Cộng đồng

Nhà từ thiện từng mặc quần áo vá víu để đến trường

Kim Sơn 02/02/2024 - 11:33

Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, phải phụ cha mẹ làm ruộng, anh từng đi học phải bỏ áo ngoài quần cốt để che đi chỗ quần rách. Quá khứ nghèo khó là động lực để anh khởi nghiệp và làm từ thiện.

Anh Nguyễn Thanh Sử, nhà sáng lập và điều hành công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lạc Long, sở hữu thương hiệu xe đạp điện Draca quen thuộc với người tiêu dùng, lại là một nhà từ thiện có duyên với các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Trưởng thành trong cảnh khó khăn

Nhưng ít ai biết rằng, anh lớn lên trong một gia đình đông anh em, sống nhờ vào mảnh ruộng ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Khi đang tuổi ăn, tuổi lớn, ăn uống còn thiếu hụt, lấy đâu mà nói đến quần áo đến trường. Do anh phải phụ cha mẹ làm ruộng nên quần áo mau cũ, rách, phải vá víu khắp nơi. Đến giờ đi học, anh cũng mặc chính bộ quần áo vá víu ấy, chứ lúc đó, đâu đã có chuyện mặc đồng phục.

ho-tro-cac-hoc-sinh-co-hoan-canh-kho-khan.jpg
Nhớ lại hoàn cảnh khó khăn ngày xưa, anh Nguyễn Thanh Sử coi đó là động lực để anh luôn giúp các trẻ em, học sinh nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn như mình khi xưa

“Có lần tôi bị ghi tên cảnh cáo vì không bỏ áo vô quần khi vào trường. Nhưng có ai biết tôi phải bỏ ngoài quần vì để che đi chỗ quần rách mà chưa kịp vá”, anh Sử kể.

“Mỗi lần dự chào cờ sáng thứ hai là cảnh éo le với cánh nam sinh chúng tôi vì không thể đóng thùng nghiêm túc trước mặt thầy cô và các bạn nữ sinh”, anh nói tiếp.

Quá khứ nghèo khổ đó cứ theo anh mãi, đến khi được lên TP.HCM để học kế toán, nung nấu trong tư tưởng cái cảnh nghèo khó ở quê. Sau khi ra trường, năm 1996 anh lao vào nghề sản xuất, lắp ráp xe đạp, vốn là nghề ít vốn, dễ làm.

Từ đó tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng dần dần để rồi đến năm 2008 khi mà xe đạp điện phát triển, anh là một trong những công ty khởi nghiệp đi đầu trong ngành này.

Dành tặng nhiều cơ hội cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Bây giờ, ngồi nhớ lại hoàn cảnh khó khăn ngày xưa, anh bật cười và coi đó là động lực để anh luôn giúp các trẻ em, học sinh nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn như mình khi xưa. Năm 2023 là năm anh lao vào làm từ thiện cho các em học sinh nhiều nhất.

Tại trường Thạch Thới Thuận B, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng - quê anh, anh Nguyễn Thanh Sử đã về và tặng 80 phần quà tập vở, đồng phục học sinh cho các em.

mai-am-duc-quang.jpg
Anh Nguyễn Thanh Sử thăm mái ấm Đức Quang ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Không những thế ngày khai giảng, ở Trường THCS Trần Thế Sinh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, anh đã tặng 21 phần quà tập vở, 3 xe đạp cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt anh tặng một xe 3 bánh chạy điện cho một học sinh nữ khuyết tật, bị liệt hai chân từ nhỏ để em có thể đến trường dễ dàng hơn cùng các bạn.

Nhân ngày nhà giáo 20/11/2023, khi đọc được thông tin trên báo viết về một cô giáo dạy tại một trường khuyết tật ở Hà Nội bị bệnh xương thủy tinh, anh đã liên lạc và gửi tặng cô một xe lăn qua một đại lý của Dacra ở Hà Nội.

Sẻ chia những ấm áp

Những ngày rảnh rỗi anh cùng vợ và các bạn bè tổ chức đi đến các chùa, mái ấm, nhà mở để thăm và tặng quà cho các cháu nhỏ, cơ nhỡ không gia đình, người thân như tại mái ấm Đức Quang ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Nhìn cảnh các cháu nhỏ không cha mẹ, ở chung dưới mái ấm, thiếu thốn đủ thứ và các cháu lớn hơn phải lao động dọn dẹp, nấu cơm để giúp cho mái ấm, tôi rất xúc động và tự hứa phải đến thăm các cháu nhiều hơn nữa” - anh Sử nói.

Vốn là người con dân miền Tây nên anh cũng mê cải lương. Hay đi xem tuồng khi có đoàn cải lương về xóm trình diễn. Anh rất nhớ các trích đoạn và các diễn viên cải lương. Đỉnh điểm sau khi dịch bệnh vừa hết, anh tình cờ được biết tình cảnh khó khăn, cô đơn và đau chân của nghệ sĩ hài, ảo thuật và cũng là diễn viên Mạc Can có lần đến quê anh biểu diễn.

anh-nguyen-thanh-su-tham-hoi-hai-chu-mac-can-va-hung-minh.jpg
Anh Nguyễn Thanh Sử thăm hỏi hai chú Mạc Can và Hùng Minh. Ảnh: Nguyễn Văn Phụng

Nên anh tự đi tìm đến nhà chú Mạc Can, khi thì giỏ trái cây, khi thì đồng quà tấm bánh; đến khi công ty ra mặt hàng xe điện mới loại xe 3, 4 bánh chạy bằng điện dành cho người già yếu, khuyết tật hay người gặp khó khăn ở chi dưới khi di chuyển, anh tặng ngay cho chú Mạc Can một chiếc xe điện 4 bánh để chú có thể tự đi đến nhà xuất bản lo việc in ấn các truyện mới viết của mình hay thăm bạn bè ở 81 Trần Quốc Thảo.

Không những thế, qua giới thiệu của chú Mạc Can, cũng biết nghệ sĩ cải lương Hùng Minh cũng có hoàn cảnh tương tự, anh cũng đã tặng cho chú Hùng Minh một chiếc xe điện tương tự.

Nói về câu chuyện này, anh Sử cho biết, anh coi hai chú nghệ sĩ như bậc cha mẹ của mình, khi về già hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, với khả năng của mình, anh làm hết sức để giúp đỡ cho hai chú “được cái gì hay cái nấy”.

Không chỉ tặng xe, anh vẫn thường ghé thăm chú Mạc Can hay nghe tin chú Hùng Minh nhập viện anh cũng ghé, để các chú bớt những nỗi niềm, khi tuổi già đến trong cảnh cô đơn, bệnh tật.

Sợi tơ tình cảm

“Một ngày lạc bước

Lòng vướng bụi trần

Trăm năm sầu vương

Tơ tình day dứt”

4 câu thơ anh làm sau khi thăm mái ấm Đức Quang đã làm vơi đi những buồn phiền trong cuộc sống. Sau khi rời mái ấm, sợi tơ tình cảm vẫn làm anh còn day dứt như chưa trả được hết những điều còn nợ trên đời với các bạn trẻ và những người lớn tuổi còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Anh vẫn luôn nhớ về cảnh khó khăn dưới mái trường của mình thuở nhỏ và tự nhủ sẽ tiếp tục giúp đỡ các em học sinh gặp khó khăn như là giúp cho chính mình lúc trẻ. Giúp cho đời, cho người khi mình có khả năng chính là phương châm sống của người làm từ thiện như anh Nguyễn Thanh Sử.

Các chuyến đi từ thiện của anh không ồn ào hay cố tình tô vẽ cho thương hiệu vì đơn giản anh chỉ muốn giúp cho các trẻ em, người cao tuổi còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Như anh vẫn thường nói “gửi chút tấm lòng của mình không đáng để kể đến”.

Kim Sơn