chim hồng hoàng... trong Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Có thâm niên sống lâu nhất là cụ khỉ mặt đỏ. Cụ nay đã gần 30 tuổi. Tính theo tuổi thọ của loài, cụ đã sống được gần hết tuổi trời. Có lẽ vì vậy mà cụ luôn giữ được sự đĩnh đạt và thần thái của một vị trưởng lão có công phu tu luyện. Thú vui đặt biệt của cụ là thích bắt rận. Dù là bữa ăn sáng hay chiều, cụ đều không vội vàng, háo hức như lũ trẻ; cứ chậm rãi vạch lông bắt rận như một kiểu để khai vị, rồi mới thưởng thức món ăn chính mà các cán bộ của trung tâm đã chuẩn bị.

Từ xưa có câu thành ngữ “dính như sam”, khi quan sát cặp rái cá ở đây chúng tôi lại cảm nhận được ý nghĩa này. Chúng líu ríu bên nhau mọi lúc, thiếu vắng nhau dù chỉ một giây cũng không chịu nổi. Trong lúc chúng tôi vệ sinh chuồng, nàng rái cá cái trốn dưới hốc cây, thoáng mất bóng nàng, chàng rái cá đực cuống cuồng tìm nàng và kêu loạn cả lên cho đến khi họ nhìn thấy nhau.

Mục tiêu quan trọng của TT không chỉ là cứu hộ, chăm sóc mà còn giúp các bé thú lấy lại những tập tính hoang dã nhằm đưa chúng trở về thiên nhiên. Do vậy, bữa ăn cho các bé thực hiện ở nhiều thời điểm khác nhau. Bé tê tê và culi sẽ chỉ ăn về chiều đến tối. Bé tê tê không hề có răng, bé dùng chiếc lưỡi dài để bắt con mồi (thường là kiến, mối, côn trùng, trứng kiến…). Có thời điểm không mua được thức ăn, các cán bộ của trung tâm phải vào rừng bắt kiến, mối cho bé. Kết quả không ít lần họ đã bị kiến, mối cắn sưng cả người.

Bé culi nhỏ như một chú mèo mới sinh và có đôi mắt cực kỳ ấn tượng, to tròn, hiền lành và sáng lấp lánh như ngôi sao khuya trong màn đêm. Ban ngày đố tìm thấy vì bé chỉ thích cuộn tròn ngủ trong lùm cây. Thức ăn của bé là hoa quả và các loại côn trùng như dế, ve sầu…

12.-mua-cay-thay-la-1-.jpg
Mùa cây thay lá trong Vườn Quốc gia

Vừa chăm sóc các bé thú, Trọng vừa chia sẻ thêm với chúng tôi về việc tại sao ngày nay cả thế giới cùng chung tay, dành nhiều tâm sức cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã.

“Chúng góp phần đảm bảo sự cân bằng sinh thái trong môi trường tự nhiên. Khi một loài quan trọng mất đi sẽ phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái và gây ảnh hưởng đến các loài khác. Một ví dụ nhỏ, nhiều loài thực vật phát tán hoặc thụ phấn nhờ các loài chim, thú, hoặc côn trùng. Nếu một loài có chức năng phát tán thực vật mất đi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thảm thực vật…”

Thực vậy, tạo hóa đã kiến tạo cho thế giới này một hệ sinh thái hoàn chỉnh, trong đó mỗi loài dù lớn hay nhỏ, dù đông hay ít đều có ý nghĩa nhất định cho sự tồn tại của cả hệ thống. Khi cố tình tạo ra những tác động để thay đổi thiên nhiên, con người sẽ phải gánh lấy hậu quả. Đó là sự biến đổi khí hậu, là sự mất cân bằng sinh thái, là bão lũ, là dịch bệnh sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn, tần suất dày hơn.

Trekking khám phá thiên nhiên hoang dã, tươi đẹp của VQG BGM

Đã đến với BGM, trekking là cách tốt nhất để bạn khám phá sự đa dạng và cảm nhận trọn vẹn sự tuyệt vời của thiên nhiên nơi đây. Dưới sự dẫn đường của các cán bộ của VQG BGM, chúng tôi đi theo cung đường trekking “Ban quản lý VQG BGM - Trạm kiểm lâm số 2 - Đắk ca - Lưu ly”.

7.-thac-dak-bo.jpg
Thác Đắk Bô 3 tầng đẹp như một dải lụa mềm

Ngay khi vượt qua trạm kiểm lâm số 1, quốc lộ 14C, chúng tôi đã được vây quanh bởi bạt ngàn cây rừng, tầng tán của rừng. Theo mỗi bước chân, hành trình này lại được tô điểm bởi cảnh sắc thiên nhiên, được nâng đỡ và che chắn bởi mái nhà rừng; trong tiếng chim rừng lảnh lót ngân vang, tiếng vượn hú; của tiếng suối róc rách, ào ào thác nước, âm hưởng của tiếng nhạc rừng vang vọng…

Được tưới tắm bởi nguồn nước, nguồn dinh dưỡng ngọt lành của đất trời sau mùa mưa, lúc này rừng mang một màu xanh bát ngát, mơn mởn với sức sống mãnh liệt. Những cây thân gỗ có tuổi đời hàng chục, hàng trăm năm vững vàng, hiên ngang, sừng sững khắp các nẻo rừng, xung quanh cành lá, dây leo đua chen chằng chịt; nhiều loài cộng sinh, ký sinh được dịp sinh sôi mạnh mẽ trên những cây gỗ lớn, cổ thụ,...

Là người có thâm niên nghiên cứu, đã “sống” nhiều năm cùng BGM, có tình yêu sâu đậm với rừng nhưng với thạc sĩ Kiều Đình Tháp, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế - VQG BGM, rừng có một ma lực khiến ai đã mê rồi không thể dứt ra, chỉ có thể ngày càng mê hơn.

8.-thac-dak-mai.jpg
Thác Đắk Mai...

Anh hào hứng chia sẻ “Thiên nhiên nơi đây vô cùng tuyệt vời, luôn đưa ta đến những bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mỗi thời điểm, rừng lại trình diễn một diện mạo mới khác lạ và đầy quyến rũ. Bước sang mùa gió khô, một số loài cây sẽ thay lá với đủ sắc màu, và một số loài khác lại đâm chồi nảy lộc tạo nên một sinh cảnh đầy chất lãng mạn”.

Cho xem rất nhiều tác phẩm ảnh về hệ sinh vật của BGM đã “săn” được, anh tiếp tục câu chuyện về các loài hoa của rừng. Từ khoảng tháng 12 đến tháng 3 hằng năm là mùa của loài hoa đài các, quý phái nhất khu rừng - hoa phong lan.

Các nhà khoa học đã ghi nhận rừng BGM có 81 loài lan thuộc 47 chi khác nhau với nhiều loài mang giá trị khoa học và thẩm mỹ cao. Hoàng thảo thủy tiên tràn trề sức xuân với nhụy vàng cánh trắng, hoàng thảo bạch câu trắng muốt tinh khôi, hoàng thảo kim điệp rực rỡ sắc vàng, hoàng thảo báo hỷ tím hồng cả chiều thương nhớ, lan thanh đạm, bạch hạc thanh khiết ngọt ngào…

hoa-1.jpg
Các nhà khoa học đã ghi nhận rừng Bù Gia Mập có 81 loài lan thuộc 47 chi khác nhau với nhiều loài mang giá trị khoa học và thẩm mỹ cao. Ảnh Kiều Đình Tháp

Không chỉ xinh đẹp, duyên dáng, mỗi loài lan rừng còn mang hương thơm đặc trưng, nhẹ nhàng, thoang thoảng nhưng tạo cảm giác dễ chịu và khiến người thưởng ngoạn mê đắm, không muốn rời xa.

Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện cũng là lúc loài muồng, hoa đào khoe sắc thắm. Hoa thường nở rộ theo từng vạt làm cho không gian rực rỡ, ửng hồng cả một vùng rộng lớn, kèm thêm hương thơm dịu ngọt theo gió tỏa khắp cánh rừng.

Không chỉ vậy, hàng loạt các loài khác như hoa bằng lăng sắc tím nhụy vàng, bằng lăng trắng, hoa móng bò đỏ hồng… cũng đua chen “bung lụa” làm cho bức tranh BGM thêm phần sống động và quyến rũ.

9.-canh-dep-tren-hanh-trinh-trekking-4-2-.jpg
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là thiên đàng hoang dã, mê hoặc những trái tim đam mê khám phá và tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên.

BGM còn sở hữu hàng chục thác nước, dòng suối nên thơ, hùng vĩ: thác Đắk Bô 3 tầng đẹp như một dải lụa mềm, mỗi tầng là một bãi tắm rộng cùng lúc có thể chứa được hàng trăm người. Thác Lưu ly hiền hòa với những hốc và gờ đá thoai thoải khiến du khách chỉ muốn ẩn mình vào trong.

Thác Đắk Sam có độ cao 40m, trong quá trình chảy xuống luôn tạo ra những cơn gió thổi dưới chân thác, đem đến cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái; thác Đắk Mai hùng vĩ với chiều rộng khoảng 50m và chiều cao hơn mười mét, luôn tỏa bọt trắng xóa, mạnh mẽ; và hàng loạt các thác khác như Đắk Rốt, thác Đăk Côn, Đăk Đo...

Nhiều người sau khi đến với BGM đã rút ra kinh nghiệm rằng nơi đây là thiên đàng hoang dã, mê hoặc những trái tim đam mê khám phá và tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên. Sở dĩ, rừng nơi đây còn được nguyên vẹn là nhờ tình yêu và văn hóa giữ rừng độc đáo của người dân bản xứ M’nông, S’tiêng.

10.-cac-be-thieu-nhi-tim-hieu-sinh-vat-rung-1-.jpg
Với mỗi chúng ta, rừng luôn cần được xem như “vị thần linh, ân nhân vĩ đại, linh thiêng của loài người”.

Trong văn hóa chọn đất lập làng của người M’nông luôn quan niệm ở đâu có rừng, có dòng sông, khe suối, ở đó làng mới tồn tại và phát triển vững bền được.

Với người M’nông, S’tiêng rừng không chỉ đơn thuần là môi trường sống, là cây cỏ, là động, thực vật cho họ sự sống, rừng còn là cội nguồn văn hóa của họ, rừng còn là thần linh che chở và bảo vệ họ khỏi thú dữ.

Không chỉ với người M’nông, S’tiêng, với mỗi chúng ta, rừng luôn cần được xem như “vị thần linh, ân nhân vĩ đại, linh thiêng của loài người”.

Tái thả hàng trăm cá thể động vật hoang dã nguy cấp về thiên nhiên

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập được thành lập để bảo tồn và phát triển mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh trên đồi núi thấp có độ cao dưới 1.000m. Lâm phần của Vườn có tổng diện tích là 25.601,18 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm trên 95%.

Những năm gần đây, được sự tuyên truyền rộng rãi của các cấp, cách ngành về bảo vệ, cứu hộ động vật hoang dã, nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức đã tự nguyện giao nộp nhiều ĐVHD mà họ nuôi nhốt cho các VQG.

3.-cu-khi-mat-do.jpg
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã tiếp nhận, cứu chữa, chăm sóc, nuôi dưỡng, tập luyện phục hồi bản năng hoang dã và tái thả gần 700 cá thể động vật hoang dã về với thiên nhiên

Cùng với công tác bảo tồn, phát triển, từ 2016 đến nay, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã tiếp nhận, cứu chữa, chăm sóc, nuôi dưỡng, tập luyện phục hồi bản năng hoang dã và tái thả gần 700 cá thể động vật hoang dã về với thiên nhiên; trong đó nhiều loài nằm trong nhóm rất nguy cấp và nguy cấp, cần được bảo vệ như: Tê tê Java, culi, rái cá, khỉ đuôi dài, khỉ vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, rùa núi vàng, rùa hộp lưng đen…

Vì vậy, khi đến với VQG BGM, chúng ta sẽ còn được ngắm nhìn nhiều loài thú quý hiếm như: Chà vá chân đen, vượn đen má vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, cu-li, tê tê, hươu, nai...; rất nhiều các loài chim như: Hồng hoàng, cao cát, niệc mỏ vằn, vàng anh, dù dì phương đông, công, gà lôi hông tía, gà so cổ hung...

Hà Nguyễn